Chân dung những “xác sống” tại Cienco 8

Hàng loạt công ty con của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP (Cienco 8) đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, với những khoản nợ mất cân đối lên tới cả trăm tỷ đồng.
Các máy móc, thiết bị của Công ty 892 cũng trở thành vật thế chấp tại ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh

Các máy móc, thiết bị của Công ty 892 cũng trở thành vật thế chấp tại ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh

Chân dung “xác sống”

Từ nhiều tháng nay, trụ sở của Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình giao thông 892 (Công ty 892) tại số nhà 268 đường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội lặng ngắt, chỉ thi thoảng vẳng tiếng điện thoại cố định, nhưng không người bốc máy, trái ngược với sự sôi động bên ngoài của đường Khương Đình đông đúc.

Cảnh tàn tạ tại Công ty 892 là đương nhiên nếu biết rằng, toàn bộ nhân sự của đơn vị hiện chỉ còn 15 người, trong đó 5 người thuộc khối văn phòng.

Giám đốc Công ty 892 đã báo ốm, không xuất hiện tại đơn vị dù ông này được cả chủ nợ lẫn công nhân đang nghỉ chờ chế độ trông ngóng hoàn tất các thủ tục phá sản để có thể tiến hành hóa giá, xẻ thịt những tài sản cuối cùng của doanh nghiệp. Đáng nói là, Công ty 892 đã có thời được coi là chủ công của Cienco 8, với lực lượng lao động lên tới hàng trăm người.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, Cienco 8 đã chính thức “tung cờ trắng” khi vừa phát Văn bản số 758/TTr-TCT đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép Công ty 892 mở thủ tục phá sản.

Cần phải nói thêm rằng, Công ty 892 từng được Bộ GTVT lên kế hoạch cổ phần hóa vào năm 2012 cùng với các đơn vị thành viên khác của Cienco 8. Tuy nhiên, do vốn nhà nước mất sạch nên Bộ này buộc phải đồng ý để Cienco 8 phối hợp với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) xem xét mua bán nợ, xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa.

“Mặc dù DACT đã hết sức cố gắng đàm phán với các chủ nợ của Công ty, nhưng không thể đưa ra phương án tái cơ cấu khả thi”, ông Vũ Cao Đàm, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cienco 8 cho biết.

Có thể chia sẻ với nỗ lực bất thành với DATC khi mà công nợ của Công ty 892 là quá lớn trong khi tài sản có thể co kéo lại không được bao nhiêu. Cụ thể, tính đến ngày 15/12/2014, các khoản nợ phải trả của Công ty 892 là 152,4 tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là nợ ngân hàng 24,7 tỷ đồng, nợ Tổng công ty mẹ 53,3 tỷ đồng, nợ các hợp đồng kinh tế 41 tỷ đồng; nợ lương và bảo hiểm 6,7 tỷ đồng…

Oái oăm ở chỗ, trong bản kê tài sản của Công ty 892, giá trị nhất là trụ sở văn phòng làm việc 3 tầng tại 268 Khương Đình, Hà Nội trên diện tích đất thuê 20 năm rộng 500 m2 lại đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Thăng Long cho khoản vay 4,7 tỷ đồng. Các tài sản khác còn lại gồm 4 máy đào, 1 máy san, 5 lu, 1 trạm nghiền, 3 xe con, 4 xe tải… có giá trị còn lại khoảng 2,7 tỷ đồng hoặc quá nát hoặc cũng đang được “cắm” tại ngân hàng.

Bản thân lãnh đạo Tổng công ty mẹ cũng thừa nhận, Công ty 892 đã tê tiệt hoạt động từ nhiều năm nay, không có khả năng cứu nên đã thống nhất với toàn thể người lao động và lãnh đạo tiến hành các thủ tục phá sản với mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Chết cũng không dễ

Cần phải nói thêm rằng, số “xác sống” như Công ty 892 không phải là hiếm ở Cienco 8. Trong khi Tổng công ty mẹ đã cổ phần hóa từ cuối năm 2014, tổng công ty xây dựng hàng đầu của Bộ GTVT vẫn đang phải chật vật tái cơ cấu hàng loạt công ty thành viên trong tình trạng “nửa sống, nửa chết”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư hôm 12/1, ông Phạm Xuân Thủy, Tổng giám đốc Cienco 8 cho biết, trong số 5 công ty con phải cậy nhờ tới DACT, may ra chỉ có Công ty 829 có thể hồi sinh. Số còn lại gồm: Công ty cổ phần Xây dựng Việt - Lào; 874; dù đã “hô hấp” đủ kiểu, nhưng khó có thể qua “cơn tao đoạn” khi mà tổng nợ vượt quá xa tài sản có.

Tại Công ty Việt - Lào, các khoản nợ phải trả của đơn vị đã lên tới 122 tỷ đồng. Ngay cả khi thu hồi được 46,4 tỷ đồng công nợ, chênh lệch giữa nợ và có của Công ty Việt - Lào vẫn cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, tài sản hiện có.

Được biết, vào cuối năm 2013, Bộ GTVT đã tiến hành thanh tra tài chính tại Cienco 8. Kết quả cho thấy, bất cập trong công tác quản lý kinh tế tới mức ấu trĩ của cả lãnh đạo Tổng công ty mẹ lẫn công ty thành viên trong giai đoạn từ 1998 - 2012 là nguyên nhân chính đẩy một số công ty con của Cienco 8 rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.

Không khó để quy trách nhiệm về việc tài sản của nhà nước bị “bốc hơi” khi 4 công ty con của Cienco 8 phải tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, do các lãnh đạo liên quan tới sự trượt dốc không phanh tại các đơn vị nói trên đã lần lượt được nghỉ chế độ, nên rất có thể, câu chuyện trách nhiệm sẽ lại chìm vào quên lãng.

Điều đáng nói là, ngay cả khi chấp nhận cho “chết”, thì việc “chôn cất” những “xác sống” này cũng không dễ. Được biết, tờ trình xin mở thủ tục phá sản của Công ty Việt - Lào được Cienco 8 trình Bộ GTVT từ cuối năm 2013. Sau khi lòng vòng xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính, vào tháng 3/2014, Bộ GTVT đã đồng ý để Hội đồng Thành viên Cienco 8 chỉ đạo người đại diện phần vốn phối hợp với Hội đồng Quản trị Công ty Việt - Lào làm thủ tục phá sản theo quy định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có cả sự không thống nhất của các cổ đông, “phát súng ân huệ” đối với doanh nghiệp đã hội đủ điều kiện phá sản vẫn không được thực hiện.

Được biết, di chứng nặng nề nhất mà các công ty nói trên để lại chính là số phận hàng trăm lao động, trong đó có không ít người chưa thể hưởng chế độ hưu trí do bị nợ lương, nợ bảo hiểm với số tiền lên tới cả chục tỷ đồng.

“Tôi đang ráo riết làm việc với lãnh đạo Công ty Việt - Lào để có thể tuyên bố phá sản sớm ngày nào hay ngày đấy để vơi bớt khó khăn cho người lao động vốn đã mòn mỏi chờ lương, chờ bảo hiểm từ nhiều năm nay”, ông Thủy cho biết.

Tin bài liên quan