Cơ quan thương vụ không chỉ tập trung vào việc mở rộng thị trường

Cơ quan thương vụ không chỉ tập trung vào việc mở rộng thị trường

(ĐTCK) Trong bối cảnh mới, nhiệm vụ của các Thương vụ nói chung và Tham tán thương mại nói riêng không chỉ tập trung vào việc mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, mà còn phải hỗ trợ hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tham vấn và đóng góp vào công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh… nhằm đáp ứng yêu cầu mới khi nền kinh tế đang hội nhập thực sự sâu rộng với thế giới.

Quan điểm này đã được nhiều cơ quan ban ngành, các địa phương và đại diện công đồng doanh nghiệp nhấn mạnh tại Phiên toàn thể Hội nghị Tham tán thương mại 2016 do Bộ Công thương vừa tổ chức ngày hôm qua 26.2.

Phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Đăng Huy Đông đề nghị các cơ quan thương vụ và tham tán thương mại phối hợp chặt chẽ với phía Bộ, cũng như các cơ quan hữu quan để có thể làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, góp phần nang cao hình ảnh đất nước Việt Nam tại nước ngoài.

Riêng đối với công tác xúc tiến đầu tư, Thứ trưởng Đông đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các tham tán thương mại tại các địa bàn trọng điểm cũng như các thị trường đầu tư tiềm năng.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có cơ quan đại diện đầu tư tại 8 địa bàn, nên chưa đủ bao quát hết các địa bàn cần xúc tiến đầu tư, do đó ông Đông đề nghị các cơ quan thương vụ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ để kịp thời truyền tải các chủ trương, thông tin và chính sách mới về thu hút đầu tư của Chính phủ, cũng như trao đổi, hỗ trợ làm cầu nối giữa các nhà đầu tư tại địa bàn sở tại với các cơ quan đầu tư của Việt Nam.

Về hoạt động xúc tiến đầu tư, Thứ trưởng Đông đề nghị các tham tán tăng cường phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư ở các quy mô một cách có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo thiết thực và hiệu quả.

Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Thứ trưởng Đông cho biết, hiện nay, Việt Nam đã đầu tư trên 20 tỷ USD tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Đông đề nghị các cơ quan thương vụ cần lưu ý thực hiện tốt chức năng của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư tại nước ngoài được quy định tại Nghị định 83/2015/NĐ- CP của Chính phủ.

Theo đó, theo dõi và hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc chấp hành các quy định pháp luật tại địa bàn sở tại, bảo vệ quyền lợi hợp tác của nhà đầu tư Việt Nam tại nước ngoài, đề xuất kiến nghị chính quyền nước sở tại hỗ trợ, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời Thứ trưởng Đông cũng đề nghị phối hợp tiếp tục nghiên cứu cập nhật các ngành nước bạn có nhu cầu đầu tư để kịp thời nắm bắt thông tin và hỗ trợ DN trong nước đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.

Tham gia công tác cải cách thế chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, khái niệm thương mại trong nền kinh tế hiện đại và trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có nhiều thay đổi so với trước đây, đã bao hàm và gắn liền với các vấn đề thể chế kinh tế, các vấn đề xã hội và môi trường.

Do vậy, trong thời TPP, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của các cơ quan thương vụ  ở nước ngoài không chỉ nhằm thúc đẩy thương mại theo hình thức và trong phạm vi truyền thống như thông tin tư vấn, chắp mối, tổ chức hội nghị, hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm, tìm bạn hàng, tìm đối tác bán mua các sản phẩm cụ thể…, mà còn bao gồm các hoạt động góp phần thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

“Chúng tôi đề nghị Thủ tướng và Bộ trưởng Công Thương giao nhiệm vụ cho các cơ quan thương vụ hãy là tai mắt và cánh tay nối dài của cả Chính phủ và doanh nghiệp, không chỉ có trách nhiệm cung cấp kịp thời thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, trong việc tiếp cận các thị trường mua bán hàng hóa, thu hút đầu tư mà còn là các rada kinh tế,  cơ quan tham mưu cho Chính phủ, giới thiệu những thực tiễn tốt nhất trên thế giới trong điều hành kinh tế, trong xây dựng thể chế, cải cách hành chính, trong xây dựng và vận hành các chính sách và thể chế hỗ trợ doanh nghiệp…”, ông Lộc mạnh dạn đề xuất.

Cũng theo ông Lộc, các cơ quan thương vụ cần hiến kế với Chính phủ những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh từ thực tiễn trải nghiệm của họ ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới để góp phần hướng tới mục tiêu này.

“Các cơ quan thương vụ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ, với Bộ trưởng không chỉ về chính sách kinh tế thương mại của các nước với Việt Nam, mà còn cả về việc họ điều hành nền kinh tế như thế nào, làm thủ tục xuất nhập cảnh ra sao, tổ chức cơ quan hải quan thế nào, thu thuế ra sao, đăng ký thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp thế nào…để chúng ta có thể xem xét, tham khảo. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thương vụ giới thiệu cho doanh nghiệp Việt Nam những mô hình quản trị kinh doanh tốt nhất, những xu hướng mới về quản trị và công nghệ của các doanh nghiệp ở các nước sở tại mà doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi, noi theo. Có thể coi 56 cơ quan thương vụ là 56 cơ quan tham mưu chính sách và tư vấn về phương thức kinh doanh cho Chính phủ và doanh nghiệp”, ông Lộc gợi ý.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thị trường ngoài nước đối với mục tiêu nhiệm vụ tổng thể trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lưu ý ngành Công Thương nói chung và công tác thị trường ngoài nước nói riêng, cần phấn đấu làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, trọng trách của mình trong bối cảnh mới, đặc biệt công tác thị trường ngoài nước cần đổi mới và kiện toàn hơn nữa nhằm phù hợp và đáp ứng yêu cầu mới của phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ trong bối cảnh đã ký 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành cần tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.

“Xây dựng thể chế, cơ chế theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế. Việc hoàn thiện, cải thiện thể chế là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định, nếu không sẽ không phát huy, tận dụng được tối đa các cơ hội, thuận lợi do hội nhập quốc tế mang lại. Sức cạnh tranh của một quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào thể chế, quản trị quốc gia. Chúng ta đã hội nhập sâu rộng, đã mở được thị trường, chúng ta phải xây dựng văn bản, luật lệ, thông tư, nghị định… để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao được sức cạnh tranh”, Thủ tướng chỉ đạo.

Sẽ có cơ chế hợp đồng dịch vụ để tạo động lực

Vấn đề đặt ra hiện nay là bài toán nhân lực và kinh phí luôn là một thách thức lớn với cơ quan thương vụ trong việc đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ và cộng đồng kinh doanh trong nước.

Để giải quyết vấn đề này, đại diện VCCI đề xuất, cùng với việc tăng cường nhân sự và ngân sách cho các cơ quan thương ở các thị trường đã và sẽ ký các FTAs, nên thực hiện rộng rãi cơ chế hợp tác và hợp đồng cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong nước với các cơ quan thương vụ.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, những yêu cầu cụ thể, chuyên sâu như những nghiên cứu, khảo sát và tư vấn thị trường cho các dự án và ngành hàng chuyên biệt cần phải được bảo đảm kinh phí thông qua các hợp đồng cung ứng dịch vụ do doanh nghiệp đặt hàng.

“Chúng tôi thiết nghĩ, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong nước sẽ sẵn sàng trả phí dịch vụ cho cơ quan thương vụ nếu cơ quan thương vụ có khả năng cung ứng các dịch vụ phát triển thị trường có hiệu quả cho doanh nghiệp. Vấn đề ở đây chính là chất lượng dịch vụ của các cơ quan thương vụ”, ông Lộc gợi ý.

Tin bài liên quan