Ảnh Internet

Ảnh Internet

Công ty định mức tín nhiệm Việt Nam và những câu hỏi chưa có lời giải

(ĐTCK) Với việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, cơ chế cho sự ra đời của công ty định mức tín nhiệm đã đủ. Tuy nhiên, loại hình công ty này còn cần nhiều thời gian để hiện diện tại Việt Nam.

Phải xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu

Cùng với Nghị định 88/2014 về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây tại Quyết định 507/2015, cơ chế cho sự hình thành công ty định mức tín nhiệm đầu tiên tại Việt Nam đã hoàn chỉnh.

Theo quy hoạch, phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm hỗ trợ phát triển TTCK, thị trường trái phiếu; nâng cao tính minh bạch của thị trường; thúc đẩy huy động vốn qua TTCK, thị trường trái phiếu; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT.

Số lượng DN cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm sẽ tùy thuộc vào quy mô của TTCK, thị trường trái phiếu và nhu cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường, nhưng tối đa chỉ cấp phép hoạt động cho 5 DN xếp hạng tín nhiệm đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2020, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đều phải được xếp hạng tín nhiệm.

Đầu năm nay, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) từng đánh tiếng đang trao đổi với một số tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế về khả năng VBMA liên kết với các tổ chức này triển khai thành lập công ty định mức tín nhiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính - đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và cấp phép hoạt động cho các công ty định mức tín nhiệm - đến nay, vẫn chưa có bộ hồ sơ nào được nộp lên Bộ Tài chính mặc dù có một số tổ chức quan tâm đến phát triển lĩnh vực dịch vụ còn rất mới này.

Dưới góc nhìn thị trường, công ty định mức tín nhiệm “made in Vietnam” chưa thể sớm ra đời không phải vì thiếu sự quan tâm của các tổ chức, mà nguyên nhân chính nằm ở chỗ hiện thị trường TPDN kém phát triển: quy mô quá nhỏ, thông tin kém minh bạch…, nên tìm ra phương án kinh doanh khả thi là bài toán đau đầu với các tổ chức có ý định thành lập công ty định mức tín nhiệm.

Một khi các tổ chức còn loay hoay đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: cách nào bán được và tiến tới là “bán chạy” dịch vụ định mức tín nhiệm, thì công ty định mức tín nhiệm chưa dễ xuất hiện trên thị trường. 

Thiếu “đất” cho định mức tín nhiệm

Sẽ không quá khó khi tìm đáp án cho câu hỏi làm thế nào để giúp các tổ chức bán được dịch vụ định mức tín nhiệm, qua đó thúc đẩy họ lập loại hình công ty này, nếu các giải pháp mà lâu nay các thành viên thị trường trái phiếu kiến nghị được cơ quan quản lý triển khai sớm.

“Món nợ” đầu tiên và hiện là mối quan tâm lớn nhất của các thành viên thị trường trái phiếu là, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa giao cho VBMA làm đầu mối xây dựng Trung tâm thông tin TPDN, mặc dù Đề án xây dựng trung tâm này đã được VBMA đề xuất khá lâu. Sự chậm trễ này khiến cho thông tin trên thị trường TPDN vừa manh mún, vừa kém minh bạch.

Theo kinh nghiệm của một số nước có thị trường TPDN phát triển trong khu vực như Thái Lan, tất cả các đợt phát hành TPDN, sau khi được cơ quan quản lý TTCK chấp thuận phát hành, đều phải đăng ký tại Trung tâm thông tin TPDN.

Do đó, NĐT hay các tổ chức phát hành đều dễ dàng thu thập thông tin cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp như: các đợt phát hành, DN phát hành, NĐT… từ trung tâm thông tin này. Đây là mô hình Việt Nam nên tham khảo áp dụng.

Mặt khác, để tiếp sức cho TPDN phát triển, qua đó tạo “đất” cho dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phát triển, ý kiến của các thành viên thị trường trái phiếu cho rằng, nhà quản lý cần tập trung phát triển hệ thống NĐT trái phiếu cấp I (PD).

Thời gian qua, VBMA đã xây dựng thành công cơ chế chào giá hai chiều trên thị trường thứ cấp đối với trái phiếu chính phủ (TPCP) giữa các thành viên lớn trên thị trường trái phiếu.

Quyết định 160/QĐ-UBCK của UBCK quy định về chào mua/chào bán trên thị trường TPCP, Sở GDCK Hà Nội đã xây dựng Đường cong lãi suất cho thị trường TPCP, là cơ sở ban đầu cho hình thành hệ thống PD. Đây cũng là điều kiện tiền đề để áp dụng cho thị trường TPDN. Phát triển thành công hệ thống PD là rất cần thiết để cải thiện thanh khoản cho TPDN.

Tin bài liên quan