Người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi thị trường bán lẻ phát triển

Người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi thị trường bán lẻ phát triển

Đại gia công nghệ phân phối thực phẩm: Tín hiệu mừng cho ngành bán lẻ Việt?

(ĐTCK) Thời gian qua, thị trường chứng kiến những cuộc hợp tác giữa các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thực phẩm. Liệu đây có phải tín hiệu mừng cho ngành bán lẻ Việt, vốn đang gặp không ít khó khăn trước sự đổ bộ của các hãng bán lẻ nước ngoài?

Những cái bắt tay đáng chú ý

Mới đây, FPT Retail, công ty thành viên của Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Với đa số người dân, sự hợp tác này gây ngạc nhiên bởi các sản phẩm sữa của Vinamilk vốn chẳng ăn nhập với các mặt hàng mà FPT Retail đang phân phối, đó là các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, với giới đầu tư, cái bắt tay giữa Vinamilk và FPT Retail là điều không khó đoán. Bởi, FPT Retail hiện là một trong những “đại gia” bán lẻ tại Việt Nam, sở hữu hệ thống hơn 350 cửa hàng ở khắp 63 tỉnh, thành phố và đây là cơ hội để Vinamilk tiếp cận với nguồn khách hàng lớn.

Trong khi đó, FPT Retail đang nuôi tham vọng lấn sâu hơn vào lĩnh vực bán lẻ bằng việc mở rộng hoạt động phân phối và việc hợp tác với Vinamilk có thể là bước đi đầu tiên thực hiện kế hoạch này.

Cũng trong tháng 6, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) công bố thông tin một trong những công ty trực thuộc là CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Theo đó, HAG sẽ cung cấp các sản phẩm nông nghiệp mà HAG đang nuôi trồng cho hệ thống chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh của MWG.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG cho hay, MWG nuôi tham vọng đi xa hơn nữa trong lĩnh vực bán lẻ nên cần có sự đồng hành của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như HAG để đạt mục tiêu. 

“Chúng tôi sẽ nhanh chóng mở rộng chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh với mục đích gia tăng mạnh thị phần trong lĩnh vực hàng tiêu dùng Việt Nam”, ông Doanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện HAG cho biết, việc bắt tay với MWG như một đòn bẩy, giúp HAG đi nhanh hơn trong việc khẳng định tên tuổi ở lĩnh vực nông nghiệp.

“Chúng tôi tự tin có nhiều lợi thế nhờ diện tích nuôi trồng lớn tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với đa dạng các loại trái cây nhiệt đới, đảm bảo nguồn cung ổn định quanh năm”, vị đại diện này cho biết.

Tín hiệu mừng cho ngành bán lẻ Việt?

“Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, câu chuyện liên kết giữa các đại gia bán lẻ nông nghiệp đang mở ra một xu thế hợp tác mới, song những băn khoăn về tính hiệu quả cũng được đặt gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, FPT Retail sẽ bị “trái tay” với việc phân phối sữa, khi thế mạnh vốn có là các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin. Đó là chưa kể, bán sữa là lĩnh vực có rủi ro về hàng tồn kho, bởi thời hạn sử dụng có hạn và luôn phải đảm bảo các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ngoài ra, trên thực tế, với thói quen tiêu dùng, các bà mẹ không tìm đến cửa hàng điện thoại để mua sữa, trong khi thường xuyên lui tới các cửa hàng này là những khách hàng trẻ, đối tượng ít có nhu cầu về sữa.

Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện FPT Retail khẳng định, đây là điều đã được các  bên tính đến.

“Hiện FPT Retail đã triển khai thử nghiệm 2 cửa hàng có bán sữa tại TP.HCM. Chúng tôi đang chờ thời điểm thích hợp để công bố kết quả”, đại diện FPT Retail cho hay.

Khi được hỏi về tính hiệu quả, cũng như rủi ro của sự hợp tác này, ông Đặng Thanh Phong, Trưởng bộ phận Truyền thông MWG cũng khẳng định tin vào triển vọng sáng của mối hợp tác này.

“Trong tương lai, MWG kỳ vọng sẽ còn có nhiều sự hợp tác nữa để Bách Hóa Xanh có nguồn cung lớn, ổn định, hiệu quả”, ông Phong nhấn mạnh.

Bình luận về câu chuyện liên kết của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, đây là tín hiệu tích cực trên thị trường bán lẻ nội địa.

“Ngành bán lẻ trong nước cần nhiều cái bắt tay như vậy, các doanh nghiệp Việt cần liên kết chặt chẽ để cùng phát triển trước làn sóng nhà bán lẻ nước ngoài tràn vào Việt Nam”, bà Loan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhìn nhận, các doanh nghiệp Việt muốn mạnh lên cần phải hợp tác với nhau, dựa vào những thế mạnh của nhau để cùng phát triển, với mục đích chung là đưa những sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý nhất cho người tiêu dùng. Đó là lợi ích cho cả khách hàng, doanh nghiệp và thị trường.

“Đây là những hợp tác win-win, hướng tới sự phát triển bền vững”, ông Hải nhận định.      

Tin bài liên quan