Theo Luật Du lịch sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài không được kinh doanh outbound. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo Luật Du lịch sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài không được kinh doanh outbound. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cảnh giác với doanh nghiệp ngoại kinh doanh núp bóng trên thị trường du lịch

Theo Luật Du lịch sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài không được kinh doanh outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài). Để thực hiện nghiêm quy định này, cần tăng cường giám sát tình trạng doanh nghiệp ngoại lách luật, kinh doanh trái phép.

Hai mặt trong kinh doanh outbound

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài kỳ vọng Luật Du lịch sẽ cho phép họ được kinh doanh outbound. Trong dự thảo lần thứ 5, quy định này vẫn được giữ nguyên tại khoản 3, Điều 50, nhưng tới dự thảo cuối cùng trình Quốc hội, quy định này đã bị loại bỏ. 

Nguyên nhân loại bỏ, theo ông Bình, là do trong cam kết khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không có nội dung này. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam không nên cởi bỏ hết những quy định bảo hộ doanh nghiệp trong nước, để tạo thêm sự cạnh tranh không đáng có.

Mặc dù đã bị loại khỏi Luật, nhưng theo các chuyên gia lĩnh vực du lịch, việc cho phép doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài được kinh doanh outbound cũng có một số lợi ích nhất định.

Ông Bình lấy ví dụ, năm 2009, khi thị trường du lịch khó khăn, Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài được phép đưa khách Việt ra nước ngoài. Sau khi hết hiệu lực, một số doanh nghiệp vẫn thực hiện, nhưng không chính danh.

Cũng theo ông Bình, việc cho phép doanh nghiệp quốc tế kinh doanh outbound sẽ không làm xáo trộn thị trường và khách thì có thêm lựa chọn.

“Nếu doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài được kinh doanh mảng outbound thì có thể thúc đẩy khách 2 chiều giữa Việt Nam và quốc tế”, đại diện một doanh nghiệp nói.

Bà Phạm Bích Ngọc, Phó giám đốc Vietrantour thì cho rằng: “Doanh nghiệp quốc tế được kinh doanh outbound sẽ làm gia tăng lượng khách quốc tế tới Việt Nam (inbound) do nhu cầu kinh doanh outbound nên một số doanh nghiệp quốc tế có thể mở chi nhánh tại Việt Nam cùng với các văn phòng của doanh nghiệp đó tại nước sở tại tập hợp bán tour tới Việt Nam, tư vấn thông tin du lịch Việt Nam.

Xây dựng hệ thống kiểm tra giám sát

Tuy đánh giá là có một số lợi ích khi làm gia tăng trao đổi khách 2 chiều, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, kinh doanh du lịch là loại hình khá nhạy cảm, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, an ninh - quốc phòng, nên thận trọng như quy định của luật là đúng. 

Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel nhận xét: “Chúng ta sẽ khó kiểm soát về văn hoá và an ninh chính trị khi du khách ra khỏi Việt Nam, trong lúc nhiều quốc gia bất ổn và thiếu an toàn. Thêm nữa, du khách Việt ra nước ngoài, nếu xảy ra sự cố, những doanh nghiệp này có thể sẽ rũ bỏ trách nhiệm, trong khi khách du lịch Việt không biết khiếu nại ở đâu”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty Du lịch TransViet lại lo lắng: “Nếu doanh nghiệp ngoại đưa khách Việt Nam ra nước ngoài thì chúng ta sẽ khó kiểm soát trong trường hợp khách bị mất tích vì nạn buôn người”.

Một vấn đề lo lắng hiện nay là, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt đưa khách outbound chủ yếu dưới danh nghĩa văn phòng đại diện, hoặc chi nhánh tại Việt Nam để đón khách quốc tế inbound, đồng thời kiêm luôn tiếp thị, giới thiệu và quảng cáo bán tour ra nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, chuyện doanh nghiệp nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt bán tour 0 đồng là ví dụ điển hình của việc doanh nghiệp ngoại núp bóng doanh nghiệp Việt để triển khai. Nhưng các doanh nghiệp núp bóng chủ yếu là đưa khách inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) bằng tour 0 đồng xảy ra phổ biến ở thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, còn việc doanh nghiệp nước ngoài núp bóng để đưa khách outbound hiện chưa phổ biến.

Tuy vậy, theo ông Đạt, việc này là có, khi mới đây đã phát hiện một số doanh nghiệp Đài Loan đưa khách Việt ra nước ngoài không đúng quy định.

“Việc này thể hiện sự lỏng lẻo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước chưa tốt. Doanh nghiệp quốc tế không thể tiếp thị bán hàng nếu không có các doanh nghiệp trong nước hợp tác”, ông Đạt nói.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất, cần quy định cụ thể hơn với văn phòng đại diện và chi nhánh của các doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam, để có cơ sở xử lý vi phạm. Việc xử lý vi phạm cần được giao cho một đơn vị chuyên trách, đi cùng việc xây dựng hệ thống kiểm tra giám sát khoa học, dễ đối chiếu và tổng đài lắng nghe phản ánh của các đơn vị lữ hành, khách du lịch, nhằm xử lý nghiêm các trường hợp lách luật.

Tin bài liên quan