Công bố PCI 2014, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu

Công bố PCI 2014, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu

(ĐTCK) Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2014 với số điểm 66,87 trên thang điểm 100, theo sau là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm).

Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 với chủ đề “Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp cho một Việt Nam cạnh tranh hơn” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố tại Hà Nội sáng nay 16/4.

Theo công bố, khảo sát PCI 2014 nhận được sự hưởng ứng của gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2014 với số điểm 66,87 trên thang điểm 100, theo sau là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm).

Đây là những địa phương đã có nhiều chương trình thiết thực và hiệu quả để hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhờ đó đã duy trì thứ hạng cao trong nhiều năm.

Cụ thể Đà Nẵng đã đưa vào thực hiện riêng một năm dành cho doanh nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp với chủ đề là “Năm Doanh nghiệp” đạt được khá nhiều thành công và được doanh nghiệp đánh giá cao. 

Còn Lào Cai có sáng kiến xây dựng riêng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố để tiếp thu và hiện thực hóa các góp ý của cộng đồng doanh nghiệp về cải thiện môi trường kinh doanh địa phương.

Lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, trung tâm kinh tế lớn, thành phố Hồ Chí Minh (62,73 điểm) bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Vị trí thứ 5 của bảng xếp hạng thuộc về Quảng Ninh với 62,16 điểm.  

Nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh. Đáng chú ý trong bảng xếp hạng năm nay là trường hợp của Tuyên Quang, tỉnh đã vươn lên mạnh mẽ từ vị trí 63/63 của PCI 2013, công tác điều hành được cải thiện hơn nhờ các nỗ lực tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Nhận định về kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh địa phương năm nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận định: “Nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Điều này cho thấy các chính quyền địa phương đã thực sự tiến hành triển khai các cải cách sâu rộng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng nhằm đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của mọi doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

Cũng theo Báo cáo PCI 2014, từ cảm nhận của 1.491 doanh nghiệp FDI cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ cao và các mức thuế hợp lý.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp FDI cũng cho rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ hành chính công (như y tế, giáo dục).

Đặc biệt, tăng cường nguồn lao động có tay nghề cao cũng như đơn giản hóa việc cấp giấy phép làm việc cho người lao động nước ngoài được coi là những yếu tố giúp Việt Nam cạnh tranh hơn trong thu hút đầu tư. 

Một điểm mới là năm nay báo cáo PCI có một chương riêng phân tích về đánh giá và cảm nhận của nhà đầu tư trong và ngoài nước về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tín hiệu tích cực là các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là khu vực tư nhân trong nước rất ủng hộ nếu Việt Nam đàm phán và gia nhập hiệp định này mặc dù còn những quan ngại nhất định về khả năng tiếp cận thông tin và ảnh hưởng tiêu cực có thể có trong một số lĩnh vực nhạy cảm.

“Điều mà tất cả doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng là những cam kết hội nhập không chỉ mang lại những cơ hội mở cửa thị trường mà còn là một động lực cho những cải cách thể chế mạnh mẽ hơn. Tinh thần hội nhập, sẵn sàng tham gia cuộc đua toàn cầu của người Việt rất mạnh mẽ. Doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ phiếu cho Chính phủ về những nỗ lực hội nhập”, ông Lộc khẳng định.

Liên quan đến khảo sát về nhận thức của DN đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Tuấn cho biết qua điều tra PCI 2014 cho thấy 70% doanh nghiệp trong nước và FDI biết tới (TPP), tuy nhiên chỉ ở mức độ hạn chế.

Nhìn chung, doanh nghiệp trong nước ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập TPP (66%) trong khi doanh nghiệp FDI thể hiện thái độ thận trọng hơn (25% ủng hộ).

Kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp đánh giá hiệp định TPP nếu được ký kết sẽ đem lại nhiều cơ hội và triển vọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc quan trọng cần thực hiện ở phía trước như phổ biến các thông tin về nội dung hiệp định và chuẩn bị cho các hoạt động sau khi ký kết. 

PCI bao gồm nhiều chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. PCI do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của USAID.

Lễ công bố năm nay đánh dấu chặng đường 10 năm hợp tác giữa VCCI và USAID trong nỗ lực cùng xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và mức độ tạo thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh dành cho các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố Việt Nam.

Tin bài liên quan