Cơ hội phát triển xanh 12.000 tỷ USD
12.000 tỷ USD là con số có thể hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh bền vững trên nhiều lĩnh vực ở quy mô toàn cầu mà Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững, VCCI công bố gần đây, trong đó cơ hội có thể quy đổi ngay ra tiền bạc ước khoảng 4.500 tỷ USD. Các cơ hội này trải rộng trên nhiều lĩnh vực như giao thông công cộng, lương thực và nông nghiệp, sản xuất xe điện và xe đa dụng, năng lượng tái tạo, tài nguyên tái tạo, chăm sóc y tế, công nghệ cao…
Nghiên cứu của Ủy ban cho thấy, con số 12.000 tỷ USD có thể hiện thực hóa từ nay đến năm 2030, bởi các doanh nghiệp toàn cầu từ lâu đã hướng tới mục tiêu bền vững khi nhận thấy các cơ hội kinh doanh và hiệu quả rõ ràng của phát triển bền vững ngày càng có mối liên hệ mật thiết tới lợi nhuận cao trong đầu tư và kinh doanh.
Những doanh nghiệp có mục tiêu phát triển đầy tham vọng đang định hình các cơ hội thị trường từ mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu thông qua 5 mô hình mới bao gồm kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, dịch vụ tinh gọn, dữ liệu lớn và doanh nghiệp xã hội. Hiện đã có 32 doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng các mô hình trên và tính đến thời điểm hiện tại có giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD/doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đã lồng ghép khá thành công các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp thông qua việc sử dụng công nghệ và mô hình kinh doanh sáng tạo để tham gia vào các thị trường mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững. Các doanh nghiệp đã triển khai bộ công cụ phát triển bền vững nhằm mở ra những cơ hội kinh doanh mới thông qua đổi mới sáng tạo, tìm cách nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút khách hàng và nhà đầu tư.
5 mô hình kinh tế xanh sáng tạo thành công
Sức ép về phát triển bền vững ngày càng tăng từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cổ đông, khách hàng và xã hội được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp có những bước đi táo bạo để mở rộng hoạt động tại các thị trường phát triển nhanh nhất trong mục tiêu bền vững toàn cầu.
Theo nghiên cứu của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp sáng tạo đang sử dụng và hoàn thiện một hay nhiều mô hình kinh doanh hoàn toàn mới dựa vào công nghệ số trong thập kỷ qua. Những mô hình này được điều chỉnh để nắm bắt cơ hội thị trường, phù hợp với các mục tiêu phát triển xanh và sạch về cả môi trường và xã hội, đồng thời mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp.
Thứ nhất là mô hình kinh tế chia sẻ, được thực hiện bằng cách bán lại, cho, đổi, cho thuê và hỗ trợ, từ đó kéo dài thời gian sử dụng các mặt hàng thâm dụng tài nguyên sản xuất, giảm nhu cầu sản phẩm thay thế và cắt giảm 20% chất thải. Một ví dụ điển hình ở mô hình này là chiến lược chia sẻ dùng chung xe, nhờ đó không chỉ giảm khoảng cách đi lại mà còn giảm lãng phí công suất xe cũng như giảm nhu cầu đổi xe mới.
Thứ hai là mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng phương pháp tuần hoàn trong thiết kế, sản xuất và tái sử dụng, duy trì thời gian sử dụng nguồn tài nguyên ở mức tối đa, đồng thời thu hồi và tái sử dụng nguyên liệu và sản phẩm đã sử dụng. Mô hình này giúp giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, lợi ích môi trường và xã hội.
Theo tính toán, tại Brazil, công ty thu gom rác thải tư nhân hợp tác với công ty sản xuất bột giấy để biến 90% chất thải từ sản xuất nguyên liệu giấy là cellulose thành chất điều hòa đất nhiễm phèn nhằm góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất cho ngành nông nghiệp nước này.
Thứ ba là mô hình dịch vụ tinh gọn, theo đó quản lý tinh gọn được sử dụng để cắt giảm chất thải và hàng tồn kho, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, quản lý tinh gọn có thể giúp đẩy mạnh khả năng tiếp cận các dịch vụ quan trọng như y tế.
Một minh chứng thực tiễn là sự xuất hiện của doanh nghiệp áp dụng mô hình này tại Ấn Độ đã giúp cắt giảm tối đa các thủ tục, từ đó giảm chi phí phẫu thuật tim chỉ bằng 1/5 tại Mỹ mà vẫn duy trì được chất lượng kết quả tương đương, thậm chí còn tốt hơn.
Thứ tư là mô hình dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu được đánh giá hết sức tiềm tăng với ước tính trên 20 tỷ thiết bị đang kết nối với mạng Internet trên thế giới, góp phần mang lại lượng dữ liệu thông tin doanh nghiệp thu thập ngày càng nhiều hơn, từ đó tạo ra cơ hội phát triển mới trên mọi lĩnh vực.
Thứ năm là mô hình doanh nghiệp xã hội với mục đích thành lập nhằm tạo tác động xã hội hoặc môi trường.
Theo số liệu tính toán từ thực tiễn của 32 doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới đang áp dụng 5 mô hình kinh doanh sáng tạo có lồng ghép với mục tiêu bền vững toàn cầu, các doanh nghiệp này hiện có trong tay thị trường bền vững trị giá hơn 200 tỷ USD.
Cụ thể, thị trường hệ thống di động trị giá 116 tỷ USD với 8 doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn chế tạo trị giá 33 tỷ USD với 4 doanh nghiệp, giải pháp chăm sóc y tế mới trị giá 27 tỷ USD với 14 doanh nghiệp, phát triển các dịch vụ sống lành mạnh trị giá 7 tỷ USD với 3 doanh nghiệp, các giải pháp về nhà ở, năng lượng sạch và giảm thất thoát lãng phí lương thực trị giá từ 2 -17 tỷ USD với 3 doanh nghiệp.
Trong đó, một ví dụ điển hình là Didi Chuxing, một công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe tại Trung Quốc được định giá trên 1 tỷ USD với các giải pháp giúp cắt giảm 13,5 triệu tấn khí thải các-bon/ngày, giảm ùn tắc, khói bụi và ô nhiễm không khí. Hay một doanh nghiệp khởi nghiệp khác của Trung Quốc là GuaHao đang sở hữu một nền tảng tư vấn y tế di động được định giá 1,5 tỷ USD. Ứng dụng của doanh nghiệp này dựa trên kết nối bệnh nhân với bác sĩ thông qua mạng Internet, từ đó giúp cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe với tỷ lệ 1 y tá/1.000 dân, tương đương 1/10 của Mỹ.
Khởi động sân chơi bền vững cho doanh nghiệp Việt nam
Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Nhận định về bức tranh chung trong triển khai thực hiện các mục tiêu toàn cầu trong Chương trình nghị sự 2030, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam (VBCSD) khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức rõ về những cơ hội mà các mục tiêu phát triển bền vững mang lại cũng như các rủi ro có thể được khắc phục.
Nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững gắn với lợi ích dài hạn của doanh nghiệp nên đã và đang triển khai các dự án sáng tạo và thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, cộng đồng và đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Đi đầu trong trào lưu này là các doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển bền vững gắn với thực hiện mục tiêu toàn cầu như Tập đoàn Bảo Việt, Unilever Việt Nam, VinGroup, Heineken Việt Nam, Coca Cola, Dow Chemical Việt Nam, có dự án sáng tạo gắn với các mô hình kinh doanh mới trong mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp trong số này đã tham gia ký kết biên bản ghi nhớ cùng hợp tác thúc đẩy triển khai Sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên” trong khuôn khổ Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn do VBCSD khởi động.
Mục tiêu của chương trình là đề xuất các khuyến nghị về chính sách giúp tạo điều kiện xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp; giới thiệu những thông lệ tốt của các doanh nghiệp trên thế giới đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và hỗ trợ triển khai những sáng kiến dựa trên mô hình hợp tác công - tư.
Tất cả cùng cộng hưởng để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, qua đó nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá 4.500 tỷ USD do kinh tế tuần hoàn mang lại, đồng thời sớm hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Hoạt động đầu tiên của chương trình hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn; kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; tập trung nâng cao năng lực và cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho khối doanh nghiệp trong ngành nhựa. Sáng kiến này sẽ được triển khai trong vòng 5 năm, thí điểm tại TP.HCM, sau đó sẽ được nhân rộng tại các đô thị lớn trên toàn quốc.