Ngày càng có nhiều DN Nhật muốn đầu tư và chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam

Ngày càng có nhiều DN Nhật muốn đầu tư và chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam

Cơ hội kết nối sâu hơn với dòng vốn Nhật

(ĐTCK) Sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam trước những cơ hội rộng mở từ tiến trình cải cách trong nước và hội nhập quốc tế hứa hẹn những cơ hội kết nối dòng vốn lớn. 

Song làm thế nào để biến cơ hội thành hiện thực vẫn là câu hỏi lớn đặt ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản năm 2015 (VJEF 2015) vừa diễn ra.

Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho biết, hiện có gần 1.500 DN Nhật Bản hoạt động ở Việt Nam, một nửa trong số này hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 37,7 tỷ USD và tiếp tục có xu hướng tăng lên.

“Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng vững chắc, chính trị ổn định, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường lao động giá rẻ là lý do thu hút DN Nhật. Các DN Nhật Bản đã đầu tư đều mong muốn mở rộng hơn nữa hoạt động ở Việt Nam. Không chỉ có vậy, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều DN Nhật muốn chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam”, ông Shimon Tokuyama nói.

Theo ông Tokuyama, ban đầu, DN Nhật đầu tư vào Việt Nam chỉ với mục tiêu đơn thuần là sản xuất và xuất khẩu. Nhưng hầu hết các DN Nhật ngày càng nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân. “Họ nhận thức tầm quan trọng của Việt Nam và hầu như không có ý định rút khỏi đây”.

Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho hay, trong số các DN vừa và nhỏ Nhật Bản có mong muốn đầu tư ra nước ngoài, phần lớn đều lựa chọn Việt Nam. “Trong số 500 DN chúng tôi tìm hiểu, có tới 130 DN mong muốn đầu tư vào Việt Nam, chỉ có 78 DN muốn đầu tư vào Thái Lan”.

Tuy nhiên, khi đánh giá một cách tổng thể về tình hình đầu tư tại Việt Nam, ông Tokuyama nhận xét, vẫn còn một số rào cản và thách thức gây ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà đầu tư như thủ tục hành chính còn phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, cung cầu điện chưa ổn định; công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hoá chưa cụ thể, rõ ràng…

“Để công nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa, trước hết phải phát triển công nghiệp hỗ trợ và DN nhỏ và vừa. Việt Nam muốn giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh cung cấp phụ tùng cho các nhà đầu tư nước ngoài thì phát triển DN nhỏ và vừa là điều không thể thiếu. Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối DN Nhật với các DN Việt muốn bán các phụ tùng đó để góp phần giải quyết trở ngại này”, đại diện Jetro chia sẻ.

Công sứ phụ trách lĩnh vực kinh tế của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai khuyến nghị: “Khi cải cách nền kinh tế, Chính phủ, DN và người dân phải có định hướng cải cách rõ ràng. Ở nhiều nơi đã tranh luận nhiều về tái cơ cấu, vấn đề là mỗi khu vực cần gì, thiếu gì để tháo gỡ và quan trọng là có chính sách ưu tiên theo thứ tự đối với từng lĩnh vực, trước mắt là tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên hàng đầu để tạo nguồn lực. Nếu coi TPP là động lực để kéo nền kinh tế, đem lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam, thì cần phải đặt trọng tâm vào đó”.

Phản hồi trước cảm nhận cũng như các kiến nghị và đề xuất của cộng đồng nhà đầu tư Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hội nhập sâu rộng và tranh thủ các cơ hội từ các hiệp định song phương và đa phương, đặc biệt TPP sẽ là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP sẽ mở ra cơ hội mới về thị trường, dòng vốn đầu tư, thu hút công nghệ…, nhưng đó là cơ hội chung.

“TPP sẽ hình thành chuỗi cung ứng mới trên toàn cầu, từ đó có luật chơi mới, đối tác mới. DN Việt Nam và Nhật Bản phải nhìn rõ đâu là cơ hội, đâu là mắt xích có thể hợp tác và trở thành thành tố của chuỗi này. Chỉ có DN mới trả lời được tại sao chưa đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam khi các cơ chế hợp tác mà hai chính phủ đã thống nhất được đánh giá là rất tốt”, ông Dũng nói.

Đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh sự chủ động kết nối chính là yếu tố mấu chốt để DN hai nước tận dụng được cơ hội hợp tác trong thời gian tới. Theo ông Lộc, kết nối phải gắn với chuỗi, cùng đầu tư, cùng tham gia, chứ không thể chỉ dừng khâu mua bán. Tiếp ngay sau VJEF 2015, Hội đồng DN Việt Nam - Nhật Bản của VCCI và JBAV sẽ tổ chức các nhóm thảo luận theo từng ngành để có sáng kiến cụ thể gửi tới chính phủ hai nước.   

Tin bài liên quan