CJ CGV thiết lập luật chơi mới cho rạp chiếu phim Việt

CJ CGV thiết lập luật chơi mới cho rạp chiếu phim Việt

Đổi tên MegaStar thành CGV là động thái đầu tiên của CJ Group khi muốn biến Việt Nam thành chiếc chân kiềng thứ ba tại khu vực Đông Nam Á trong vòng 10 năm tới.

Việt Nam sẽ thành “CJ thứ 3”

Hai năm sau ngày thâu tóm thành công toàn bộ hệ thống rạp MegaStar, tuần qua, Công ty CJ CGV (thuộc CJ Group) đã đổi tên MegaStar thành CGV, nhằm thống nhất thương hiệu hệ thống cụm rạp chiếu phim của mình trên toàn cầu. Sau khi đã củng cố đại bản doanh của mình tại thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, CJ CGV muốn xây dựng Việt Nam thành đại bản doanh như một chân kiềng thứ ba để có thể đứng vững trong ngành công nghiệp giải trí khu vực châu Á.

Ông Seo Jung, Tổng giám đốc CJ CGV cho biết, mục tiêu của CGV tại Việt Nam là giữ vững vị trí dẫn đầu và trở thành tổ hợp xem phim, giải trí số một ở Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu trên, CGV sẽ mở rộng mạng lưới tại Việt Nam đạt 20 cụm rạp trong năm nay và tăng lên 30 cụm rạp đến năm 2017. Hiện CGV đang chiếm hơn 50% thị phần, với 13 cụm rạp chiếu phim, tại 7 tỉnh, thành trên cả nước.

Theo CJ CGV, thị trường chiếu phim Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 20 - 25%/năm, đóng góp khoảng 30% doanh thu cho CJ CGV.

Cùng với việc thay đổi thương hiệu, CGV muốn đem lại trải nghiệm điện ảnh mới cho khán giả thông qua việc hình thành tổ hợp văn hóa cultureplex, một mô hình tiên tiến của rạp chiếu phim, phục vụ các nhu cầu giải trí và mua sắm đa dạng của khán giả.

Không chỉ kinh doanh rạp chiếu phim, CGV cũng sẽ đầu tư sản xuất những bộ phim chất lượng cao. “Chúng tôi tin rằng, sự phát triển của điện ảnh trong nước chính là nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh. CGV đang từng bước thực hiện niềm tin đó tại các quốc gia mà mình hoạt động. Trong năm 2014, chúng tôi sẽ tạo cơ hội để giới thiệu về điện ảnh và văn hóa Việt Nam thông qua Liên hoan phim Việt Nam tại Hàn Quốc”, ông Seo Jung chia sẻ. 

Cuộc đua quyết liệt

Thị trường phim ảnh Việt Nam hiện là một trong những lĩnh vực kinh doanh sinh lời nhất. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, năm 2012, doanh thu cuaủa toàn bộ thị trường chiếu phim trong nước đạt 47 triệu USD, dự kiến năm 2013 là hơn 50 triệu USD và năm 2020 lên hơn 100 triệu USD.

Do đó, trước động thái thâu tóm MegaStar của CJ CGV, ngay từ năm 2011, các tên tuổi tại thị trường Việt Nam là Lotte Cinema (Lotte Group - Hàn Quốc),  Platinum Cineplex (thuộc Multivision Pictures - Indonesia) cũng phải lo “giữ miếng cơm” bằng nhiều động thái khác nhau.

Đầu tiên phải kể đến tân binh Platinum Cineplex. Năm 2013, hãng này đã khai trương cụm rạp chiếu phim mới tại TP. Nha Trang. Đây là cụm rạp chiếu phim đầu tiên của PlatinumCineplex ở khu vực miền Trung và là cụm rạp thứ ba của hãng, sau Platinum Cineplex - The Garden và Platinum Cineplex - Vincom Long Biên (Hà Nội).

Đại diện Platinum cho biết, việc xây dựng cụm rạp ở Nha Trang chỉ là bước đầu tiên trong chiến lược bành trướng sự hiện diện của Platinum. Sau Platinum Cineplex Nha Trang, Platinum Cineplex tiếp tục khai trương cụm rạp chiếu phim mới tại Trung tâm thương mại Royal City (Hà Nội), với 10 phòng chiếu, sức chứa gần 1.700 chỗ ngồi.

Trong khi đó, ông Park Sung Hoon, Tổng giám đốc Lotte Cinema cũng tuyên bố, mục tiêu của Lotte là trong 5 năm tới sẽ mở 30 cụm rạp Lotte Cinema trên cả nước. Theo đó, chiến lược mà Lotte đưa ra là Trung tâm thương mại, siêu thị Lotte phát triển đến đâu, Lotte Cinema sẽ phát triển đến đấy. Số lượng rạp chiếu phim của Lotte, theo chiến lược đó, được dự báo sẽ nhanh chóng vượt CGV, khi tập đoàn này dự kiến đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại và siêu thị tại thị trường Việt Nam, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.

Cùng trong cuộc đua với các đối thủ ngoại, Galaxy Cinema có kế hoạch mở thêm 8 cụm rạp ở thị trường cả nước, trong đó có Hà Nội và Đà Nẵng. Trước mắt, trong năm nay, Galaxy Cinema sẽ đưa 2 cụm rạp mới đi vào hoạt động.

Im lìm hơn cả là BHD, nhưng đơn vị này cũng bắt đầu công tác chuẩn bị cho cụm rạp mới ở Khu thương mại phức hợp Satra, đường Phạm Hùng, quận 8, TP.HCM.

Như vậy, thị trường rạp chiếu phim tại Việt Nam đang khiến giới đầu tư trong ngành công nghiệp giải trí sôi sục. Tuy nhiên, những tên tuổi khác khó giành được ngôi vị bá chủ của CJ CGV, bởi CJ CGV không chỉ nhanh chân chiếm tất cả những vị trí đẹp, rộng tại các tỉnh, thành phố, mà còn nắm trong tay tất cả bản quyền phim bom tấn của Holywood.

Ngoài ra, CJ CGV còn có được sự hậu thuẫn của CJ Entertainment, vốn có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà phát hành phim quốc tế như Warner Bros, Paramount, Disney, Universal…, khiến các tên tuổi trên thị trường đều phải nhập lại của CJ CGV. Điều đó cũng lý giải vì sao CJ CGV bỏ tiền ra thâu tóm MegaStar.

Ông Seo Jung, Tổng giám đốc CJ CGV

"Có mặt tại Việt Nam là một phần trong chiến lược lâu dài với mong muốn tạo ra một nền tảng văn hóa và giải trí để người Việt có thể chia sẻ với nhau và chia sẻ với thế giới. CGV cũng coi Việt Nam là thị trường chiến lược, là trung tâm để từ đó CGV có thể vươn rộng ra các nước Đông Nam Á".

Tin bài liên quan