Công nghiệp ô tô sẽ đi về đâu?

Công nghiệp ô tô sẽ đi về đâu?

(ĐTCK) Sau những kế hoạch đầy tham vọng từ hơn 10 năm trước đã thất bại, mục tiêu mới đây của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là xuất khẩu 20.000 xe ô tô các loại vào năm 2020, bên cạnh 4 tỷ USD giá trị linh kiện và phụ tùng. 

Xe tải, xe khách được ưu tiên hàng đầu

Theo Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được phê duyệt, xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên đã đứng đầu nhóm sản phẩm ô tô ưu tiên.

Ưu tiên tiếp theo trong danh sách này là xe chở người đến dưới 9 chỗ với các loại kích thước nhỏ, tiêu thụ năng lượng ít, phù hợp với với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.

Công nghiệp hỗ trợ cũng được đặt trong danh sách ưu tiên này với mục tiêu chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng, như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ ô tô cho một vài chủng loại xe và tăng cường với các hãng ô tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Việc đưa xe tải và xe khách trên 10 chỗ vào đầu danh sách ưu tiên là bởi trên thực tế, xe tải của các doanh nghiệp ô tô trong nước sản xuất đã đáp ứng được hơn 90% thị trường xe tải trong nước. Thậm chí, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã xuất khẩu một số chi tiết, như thùng xe tải sang thị trường Trung Đông trong chuỗi cung ứng của Kia Motor.

Với xe du lịch, cơ hội để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và tiến tới xuất khẩu có nhiều khó khăn hơn. Hiện tại, các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi vẫn hoàn toàn là các nhãn hiệu nước ngoài đã có tiếng tăm trên thế giới. Tuy nhiên, các nhãn hiệu này hiện rất dè dặt trong việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, bởi thời điểm 2018 không còn xa.

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ giảm về 0%. Khi đó, xe ô tô nguyên chiếc sản xuất tại các nước trong khu vực có cơ hội lấn sân sang Việt Nam.

Ông Trương Kim Phong, Giám đốc bán hàng của Ford Việt Nam nhận xét rằng, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc hiện ở mức 50% vẫn chưa đủ kích thích các doanh nghiệp ô tô chuyển sang nhập khẩu nhiều, bởi chênh lệch về thuế giữa nhập khẩu xe nguyên chiếc và thuế linh phụ kiện vẫn còn lớn. Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm về còn 30% vào năm 2017, thì mọi chuyện sẽ khác, bởi chênh lệch thuế không còn đáng kể. Còn khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018, cơ hội để xe nhập làm chủ thị trường là hiện hữu.

Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hiện có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất ô tô và 40 thương hiệu, nhưng tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn không đạt mức mong muốn của cả nhà đầu tư và Chính phủ.

Tổng sản lượng toàn ngành năm 2013 chỉ khoảng 100.000 xe, trong đó 80% được lắp ráp. Với mức sản xuất thực tế chỉ đạt xấp xỉ 20% tổng công suất gần 500.000 xe, việc nhà đầu tư lo lắng, thậm chí đặt câu hỏi về khả năng đầu tư mới trong tương lai là điều dễ hiểu.

Tới nay, chỉ có Thaco công khai chiến lược cạnh tranh và phát triển cho giai đoạn từ năm 2014 đến sau khi thị trường ASEAN được mở cửa hoàn toàn. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác với quy mô toàn cầu đều rất dè dặt công bố chiến lược của mình tại Việt Nam, khi đang coi nơi đây là thị trường tiêu thụ, chứ không phải là một cứ điểm sản xuất trong tập đoàn.

Bởi vậy, mục tiêu xuất khẩu 5.000 xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi hay xuất khẩu tổng cộng 20.000 xe các loại vào thời điểm năm 2020 đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ trong việc hấp dẫn các nhà đầu tư khi thời gian chỉ còn lại chưa đến 6 năm. Đến nay, chưa có nhãn hiệu ô tô nào bày tỏ ý định đầu tư lớn vào Việt Nam như cách mà Samsung đang làm trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, với quy mô nhiều tỷ đô-la.

Nội địa hóa vẫn gian khó

Mục tiêu về nội địa hóa được đặt ra trong Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 16/7/2014 phê duyệt Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cũng rất khiêm tốn, với mức 30 - 40% vào thời điểm 2020 cho xe dưới 9 chỗ ngồi và xe tải.

Trước đó, năm 2002, theo Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020, mục tiêu nội địa hóa được đặt ra cho ô tô du lịch là 20 - 25% vào năm 2005 và 40 - 45% năm 2010.

Tuy nhiên, cần nói thêm là, trong vài năm trở lại đây, dù có đầu tư thêm nhiều triệu USD cho hoạt động sản xuất - kinh doanh ô tô tại Việt Nam, nhưng không hãng xe nào có ý định khuếch trương mức nội địa hóa đã đạt được khi báo giới hỏi thăm. Ngay mẫu xe Toyota Innova đã đạt mức nội địa hóa 37% vào năm 2009, thì cũng không tiến thêm được chút nào trong 5 năm qua, bởi sự thay đổi của thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tin bài liên quan