Cơ chế giá điện mới, nhiều ý kiến trái chiều

Cơ chế giá điện mới, nhiều ý kiến trái chiều

(ĐTCK) Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”, vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lấy ý kiến, đề xuất ba phương án tính giá điện: giữ nguyên 6 bậc thang như hiện hành; áp đồng giá 1.747 đồng/kWh; rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 bậc hoặc 4 bậc (với 5 kịch bản giá điện). Đề án được xây dựng với mục tiêu có một biểu giá điện đơn giản, công khai, minh bạch hơn, nhưng lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia.

Việc của EVN là giảm chi phí, không phải xin ý kiến tăng giá điện

Cơ chế giá điện mới, nhiều ý kiến trái chiều ảnh 1

Ông Nguyễn Đình Cung,Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
 

Giá điện cần phân ra hai loại: chi phí và chính sách. Để tính chi phí thì có 4 loại giá: giá của sản xuất, giá truyền tải, giá phân phối điện, cuối cùng mới là giá bán lẻ. Nhà nước phải độc quyền chi phí truyền tải. Các bên muốn cạnh tranh được trên thị trường phát điện thì phải giảm chi phí. Khi đó, phải chỉ rõ giá sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ để xác định đơn vị làm được và chưa được và chỗ nào có thể giảm được chi phí.

Việc của EVN là phải giảm chi phí, vậy mà EVN lại trực tiếp đứng ra lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện, khiến người dân hiểu là EVN đang tự làm giá cho chính mình. Đây đáng ra phải là việc của Bộ Công thương mới đúng.

Giá điện mới tăng nửa năm sao đã phải ngồi bàn về giá mới?

Cơ chế giá điện mới, nhiều ý kiến trái chiều ảnh 2

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng
 

Tại sao việc triển khai giá điện mới tiến hành trong có nửa năm mà ngành điện đã phải ngồi bàn lại về phương án tính giá điện? Liệu 6 tháng sau có tiếp tục ngồi lại như thế này để đề ra mức giá cho hợp lý?

Việc xem xét cải tiến cách tính giá điện cần cân nhắc, tính toán để mang tính chuyên môn kỹ thuật và có tính chất xã hội. Dự thảo mới nói đến việc tiết kiệm của người tiêu dùng, vậy bên kinh doanh phải làm sao để chống thất thoát trong sản xuất - kinh doanh điện cũng cần được nêu rõ. Bên cạnh đó, cũng phải xem xét đến ý kiến của người tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng điện có cảm giác dường như những khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ của EVN được tính vào giá điện trong khi những cái có lãi của ngành điện như cho thuê cột điện lại không được hạch toán vào giá thành điện. Đó là điều không công bằng cho người tiêu dùng.

Đừng biến đơn giản thành phức tạp

Cơ chế giá điện mới, nhiều ý kiến trái chiều ảnh 3

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
 

Từ năm 2009 đến nay, có 7 lần điều chỉnh cơ cấu giá bán điện, song đều không tạo được sự đồng thuận của xã hội. Lý do là EVN chưa thực sự minh bạch.

Kể từ khi áp dụng giá điện mới từ giữa tháng 3 năm nay, giá điện mới đã gây nhiều bức xúc trong xã hội, bởi mấu chốt là không hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong nền kinh tế thị trường, cần phải hài hòa lợi ích giữa ba chủ thể là: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Dự thảo Đề án cải tiến lần này vẫn để một phương án giữ nguyên cách tính giá điện như hiện nay là không hợp lý. Xã hội đã phản đối rồi mà vẫn còn giữ lại để tiếp tục đề xuất thì thành bảo thủ. Mặt khác, cũng đừng nên biến đơn giản thành phức tạp với ba phương án và 5 kịch bản như thế. Điều quan trọng là phải xem cách tính giá điện hiện hành cần phải khắc phục, sửa chữa những gì.

Theo tôi, không nên áp giá bán điện đồng giá vì không đảm bảo an sinh xã hội. Cần giữ nguyên cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến. Việc đơn vị tư vấn CMD cho rằng áp giá điện theo 6 bậc thang hiện nay phức tạp là không đúng, bởi công nghệ có thể tính toán được cả 15 bậc. Vì vậy, vẫn nên tính giá điện theo bậc thang lũy tiến. Song, do mức sống của người dân đang ngày được nâng cao, nhu cầu sử dụng thiết bị điện tăng. Do đó, cần giãn các bậc ra, ví dụ bậc 1 là 100 kWh thay vì 50 kWh, đồng thời rút ngắn số tiền chênh lệch giữa các bậc.

Tin bài liên quan