Sản xuất cát nhân tạo tại Bình Dương

Sản xuất cát nhân tạo tại Bình Dương

Cát nhân tạo: Vì sao chưa phổ biến?

(ĐTCK) Ngành công nghiệp bê tông Việt Nam hiện gặp khá nhiều khó khăn trong việc sản xuất các loại bê tông mác cao, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật đặc biệt như bê tông tự lèn, bê tông chống thấm cao do cát tự nhiên đạt tiêu chuẩn để cấp phối không nhiều.

Trên thực tế, nguồn cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt, việc khai thác cát lậu đã làm ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, làm lệch dòng chảy của các con sông và hậu quả rất khó lường. Trong khi đó, cát nhân tạo được nghiền từ đá có khả năng đáp ứng những đòi hỏi khắt khe trong cấp phối bê tông đã được triển khai tại thị trường phía Nam cách đây 7 - 8 năm, nhưng lại không thể thâm nhập thị trường phía Bắc.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm thị trường phía Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu m3 cát xây dựng, trong đó cát nhân tạo dùng cho bê tông được tiêu thụ khoảng 3 triệu m3. Thị trường hiện có khoảng 10 DN sản xuất và phân phối loại cát này.

Ông Lê Bá Thanh, một chuyên gia trong lĩnh vực bê tông cho biết: “Do cát sông không đủ tiêu chuẩn khi cấp phối một số loại bê tông, nên dùng cát nhân tạo là giải pháp hiệu quả đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các công ty như  Beton6, Bê tông Ly tâm Thủ Đức… đều dùng cát nhân tạo cho một số dòng sản phẩm chủ lực của mình. Tùy từng loại bê tông mà độ lớn hạt cát được sử dụng khác nhau”.

Dù lợi nhuận từ sản xuất cát nhân tạo hiện chỉ còn khoảng 7 - 8%/năm so với khoảng 20% những năm đầu, nhưng không phải vì thế mà doanh nghiệp sản xuất cát xây dựng chùn bước. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc CTCP Vật liệu xây dựng Sư Tử Biển cho biết: “Sắp tới, Công ty sẽ cho ra thị trường sản phẩm cát nhân tạo xây tô, cát cho bê tông đúng tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường bê tông mác cao và để tối đa hóa dây chuyền sản xuất hiện có, đạt mức 500.000 m3/năm thay vì mức 300.000 m3/năm như hiện nay”.

Giá thành cát tự nhiên rẻ hơn là một trong những lý do các nhà sản xuất bê tông “đẩy” cát nhân tạo ra bên lề. Vì thế, mô hình sản xuất cát nhân tạo muốn được nhân rộng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, để đảm bảo được việc kinh doanh có hiệu quả hơn, các nhà sản xuất cát nhân tạo buộc phải “đa ngành”. Thay vì chỉ sản xuất cát, dây chuyền còn sản xuất cả đá cho bê tông và thậm chí cả gạch xi măng cốt liệu. Đơn cử như Công ty Sư Tử Biển đã chọn nguồn nguyên liệu và đặt hệ thống nghiền tại mỏ đá Hóa An (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), mỏ Tân Đông (thị xã Dĩ An, Bình Dương), mỏ Lương Cơ (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là những mỏ đá được đánh giá là có chất lượng tốt nhất miền Nam hiện nay.

Dù giá thành cát nhân tạo có thể đắt hơn cát tự nhiên từ 2 - 3 lần, nhưng các nhà thầu chuyên nghiệp như Cotteccons hay Hòa Bình thường sử dụng loại cát này trong những công trình chất lượng cao mà họ xây dựng thông qua các công ty cung cấp bê tông tươi và bê tông đúc sẵn có uy tín như Fico-Pan-U, Beton 6, Bê tông Phan Vũ, Xuân Mai… Nhiều công trình lớn như cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án sữa chữa nhà chứa máy bay thân rộng A75 Sân bay Tân Sơn Nhất, Dự án nâng cấp, sửa chữa Cầu Sài Gòn… đều được dùng cát nhân tạo.

Cát nhân tạo không chỉ được dùng trong xây dựng mà còn dùng để sản xuất gạch xi măng cốt liệu - một trong những loại vật liệu không nung được đánh giá sẽ thế thay thế gạch đỏ trong thời gian tới. Hiện nay, dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu có mức đầu tư từ 400 triệu đến 5 tỷ đồng tùy thuộc vào công suất, chất lượng.

Nếu được sử dụng cát nhân tạo, gạch xi măng cốt liệu sẽ khai thác được nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản xuất tối đa do không cần phải xây dựng kho chứa.

Các vùng giàu nguyên liệu đá như Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam lại có sẵn các nhà máy xi măng, thì cơ hội cho gạch xi măng cốt liệu là khá lớn. Tuy nhiên, cơ hội cho cát nhân tạo phụ thuộc nhiều vào nguồn cung gạch xi măng cốt liệu trên thị trường.

Trong khi cát nhân tạo chiếm khoảng 50% thị phần so với cát tự nhiên tại miền Nam, thì miền Bắc lại rất “khó” vào. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo một số nhà sản xuất đã “tấn công” thị trường phía Bắc và đành ngậm ngùi rút lui thì cơ bản vẫn là do tập quán và thói quen xây dựng.

Trên thực tế, nguồn nguyên liệu để sản xuất loại cát xay này tại phía Bắc khá dồi dào. Nếu có thể sản xuất và cung ứng loại cát xay này ra thị thường với khối lượng lớn, sẽ làm giảm đáng kể nạn cát tặc.

Tuy nhiên, giá thành cát tự nhiên rẻ hơn là một trong những lý do các nhà sản xuất bê tông “đẩy” cát nhân tạo ra bên lề. Vì thế, mô hình sản xuất cát nhân tạo muốn được nhân rộng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Xây dựng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan