Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời: Doanh nghiệp không nên trông chờ cơ hội sẽ tự đến

Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời: Doanh nghiệp không nên trông chờ cơ hội sẽ tự đến

(ĐTCK) Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia chỉ có được khi chúng ta có một lực lượng doanh nghiệp phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, năng suất lao động cao.

Mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7% giai đoạn 2016 - 2020 đang đặt ra cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do là rất lớn, nhưng nếu doanh nghiệp không tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực cốt lõi, không có chiến lược thì khó có thể tận dụng được cơ hội.

Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời: Doanh nghiệp không nên trông chờ cơ hội sẽ tự đến ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng mệnh lệnh, ý chí của Thủ tướng truyền được xuống các bộ, ngành, từng cán bộ, công chức hay không?

Doanh nghiệp rất cần được thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trên thực tế, đồng thời cũng cần bộ máy tham mưu thể chế để những nhà lãnh đạo cao cấp nhất biết doanh nghiệp đang vướng mắc gì, nền kinh tế đang vướng mắc gì và cần những chính sách mới nào.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, phổ biến, tuyên truyền cho toàn bộ máy hành chính, nếu không có sự đổi mới về tư duy đồng bộ từ cấp cao xuống cấp thấp nhất thì kết quả sẽ không như kỳ vọng.

Trong thời đại ngày nay, doanh nghiệp ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những doanh nghiệp có nội tại yếu, không đủ năng lực, quy mô manh mún. Không có vốn lớn, doanh nghiệp sẽ không làm lớn được, khó có chiến lược dài hơi, khó có cơ hội phát triển nhanh mạnh.

Ngay gói tín dụng ưu đãi trị giá 50.000 tỷ đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, dù ý chí của Thủ tướng là rất rõ ràng, nhưng nếu các bộ, ngành không triển khai, vào cuộc quyết liệt thì sẽ rất khó để doanh nghiệp, người dân vay được, vì họ không có tài sản thế chấp, uy tín cũng khó có thể được ngân hàng tin tưởng cho vay.

Hay câu chuyện khởi nghiệp, làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, đó là vấn đề, là bài toán lớn hóc búa.

Rõ ràng, từ ý chí biến thành hành động có khoảng cách lớn, đòi hỏi sự đồng bộ ở mức rất cao.

Về phía các doanh nghiệp, không nên trông chờ cơ hội sẽ tự đến, 100% doanh nghiệp phải chủ động và coi môi trường thuận lợi là cơ hội để chiếm lấy một cách may mắn, còn tự thân doanh nghiệp vẫn phải vận động, phải nỗ lực, dựa vào nội tại doanh nghiệp.

Tóm lại, quản trị nguồn lực bền vững về mọi mặt, cân đối tài chính, đặc biệt phải duy trì và luôn coi trọng yếu tố “có thị trường”, đó có lẽ là những “vũ khí” hữu hiệu để cộng đồng doanh nghiệp bước vào một năm kế hoạch mới.

Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời: Doanh nghiệp không nên trông chờ cơ hội sẽ tự đến ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG 

Tập trung xây dựng thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh là định hướng lớn của Chính phủ, nhìn lại năm qua, theo ông, đâu là những điểm ấn tượng?

Theo tôi, có 3 điểm nổi bật.

Thứ nhất là Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Thứ hai là ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ký cam kết với đại diện cộng đồng doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) về hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ ba là “cuộc chiến” loại bỏ giấy phép con.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của những chính sách mới tới cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế?

Những chính sách mới đã giúp củng cố niềm tin và động lực cho các doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm công vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, cụ thể là lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

Có nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn loay hoay trong khó khăn, nguyên nhân của tình trạng này do đâu, nội tại doanh nghiệp hay sức ép từ hội nhập?

Rõ ràng, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp chưa tốt. Thêm vào đó, một số chính sách kinh tế còn bất cập, việc thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà, thực thi chưa nhất quán, sự thiếu minh bạch của môi trường kinh doanh và chi phí không chính thức còn cao… đang là những mối quan ngại không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông nhìn nhận như thế nào về triển vọng năm 2017 của TNG - doanh nghiệp có quy mô hơn 10.000 người lao động và nền kinh tế nói chung?

Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đang gặp trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa gia tăng, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sắp diễn ra…

Những yếu tố trên có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại, đầu tư quốc tế và ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững.

Theo ông, những chính sách nào cần sớm được xem xét ban hành?

Cần điều chỉnh các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho phù hợp, bảo đảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguyễn Sáng thực hiện

Tin bài liên quan