Thị trường xăng dầu Việt Nam được mong đợi sẽ cạnh tranh hơn khi nước ngoài tham gia phân phối.

Thị trường xăng dầu Việt Nam được mong đợi sẽ cạnh tranh hơn khi nước ngoài tham gia phân phối.

Cơ hội xóa bỏ độc quyền xăng dầu khi nước ngoài tham gia

Sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào phân phối xăng dầu ở Việt Nam được đánh giá là sẽ tạo cơ hội xóa bỏ độc quyền xăng dầu.
Việc mở cửa thị trường xăng dầu cho các doanh nghiệp ngoại tham gia phân phối ở Việt Nam theo cam kết hội nhập được kỳ vọng sẽ tăng tính cạnh tranh, minh bạch và người tiêu dùng được hưởng lợi.

Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật) sẽ được phân phối xăng dầu từ năm 2017 sau khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đi vào hoạt động. Đây là doanh nghiệp ngoại đầu tiên có mặt trên thị trường Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thị trường cạnh tranh hơn

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng mở cửa thị trường xăng dầu cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia chỉ tốt hơn vì thị trường Việt Nam mang nặng màu sắc độc quyền hoặc độc quyền nhóm đã quá lâu. Nhà nước cũng can thiệp nhiều vào thị trường xăng dầu trong nước nhưng không hiệu quả, nên thị trường này cần thiết phải có cạnh tranh.

Đối với việc buộc doanh nghiệp nước ngoài mở cửa hàng trong khu vực quy hoạch, bà Lan cho rằng, đó là cách Việt Nam kiểm soát vì lo ngại nhà đầu tư sẽ mở tràn lan, có thể gạt bỏ doanh nghiệp Việt ra khỏi thị trường. “Nhưng đấy là cách thức thôi, chứ thực tế có khi lại khác. Quy định các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài mở siêu thị phải gắn với điều kiện kinh tế khu vực, phù hợp quy hoạch trước đây không hiệu quả. Bởi thực tế siêu thị nước ngoài đang không ngừng mọc lên khắp nơi”, bà Lan nhấn mạnh.

"Mở cửa thị trường chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp… Chẳng có gì đáng lo cả, TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận định."

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh đánh giá thị trường xăng dầu hiện nay ở Việt Nam cơ bản không có sự cạnh tranh. Nếu có doanh nghiệp ngoại tham gia sẽ có tính cạnh tranh hơn. Khi đó người tiêu dùng sẽ hưởng lợi vì giá xăng dầu được điều chỉnh nhanh hơn, có nhiều chính sách bán hàng với các phương thức thanh toán linh hoạt, thuận tiện hơn như mua bằng thẻ, mua trả trước dài hạn được chiết khấu.

Ông Minh phân tích, trên thế giới, rất nhiều nước đã mở cửa hoàn toàn thị trường này từ lâu. Sát sườn chúng ta như Thái Lan và Campuchia cũng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xăng dầu trong nước. Đã chấp nhận mở cửa thị trường thì bên cạnh việc phân phối, bán lẻ trong thị trường nội địa, Việt Nam cũng nên chấp nhận cho phép doanh nghiệp ngoại làm đầu mối xuất nhập khẩu. Vì khi đó doanh nghiệp mới có thể chủ động trong vấn đề về giá bán, về các điều kiện khác mới tạo nên sự hấp dẫn của thị trường trong mắt nhà đầu tư.

TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư phân tích, 1 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, năm 2008 mở cửa thị trường bán lẻ, nhiều người cũng lo các đại gia nước ngoài sẽ lũng đoạn thị trường bán lẻ, khiến doanh nghiệp Việt Nam sẽ phá sản, thất bại. Nhưng 8 năm qua chưa có doanh nghiệp nào phá sản, chỉ có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường hơn. Hay như trước khi Việt Nam bắt đầu cho nước ngoài vào thăm dò dầu khí ở trong nước cũng có những lo ngại về an ninh năng lượng, an ninh quốc gia… Tuy nhiên, thực tế chứng minh ngành năng lượng phát triển mạnh hơn.

“Mở cửa thị trường chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp… Chẳng có gì đáng lo cả. Không nên vì một vài doanh nghiệp trong nước kêu ca hay lo ngại chèn ép mà từ bỏ thị trường cạnh tranh. Khai thác dầu và lọc dầu ở Việt Nam là hoàn toàn chủ động trong việc bảo vệ an ninh năng lượng”, ông Mại nói.

Giá bán lẻ sẽ được kéo xuống

Theo TS Nguyễn Tuấn Quỳnh, chuyên gia xăng dầu, khi mở cửa thị trường, cần phải gắn luôn với việc cho các đơn vị tự ấn định giá để tăng mức độ cạnh tranh. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn nơi nào để mua xăng dầu.

"Điều quan trọng nhất là tìm giải pháp vượt qua những thách thức để tận dụng cơ hội chứ không phải luôn luôn run sợ khi mở cửa thị trường, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói."

“Việt Nam đã có nhà máy lọc dầu; các công ty nhập khẩu xăng dầu đầu mối Việt Nam cũng lớn mạnh hơn trước; khâu dự trữ bắt buộc cũng đã có. Cho nên về mặt an ninh năng lượng là không có gì đáng lo. Về nguyên tắc thì thị trường bán lẻ sẽ trở nên cạnh tranh hơn khi có nước ngoài tham gia vào. Còn nếu cho các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu xăng dầu trực tiếp, cạnh tranh sẽ không chỉ dừng lại ở bán lẻ. Lúc đó thị trường sẽ cạnh tranh hoàn hảo hơn nếu nước ngoài tham gia nhập khẩu”, ông Quỳnh phân tích.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có cả an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Vì vậy, việc chấp nhận cạnh tranh ở mức khốc liệt nhất cũng là điều tất yếu.

Bản thân các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực này cũng bắt buộc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như doanh nghiệp trong nước hiện nay. Đặc biệt là doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện dự trữ bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng và bản thân Việt Nam có các nhà máy lọc dầu trong nước, có dự trữ quốc gia nên sẽ không có tác động gì về vấn đề an ninh năng lượng.

“Hội nhập là xu thế để phát triển, nếu chúng ta không đi vào quỹ đạo này thì sẽ chết. Điều quan trọng nhất là tìm giải pháp vượt qua những thách thức để tận dụng cơ hội chứ không phải luôn luôn run sợ khi mở cửa thị trường”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

Nêu thực tế vừa qua Việt Nam phanh phui nhiều chuyện tiêu cực liên quan đến phân phối xăng dầu, trong đó có việc thu lố của người tiêu dùng hơn 3.000 tỉ đồng tiền thuế, TS Nguyễn Mại thẳng thắn: “Giá xăng dầu Việt Nam quá cao, gấp mấy lần ở Mỹ. Sắp tới còn thu 4.000 đồng/lít xăng tiền thuế môi trường. Tôi phản đối những việc như thế này vì không thể tùy tiện bắt người dân phải chịu, bởi không giải thích được vì sao 4.000 đồng mà không phải 3.000 hay 2.000 đồng. Không thể nào chấp nhận chính sách tùy tiện như vậy.

Xăng dầu Việt Nam có nhiều nhà nhập khẩu nhưng trong bán lẻ cũng còn độc quyền. Do độc quyền nên không bao giờ có cạnh tranh. Có thêm nhiều nhà phân phối thì thị trường sẽ cạnh tranh, từ đó có minh bạch, kéo giá bán lẻ thấp xuống và người tiêu dùng được hưởng”.

Nhiều nước đã mở cửa ngành năng lượng

Ở Đông Nam Á, Indonesia từ lâu đã cho phép các hãng năng lượng nước ngoài kinh doanh xăng. Myanmar cũng khá cởi mở khi cho phép các công ty quốc tế lập liên doanh mở các trạm xăng trong giai đoạn 2015 - 2016. Tại Campuchia, thị trường xăng dầu hoàn toàn mở theo cơ chế tự do với sự tham gia của các thương hiệu ngoại; hay tại Lào cũng có mặt các DN của Thái Lan và Petrolimex của VN tham gia hoạt động...

VN hiện có 23 doanh nghiệp đầu mối và 69 doanh nghiệp phân phối nhưng riêng Petrolimex chiếm đến 48% thị phần bán lẻ và có sự chi phối lớn. Cùng với PV Oil và Saigon Petro, 3 doanh nghiệp này đã thống lĩnh hơn 75% thị phần toàn quốc.

Tin bài liên quan