Ảnh Internet

Ảnh Internet

Cơ hội của Việt Nam trong thị trường M&A Đông Nam Á

(ĐTCK) Năm 2015 là hạn chót để các nước thành viên ASEAN thiết lập khu vực mậu dịch tự do. Nếu thành công, cả 10 quốc gia thành viên sẽ hội nhập kinh tế toàn diện vào một thị trường chung thống nhất với quy mô 600 triệu người. Điều này sẽ làm cho khu vực ASEAN trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty nước ngoài. Đâu sẽ là cơ hội của Việt Nam trong thị trường M&A này?

Bối cảnh khu vực

Mười thành viên của ASEAN đang đi đúng hướng trên chặng đường tạo ra một trong những khu vực có vai trò tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất trên thế giới. Dù có những bất ổn về tài chính trong thời gian vừa qua, nhưng đến năm 2014, tổng sản lượng kinh tế của ASEAN đã tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2004, đạt 2,5 nghìn tỷ USD.

Theo dự báo của Ban Thông tin kinh tế - Tạp chí The Economist (The Economist Intelligence Unit), từ nay đến năm 2020, mức GDP gộp trên đầu người của Indonesia sẽ tăng bình quân 5% mỗi năm; tăng trưởng GDP trên đầu người của Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 3 - 6%.

Theo công bố của Thomson Reuters về thị trường M&A khu vực Đông Nam Á năm 2014, quy mô các giao dịch trong khu vực đạt khoảng 140 tỷ USD, tăng 68% so với năm ngoái và là kỷ lục mới kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

2014 là một năm sôi động của các hoạt động M&A trong khối ngân hàng ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là hoạt động M&A tại các nước vừa thoát khỏi khủng hoảng. Hoạt động M&A tại khu vực ASEAN đang diễn ra trên bình diện rộng hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng.

Nếu trước kia, các hoạt động kinh doanh tại khu vực tập trung chủ yếu ở Singapore thì hiện nay, tại Malaysia, thị trường đang chứng kiến một xu hướng tăng trưởng trong hoạt động hợp nhất kinh doanh. Hoạt động M&A tại các nước ASEAN khác nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động với các thương vụ lớn được tiến hành.

Đông Nam Á luôn là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tầng lớp trung lưu đang ngày một tăng mạnh biến Đông Nam Á thành một thị trường tiêu thụ khổng lồ. Các công ty nước ngoài ưa thích thị trường lao động giá rẻ và trẻ tuổi ở các nước đang phát triển như Campuchia, Indonesia và Việt Nam.

Sự gia tăng gần đây trong hoạt động M&A nội địa một phần được thúc đẩy bởi việc tăng tiền lương tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, các công ty mục tiêu tại ASEAN thường có giá trị thương vụ thấp hơn so với các công ty mục tiêu ở Mỹ và châu Âu.

Nhà đầu tư nước ngoài truyền thống tại khu vực Đông Nam Á là Nhật Bản. Các DN Nhật Bản đầu tư 24 tỷ USD vào Đông Nam Á trong năm 2013, gấp 3 lần so với số tiền họ đầu tư vào Trung Quốc trong năm đó.

Trong một cuộc khảo sát 111 công ty lớn của Nhật Bản bởi Kyodo News, 56 DN Nhật coi ASEAN là mục tiêu đầu tư trong tương lai gần. Cùng với dòng tiền nóng đổ về dưới tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng Nhật Bản, hoạt động mua lại của các DN Nhật tại ASEAN được dự báo vẫn tiếp tục nhộn nhịp trong ngắn hạn.

Năm 2014, sự bất ổn chính trị là một trong những lý do các công ty nước ngoài trở nên do dự khi giao dịch ở Thái Lan và Indonesia. Tại Indonesia, cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hết sức căng thẳng với kết quả khó định đoán; còn ở Thái Lan, tình trạng hỗn loạn và bất ổn lan tràn.

Hiện môi trường chính trị tại 2 nước này đã tương đối ổn định trở lại. Các ngân hàng đầu tư lớn như Deutsche Bank vẫn lạc quan về hoạt động M&A nội địa ở các quốc gia nói trên.

Mặt khác, kể từ năm 2014, các quỹ đầu tư thuộc quyền sở hữu của các chính phủ nước ngoài (Sovereign Wealth Funds - SWF) rất quan tâm tới hoạt động thâu tóm tại Đông Nam Á.

Các quỹ SWF của Singapore, bao gồm GIC, EPF và Temasek, đã tiến hành hàng loạt các lời đề nghị M&A trên nhiều lĩnh vực.

Temasek Holdings đã chi 5,6 tỷ USD để mua 25% cổ phần của Công ty Watson, một công ty bán lẻ thuộc sở hữu của tỷ phú Hồng Kông Lee Ka Shing. Đây là thương vụ M&A lớn nhất tại ASEAN vào năm ngoái.

Một số quỹ SWF khác trong khu vực Đông Nam Á lại tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng dân dụng. Quỹ Khazanah Nasional, một quỹ thuộc sở hữu của Chính phủ Malaysia, đã mua lại 40% cổ phần của một sân bay ở Thổ Nhĩ Kỳ với trị giá 362 triệu USD.

Năm 2015, Australia được dự đoán sẽ là một mục tiêu hấp dẫn cho những quỹ này sau khi chính phủ nước này công bố một chương trình tư hữu hóa lớn trong ngân sách tài khóa 2014 của mình.

Bên cạnh đó, sự sụt giảm của giá dầu tạo ra nhiều cơ hội mới. Các công ty dầu khí phải đối mặt với rủi ro giá dầu giảm sâu, hệ lụy là họ phải tiến hành các hoạt động tái cơ cấu, hay nói cách khác, mức độ các hoạt động M&A sẽ gia tăng thêm nữa. Chẳng hạn, Petronas, một công ty dầu khí quốc doanh của Malaysia, đã bắt đầu cắt giảm các đơn vị kinh doanh thua lỗ và bắt tay tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.

Việt Nam ở đâu trong thị trường ASEAN?

 

Tại Việt Nam, có 313 thương vụ M&A được thực hiện với giá trị khoảng 4,2 tỷ USD. Các thương vụ được diễn ra chủ yếu ở các công ty lớn, có quy mô và tên tuổi trên thị trường, bao gồm giữa công ty Việt Nam với nhau, DN nước ngoài mua DN trong nước và DN Việt Nam đi mua tài sản ở nước ngoài.

So với các nước khác trong ASEAN (Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia), quy mô của thị trường M&A Việt Nam rất nhỏ. Singapore tiếp tục vượt trội trong năm 2014 với 880 thương vụ, trị giá hơn 82 tỷ USD.

Các DN của Việt Nam có quy mô nhỏ so với thế giới nói chung cũng như so với các nước phát triển hơn trong ASEAN nói riêng. Trên sàn chứng khoán, những DN có doanh thu 1 - 3 tỷ USD/năm như Vinamilk, PV Gas, FPT… vẫn ở mức trung bình so với các DN trong khu vực Đông Nam Á với doanh thu 5 - 10 tỷ USD, thậm chí vài chục tỷ USD/năm.

Từ năm 2012 đến nay đã xuất hiện một xu hướng những DN Đông Nam Á tìm kiếm những DN tốt để đầu tư, thậm chí mua chi phối của những DN trong nước.

Ví dụ 2 thương vụ lớn: Semen Gresik của Indonesia mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long và Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan thông báo chi gần 5.000 tỷ đồng để mua lại 85% cổ phần của Prime Group.

Trên sàn chứng khoán, SCG thông qua công ty con NawaPlastic cũng đã đầu tư vào cổ phần của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong.

Năm 2014 - 2015, các thương vụ mua lại của các NĐT Thái Lan tiếp tục được đẩy mạnh với thương vụ trong ngành bán lẻ. Theo đó, Công ty Power Buy - công ty con của Central Group - hoàn tất mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị thuộc sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Năm 2014, BJC đã lên phương án mua lại hệ thống 19 trung tâm phân phối Metro tại Việt Nam với giá 879 triệu USD, tuy nhiên, thương vụ hiện chưa được hoàn tất.

Chưa hết, giữa năm 2015, Thai Bev đã đề xuất đầu tư vào Sabeco nếu Bộ Công thương - đại diện vốn Nhà nước, hiện đang nắm giữ 89,59% cổ phần, đề xuất phương án giảm vốn của Nhà nước tại Sabeco trong giai đoạn tới.

Ở góc độ ngược lại, ngoài các thương vụ đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Lào, Campuchia, Myanma, không có nhiều thương vụ M&A của các DN Việt Nam sang các quốc gia trong ASEAN khác.

Những cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Việt Nam có nhiều thuận lợi từ sự phát triển chung của thị trường M&A Đông Nam Á. Với những lợi thế về quy mô dân số, về sự ổn định chính trị và mở cửa các cơ hội đầu tư. Vì vậy, Việt Nam và các quốc gia ASEAN có thể thu hút các dòng vốn gián tiếp thông qua các hoạt động M&A.

Mặt khác, với sự thúc đẩy thương mại và đầu tư trong một khu vực ASEAN sẽ làm gia tăng các cơ hội M&A của DN Việt Nam với các đối tác từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines…

Tuy nhiên, thách thức không phải là không có với sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút dòng vốn ngoại, đặc biệt là vốn đầu tư từ Nhật Bản. Các công ty tư vấn Nhật Bản và các NĐT Nhật Bản đã có những chuyến con thoi đến các nước trong khu vực ASEAN để tìm kiếm cơ hội. Khó khăn tại Việt Nam là các DNNN cổ phần hóa thì Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Trong khi đó, quy mô các công ty tư nhân còn nhỏ so với kỳ vọng của các NĐT.

Để vượt qua thách thức và tận dụng các cơ hội trên, Việt Nam cần tăng cường các hoạt động xúc tiến tại các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore… để giới thiệu nhiều hơn nữa các nhu cầu kết nối, tìm kiếm đối tác chiến lược và M&A DN.

Mặt khác, bản thân các DN cũng tìm hiểu kỹ hơn thị trường và các đối tác trong khu vực để không chỉ tham gia dưới góc độ bên bán, mà còn có thể tiếp cận thị trường ASEAN thông qua việc mua lại cổ phần các DN địa phương.  

Ngày 16/7/2015, tại Khách sạn Fortuna Hà Nội (6B Láng Hạ, Hà Nội), Ban tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2015) dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức họp báo cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn M&A Việt Nam 2015.

Diễn đàn M&A lần thứ 7 - 2015 do Báo Đầu tư và Công ty AVM phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại TP. HCM vào ngày 6/8/2015, với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ - Countdown to the Next Market Boom”.

Những sự kiện chính của Diễn đàn bao gồm:

- Hội thảo chuyên đề diễn ra trong thời gian 1 ngày, với các chủ đề chính: Việt Nam cần làm gì để tìm kiếm và đón dòng vốn mới; Cơ hội từ cổ phần hóa DNNN và từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết; Kinh nghiệm thu hút vốn và sử dụng vốn M&A của các tập đoàn hàng đầu.

- Chương trình Kết nối đối tác và giới thiệu doanh nghiệp, dự án, mời gọi đầu tư và hợp tác chiến lược.

- Tôn vinh các doanh nghiệp và trao Kỷ niệm chương cho các thương vụ M&A tiêu biểu 2014 – 2015.

- Khoá đào tạo sau Diễn đàn có chủ đề “M&A với nhà đầu tư Nhật Bản”, do GS. Nigel Denscombe, chuyên gia chiến lược quốc tế giảng dạy.

Tin bài liên quan