Số DN có kho tàng, cơ sở chế biến nông sản vẫn còn quá ít

Số DN có kho tàng, cơ sở chế biến nông sản vẫn còn quá ít

Chất vấn tại Quốc hội: Nhiều mối lo với “thế mạnh” nông sản

(ĐTCK) Ngày 11/6, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn, với phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Một nội dung quan trọng mà nhiều đại biểu đặt ra với hai Bộ trưởng là câu chuyện liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, hỗ trợ cho xuất khẩu, nhất là với các mặt hàng nông sản.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng ta không thể kỳ vọng có một thị trường luôn ổn định, thuận lợi, mà phải tìm cách để thích ứng với những diến biến của thị trường. Chúng ta phải lựa chọn và phát huy những lợi thế, hỗ trợ người sản xuất hạ giá thành, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản. Trong điều kiện hiện nay, rõ ràng yêu cầu mới đặt ra là phải phát triển mạnh hơn hai thành phần trong chuỗi giá trị, đó là các tổ hợp tác, các hợp tác xã và doanh nghiệp.

Chủ trương liên kết 4 nhà đã đưa ra 10 năm nay, một số sản phẩm như bò sữa và mía đường, việc liên kết với doanh nghiệp được thực hiện khá phổ biến. Nhưng đối với những sản phẩm không nhất thiết phải gắn bó với nhà máy chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ thì sự liên kết lỏng lẻo hơn. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chủ yếu là do số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít và những doanh nghiệp thực sự muốn liên kết có năng lực về tài chính, kho tàng, cơ sở chế biến có thể liên kết và thực hiện liên kết không nhiều.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng giải trình về tình hình dư thừa sản phẩm và giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Trong 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nhóm hàng này gặp một số khó khăn về thị trường, giá cả, khiến kim ngạch xuất khẩu chung của cả nhóm giảm 9,5% so với cùng kỳ, đạt mức tăng trưởng 7,8% so với kế hoạch cả năm là 10%.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công thương đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong cả ngoài nước, tổ chức hội chợ, triển lãm, đoàn khảo sát… Khi đàm phán các hiệp định thương mại, đoàn đám phán luôn nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là mở cửa thị trường, dành ưu đãi cho sản phẩm nông sản và cơ bản đạt được lợi ích cốt lõi như Liên minh kinh tế Á – Âu đã chấp nhận áp thuế suất 0% đối với mặt hàng thủy sản, ưu đãi thuế với các mặt hàng chè, café, đồ gỗ.

“Ở trong nước, chúng ta triển khai liên tục và thường xuyên các hoạt động kết nối cung - cầu, gắn kết thị trường giữa các vùng miền trong nước. Ví dụ như xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản, tăng cường xúc tiến thương mại trong nước, phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Theo Bộ trưởng Hoàng, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước tổ chức thành công các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản hàng hóa trong nước sản xuất như Saigon Co.op, Satra, Vinamilk, TH True Milk, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát... Một số tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài như Metro, BigC, Lotte..., ngoài việc tổ chức liên kết theo chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ trong hệ thống phân phối tại Việt Nam cũng đã thực hiện việc thu mua để cung ứng hàng hóa nông sản của Việt Nam vào các cơ sở phân phối của mình ở nước ngoài.

Về vấn đề liên kết 4 nhà, đã thực hiện thí điểm ở một số địa phương thuộc 12 tỉnh, Bộ Công thương đứng ra làm đầu mối trung gian giữa doanh nghiệp và người nông dân. Các doanh nghiệp đã khảo sát nghiên cứu ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất, nhất là dịp cần hàng hóa dự trữ bình ổn giá thị trường.

Đáng chú ý, một số đại biểu bày tỏ quan tâm vấn đề giá điện, giá xăng. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nếu điều chỉnh dưới 10%, doanh nghiệp tự tính toán và trình Bộ xem xét, nếu việc điều chỉnh trên 10% thì báo cáo Chính phủ xử lý. Lần điều chỉnh gần đây nhất vào tháng 3, cũng lập tổ tư vấn liên ngành gồm các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Công thương để nghe báo cáo về phương án điều chỉnh giá điện.

Đến nay, giá điện mới bắt đầu bán cao hơn giá thành. Trước đây, do được bao cấp nên giá bán điện thấp, nhưng việc tăng giá vẫn phải đảm bảo yếu tố xã hội. Theo lộ trình, đến năm 2016 sẽ hoàn chỉnh cơ chế bán điện theo cơ chế thị trường. 

Một con gà thịt gánh… 14 loại phí

Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Đỗ Văn Đương đã đề nghị làm rõ có đúng là 1 con gà thịt phải gánh 14 loại phí như doanh nghiệp phản ánh không? Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận có nghe về việc này và đã yêu cầu Cục Thú y kiểm tra.

“Cơ bản cơ quan thú y thực hiện theo những quy định của luật pháp hiện hành, không sai, nhưng có những việc bất hợp lý thì phải sửa. Ví dụ, thu phí theo quả trứng, tôi không đồng ý”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị “Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng với tôi trong một quý sẽ sửa lại thông tư này”.

Tin bài liên quan