Trong một thời gia ngắn, API sở hữu IDJ và thương vụ giúp API có được 34 tỷ đồng lợi nhuận

Trong một thời gia ngắn, API sở hữu IDJ và thương vụ giúp API có được 34 tỷ đồng lợi nhuận

Câu chuyện về những doanh nghiệp lãi nhờ… cơ cấu

(ĐTCK) Lợi nhuận đột biến luôn gây hào hứng cho NĐT. Nhưng, có những DN chủ động nghĩ ra cách hạch toán lợi nhuận đột biến, rất… đúng luật, nhưng đó lại là những nguồn thu có ý nghĩa trên giấy tờ nhiều hơn là thứ cổ đông có thể cầm nắm được.

Câu chuyện của VID

Quý IV/2013, CTCP Đầu tư phát triển thương mại Viễn Đông (VID) đã viết nên một điều kỳ diệu, điều mà hơn 2 năm qua, cổ đông VID mơ ước: có lãi và lãi lớn!

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2013, VID đạt 47,2 tỷ đồng doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính 130 tỷ đồng, chi phí quản lý âm 38,2 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận trước thuế 80,28 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, VID đạt con số lãi 21,59 tỷ đồng, ngược hoàn toàn so với kết quả kinh doanh lỗ năm 2011, 2012.

Thành tích vượt bậc của VID trong kết quả kinh doanh, rất tiếc không đến từ hoạt động kinh doanh chính như kỳ vọng của NĐT. Thậm chí, năm 2013, doanh thu bán hàng của VID còn sụt giảm mạnh, chỉ đạt 245 tỷ đồng, trong khi cả năm 2012 là 612,6 tỷ đồng; lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng giảm về 31,8 tỷ đồng, thay vì con số 59,76 tỷ đồng của năm trước. Thành tựu ấy đến từ những vấn đề tài chính.

Quý IV/2013, VID ghi nhận 117 tỷ đồng lãi hoạt động tài chính nhờ bán 65,1% vốn tại Công ty TNHH MTV Bình Dương Viễn Đông cho công ty nước ngoài là Mayr-Melnhof Packaging International (MPP).

Một điều làm nên kỳ tích của VID nữa là việc hoàn nhập dự phòng 40 tỷ đồng khoản phải thu của Công ty Toàn Lực. Lý do hoàn nhập dự phòng là: để thu hồi khoản nợ từ Toàn Lực, VID đã nhận chuyển nhượng cổ phần của Toàn Lực do CTCP Chè Lâm Đồng và CTCP Chè Cà phê Di Linh phát hành thuộc sở hữu của Toàn Lực, với giá chuyển nhượng lên tới 60.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị chuyển nhượng gần 99 tỷ đồng.

Vấn đề NĐT quan tâm nhất trong câu chuyện này là, mức giá mua tới 60.000 đồng/cổ phần cho cả cổ phiếu của Chè Lâm Đồng và Chè Cà phê Di Linh để hoán đổi lấy khoản phải thu khó đòi từ Toàn Lực liệu có hợp lý hay không? Đây là câu hỏi rất khó trả lời, bởi NĐT hầu như mù tịt về thông tin tài chính của 2 DN trên.

Lần giở lại thông tin quá khứ, khi Chè Lâm Đồng được đấu giá cổ phần vào năm 2007 thì công ty này đã có 2 năm thua lỗ liên tiếp trước đó (2004, 2005), các năm 2007 - 2009 dự kiến có lãi từ 1,5 tỷ đồng đến cao nhất 3,6 tỷ đồng/năm! Thời điểm đó, TTCK vẫn còn ở giai đoạn đỉnh cao (tháng 6/2007), nhưng giá đấu thành công trung bình là 16.468 đồng/cổ phiếu. Nay, sau 7 năm, giá chuyển nhượng lại là 60.000 đồng/cổ phiếu. Liệu Chè Lâm Đồng có kịp cải thiện kinh doanh để xứng đáng với mức giá đó?

Tất nhiên, cũng trong quý IV/2013, VID đã thực hiện trích lập dự phòng 82 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính (giá trị gốc trên 327 tỷ đồng), nhưng lại không có thuyết minh rõ ràng cho việc trích lập cho các khoản mục nào, trích lập bao nhiêu, có bao gồm 2 khoản đầu tư vào 2 công ty mới do cấn trừ nợ và đang được hạch toán là công ty liên kết hay không.

Đến câu chuyện của SHN

Từ cuối năm 2012, CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic, mã SHN) gây xôn xao thị trường khi công bố thông tin sẽ thu hồi 45 tỷ đồng nợ trên tổng số 238 tỷ đồng nợ gốc cho vay CTCP Beta BQP. Thông tin này ít nhiều tạo tâm lý tích cực cho thị trường, nhưng sau đó, tìm hiểu chi tiết hơn, NĐT mới thấy là, số tiền này không hẳn đã được như kỳ vọng. 

Trả lời ĐTCK ngày 15/1/2013, Chủ tịch HĐQT SHN khi đó, ông Dương Mạnh Hải cho biết: “Mức giá 45 tỷ đồng cho số cổ phần trên là kết quả của quá trình thương lượng. Nếu chúng tôi không đồng ý mức đó thì họ cũng không chấp nhận cho mình lấy cổ phần về và như thế mình sẽ chẳng lấy được gì cả”. Đáng lưu ý, 45 tỷ đồng được tính cho 51% vốn điều lệ của CTCP Bê tông – Thép Ninh Bình, có vốn điều lệ 11 tỷ đồng và thời điểm đó đang vướng khó khăn, thua lỗ!

Thỏa thuận của SHN trong việc thu hồi 45 tỷ đồng nợ bằng cổ phần của CTCP Bê tông Thép Ninh Bình chưa được thể hiện trên BCTC do phía đối tác vẫn đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu việc chuyển nhượng được hoàn tất?

Còn nhớ, từ năm 2011, SHN cũng chấp nhận nhận chuyển nhượng 14 cây tùng La Hán với giá 27,847 tỷ đồng và bù lại đối tác sẽ được tham gia hợp tác đầu tư vào CTCP Bất động sản Âu Lạc. Đến thời điểm hiện nay, trong thương vụ 14 cây tùng La Hán, Công ty đang hạch toán 7 cây, với trị giá 26 tỷ đồng! NĐT chắc chắn chưa thể rõ được, giá thị trường 7 cây này là ra sao?

Cho đến hết quý IV/2013, SHN bán quyền theo đuổi Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc Tây Mỗ với giá 75 tỷ đồng. Chưa rõ câu chuyện này kết thúc ra sao, vì giá trị chuyển nhượng 75 tỷ đồng, nhưng thời điểm cuối năm, Công ty TNHH Đầu tư DubaiCapital vẫn đang nợ lại SHN 71,6 tỷ đồng, còn SHN đã hạch toán lãi, giá cổ phiếu SHN đã tăng chóng mặt. Liệu có một cuộc cấn trừ tài sản nào ở đây?

VÀ cách làm độc đáo của API

Lãi tới 45,947 tỷ đồng sau thuế năm 2013, CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (APECI, mã API) thực sự làm cổ đông hài lòng, bởi mức thu nhập 1.740 đồng/cổ phiếu năm 2013 so với âm 761 đồng/cổ phiếu trong năm 2012 là một bước chuyển biến rất tích cực.

Thế nhưng, trong số 46 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của API, có tới hơn 34 tỷ đồng lợi nhuận đến từ công ty liên kết, là khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư tài chính Quốc tế và Phát triển doanh nghiệp IDJ (mã IDJ).

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, API đã hoàn tất việc sở hữu 20,01% vốn điều lệ của IDJ, có giá trị sổ sách lên tới gần 61,2 tỷ đồng, với giá gần 27,8 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân của việc API ghi nhận lãi hơn 34 tỷ đồng từ công ty liên kết.

Cách làm này hoàn toàn đúng luật và bản thân cổ phiếu IDJ hiện cũng đã tăng lên mức 5.400 đồng/cổ phiếu, lớn hơn nhiều so với giá mua bình quân của API là 4.261 đồng/cổ phiếu.

Thế nhưng, cách làm này của API lại có thể sẽ là một hướng đi hợp lý cho các DN muốn… cơ cấu lãi, vì tồn tại không ít DN có thị giá được chiết khấu rất cao so với giá trị sổ sách hạch toán. Tất nhiên, thị trường luôn có lý khi định giá như vậy!

Mỗi khi doanh nghiệp báo lãi đột biến thường kéo theo cổ phiếu tăng giá, nhưng sẽ là rủi ro lớn cho nhà đầu tư khi những khoản lãi đó chỉ là những khoản lợi nhuận ảo. Tất nhiên, sẽ rất khó cho cổ đông, nhà đầu tư để nhận diện được sự thực/ảo trong cách hạch toán lợi nhuận của doanh nghiệp, bởi họ không thể có đủ thông tin về các giao dịch của doanh nghiệp. Điều này phải trông chờ vào phía đơn vị kiểm toán, những người có kiến thức chuyên môn sâu, cũng như có điều kiện tiếp cận và thẩm định cách hạch toán tại doanh nghiệp.                                       

Tin bài liên quan