Ông trùm tơ lụa Hà Thành đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng của khách hàng.

Ông trùm tơ lụa Hà Thành đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng của khách hàng.

'Con đường tơ lụa' Khaisilk được hình thành thế nào

Doanh nhân sinh năm 1963 từng nhận là "người khai sinh ra phố tơ lụa Hàng Gai" đang đối mặt với sự cố bán hàng "made in China" suốt 30 năm qua.

Nhắc đến các sản phẩm từ lụa, không ai trên con phố Hàng Gai không biết tới "đế chế" Khải Silk. Khởi nguồn là một cửa hàng thêu gia đình, những năm cuối thập niên 80 Hoàng Khải khi đó là chàng sinh viên nhạc viện 25 tuổi đã quyết định dừng việc học để xây dựng nên cửa hàng Khải Silk đầu tiên.

Ngay từ đầu, thương hiệu lụa Khaisilk đã được Hoàng Khải định vị là sản phẩm cao cấp với một mô hình bài bản nên nhanh chóng tạo dựng danh tiếng, đặc biệt với khách du lịch nước ngoài.

Với vị thế này, cửa hàng đầu tiên của Khải Silk đã nhanh chóng phát triển, đồng thời kéo theo sự phát triển của nhiều cửa hàng tơ lụa khác trên cùng khu phố này. Ông Khải cũng tự đánh giá mình là người khai sinh ra "phố tơ lụa" Hàng Gai.

Các sản phẩm lụa trong cửa hàng Khaisilk ban đầu được đặt làm tại các làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông hay Đà Nẵng. Tuy nhiên, trả lời Forbes năm 2013, ông Khải cũng cho biết khi quy mô doanh nghiệp ngày càng phát triển, ông còn nhập lụa từ Trung Quốc. "Mẫu mã do mình thiết kế, mình chỉ đặt hàng theo ý mình", ông Khải nói.

Khác với những thương hiệu của làng nghề, Khaisilk là thương hiệu tư nhân hiếm hoi định vị trên thị trường các sản phẩm lụa cao cấp tại Việt Nam. Nhờ vị thế có phần độc quyền ở phân khúc này, sự phát triển của hệ thống Khải Silk ngày càng mạnh. 

Sau sự thành công của cửa hàng 113 Hàng Gai, những chi nhánh, cửa hàng trưng bày sản phẩm được doanh nhân này liên tục mở ra tại những khách sạn 5 sao, những vị trí bất động sản đắt giá tại các thành phố lớn nhằm quảng bá thương hiệu, đặc biệt là với phân khúc khách hàng có điều kiện.

Đồng thời, với cách định vị sản phẩm này, thương hiệu Khaisilk cũng được nhiều doanh nghiệp trong nước tìm đến khi cần những quà tặng cho đối tác.

Năm 2002, Công ty TNHH Khải Đức được thành lập. Đây là hạt nhân chính trong hệ sinh thái của Khải Silk phụ trách mảng kinh doanh lụa và sau này là hệ thống nhà hàng cao cấp.

Theo đăng ký kinh doanh của Khải Đức, doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 46,5 tỷ đồng do ông Hoàng Khải là cổ đông lớn nhất sở hữu 99% vốn. Khải Đức có hệ thống 11 chi nhánh, trong đó có 6 chi nhánh là cửa hàng thời trang, bao gồm cả cửa hàng Khải Silk đầu tiên tại số 113 Hàng Gai, Hà Nội.

Đầu những năm 2000, ông Hoàng Khải quyết định Nam tiến đồng thời "lấn sân" sang lĩnh vực resort và nhà hàng.

Đầu tiên là nhà hàng cao cấp Au Menoir de Khai được xây dựng trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM. Tiếp đó là resort Hội An Riverside. Và đặc biệt là tòa lâu đài màu trắng Tajmasago trị giá 15 triệu USD nằm tại bờ hồ bán nguyệt khu đô thị Phú Mỹ Hưng,

Sau đó, những cửa hàng, thương hiệu Khaisilk bắt đầu có mặt ở những khu vực Đồng Khởi (TPHCM), khách sạn Intercontinental Peninsula Đà Nẵng và JW Marriott Phú Quốc.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án bất động sản của ông chủ Tập đoàn KhaiSilk  gồm trung tâm thương mại và giải trí "Sài Gòn Paragon" thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu với số vốn đầu tư lên tới 35 triệu USD được khai trương vào tháng 7/2009, hay chuỗi nhà hàng cao cấp như Charm Charm, Nam Phan, Khai’s Brothers...

Gần đây nhất, ông Hoàng Khải mở cửa hàng phở mang tên phở Ông Khải tại TP. HCM. Đây là quán đầu tiên được mở trong chuỗi 100 tiệm phở dự kiến được mở trên địa bàn các tỉnh thành miền Nam.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào tình hình tài chính của Khải Đức trong những năm gần đây, cho thấy bức tranh hoàn toàn khác.

Đến cuối năm 2016, Khải Đức đang âm vốn điều lệ với khoản lỗ lũy kế gần 48 tỷ đồng. Hoạt động của Khải Đức trong 2 năm gần đây vẫn có lãi, nhưng với quy mô chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Điều này dẫn tới thực trạng toàn bộ tài sản của công ty này hiện được tài trợ bằng nợ phải trả.

Nhưng "đòn" nặng nề nhất mà ông Hoàng Khải đón nhận lại chính ở mảng tơ lụa, khi ngày 23/10, trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”.

Theo anh Quỳnh, công ty của gia đình anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khải Silk 113 Hàng Gai (Hà Nội). Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Việt Nam”, vừa có mác “Made in China”.

Khi kiểm tra toàn bộ lô hàng, công ty còn phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.

Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk sau đó đã thừa nhận với truyền thông "bán 50% lụa 'made in China' trong hệ thống của mình" và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng. 

"Cái mất mát lớn nhất là thương hiệu quốc gia, bởi Khaisilk thường được nhiều đoàn khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam", ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường chia sẻ trong buổi kiểm tra cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai và tiến hành tịch thu một số sản phẩm có trị giá 30 triệu đồng ngày hôm qua.

Trước sự việc liên quan đến sản phẩm Khaisilk, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin liên quan tới việc Tập đoàn Khaisilk bán khăn nhãn mác "made in China".

"Trường hợp nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28/10", Bộ Công Thương cho biết.

Nhiều chuyên gia về lĩnh vực thương hiệu cũng cho rằng, sự việc lần này sẽ tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng với thương hiệu lụa Khaisilk.

"Đế chế" mang tầm quốc tế này chắc chắn sẽ khó có thể lấy lại niềm tin của người tiêu dùng với thương hiệu đã gây dựng trong gần 30 năm qua.

Tin bài liên quan