Chủ tịch HNX tặng sách hướng dẫn CBTT và sách về QTCT cho lãnh đạo các tổ chức tham gia TTCK, góp sức khuyến khích các DN minh bạch và quản trị tốt hơn

Chủ tịch HNX tặng sách hướng dẫn CBTT và sách về QTCT cho lãnh đạo các tổ chức tham gia TTCK, góp sức khuyến khích các DN minh bạch và quản trị tốt hơn

Cần một lộ trình rõ ràng, tạo dựng văn hóa quản trị công ty

(ĐTCK) Sau nỗ lực tạo dựng văn hóa minh bạch trong nền kinh tế mà các DN niêm yết là đối tượng tiên phong thực thi, tạo dựng văn hóa QTCT tốt vừa là mục tiêu, vừa là mong mỏi của cơ quan quản lý TTCK, cụ thể là UBCK, các Sở GDCK. Chia sẻ với ĐTCK, Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho rằng, tạo dựng văn hóa QTCT tốt là con đường rất dài, trên đó, cần cả ý thức của người tham gia và hệ thống luật lệ tương ứng.

Năm 2014, trong đánh giá thẻ điểm QTCT ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thấp nhất trong 6 nước được đánh giá. Hiện nay, đánh giá của các tổ chức quốc tế về chất lượng QTCT tại nước ta có gì khả quan hơn không, thưa ông?

Theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài thì chất lượng QTCT của các DNNY Việt Nam chỉ đạt mức trung bình. Cụ thể, theo báo cáo Thẻ điểm QTCT năm 2012 của IFC thì kết quả đánh giá chất lượng QTCT của 100 DNNY có vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam chỉ nằm trong ngưỡng 42 - 45 trên thang điểm 100.

Trong những năm gần đây, theo báo cáo đánh giá của thẻ điểm QTCT ASEAN thì Việt Nam chỉ được 33,9 điểm, xếp cuối cùng trong 6 quốc gia trong khu vực được đánh giá. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng các báo cáo thẻ điểm trên cũng ghi nhận sự tiến bộ trong QTCT của các DNNY Việt Nam.

Về phía cơ quan quản lý TTCK, Bộ Tài chính, UBCK và các cơ quan liên quan đã ban hành hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề QTCT như Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014, Thông tư 52/2012/TT-BTC về việc hướng dẫn công bố thông tin, Thông tư 121/2012/TT-BTC về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng.

Việc quy định các vấn đề về QTCT không những cho thấy sự chú trọng vào vai trò của QTCT đối với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của DNNY của cơ quan quản lý, mà còn tạo tiền đề tối thiểu về QTCT các DNNY thực thi và áp dụng các thông lệ QTCT tốt.

 Ông Nguyễn Vũ Quang Trung

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng đẩy mạnh các hoạt động QTCT như dự án thành lập Viện QTCT của UBCK, chương trình chấm điểm CBTT và minh bạch hàng năm của HNX, chương trình đào tạo về QTCT, Báo cáo phát triển bền vững, các nghiên cứu liên quan tới Chỉ số QTCT, Chỉ số xanh về Môi trường- xã hội- quản trị… đã đem lại những kết quả tích cực cho tình hình QTCT của doanh nghiệp. 

Về phía các doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam, chúng tôi cũng ghi nhận những nỗ lực về việc áp dụng các thông lệ QTCT tốt. Cụ thể là nhóm các doanh nghiệp lớn, có nhiều cổ đông, chủ nợ, đối tác nước ngoài nên rất chú trọng đến vấn đề xây dựng và áp dụng thông lệ QTCT tốt, đặc biệt là đảm bảo thông tin công bằng cho cổ đông nước ngoài bằng việc thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Các thành viên HĐQT, hay nói cách khác là các quản trị viên của doanh nghiệp đã có ý thức về tầm quan trọng của QTCT và có các hoạt động thiết thực để đưa QTCT vào thực chất.

Một số doanh nghiệp đã áp dụng các thông lệ quốc tế trong QTCT như phát hành báo cáo phát triển bền vững, trong đó đưa ra các vấn đề xã hội, tác động môi trường và các biện pháp nâng cao mối quan hệ giữa các bên có quyền lợi liên quan, hướng doanh nghiệp tới mục tiêu phát triển thân thiện với môi trường và xã hội hay áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS.

Từ năm 2013, HNX tiến hành chấm điểm QTCT cho các DN niêm yết trên HNX theo tiêu chuẩn công bố thông tin và minh bạch  

QTCT có vai trò như thế nào trong việc thu hút các dòng vốn lớn, nhất là các dòng vốn từ các tổ chức đầu tư quốc tế, theo ông?

Các tổ chức đầu tư quốc tế cũng như cơ quan quản lý trên TTCK đều đồng ý rằng, QTCT là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng nhất khi xem xét danh mục đầu tư.

Về cơ bản, QTCT là các quy chế, quy định có định hướng cho các quyết định/hành động của doanh nghiệp hoặc là các quy định ngăn cản các cá nhân có các hoạt động không phù hợp với lợi ích chung của doanh nghiệp cũng như các bên có quyền lợi liên quan.

Theo kết quả Báo cáo thẻ điểm QTCT 2012 của IFC cũng như Báo cáo đánh giá CBTT & minh bạch năm 2012 và 2013 của HNX, QTCT có tương quan cao với kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và tỷ lệ đòn bẩy tài chính, trong đó chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn.

Đơn giản là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt sẽ có khuynh hướng tích cực hơn trong vấn đề QTCT. Các doanh nghiệp có QTCT tốt sẽ cho thị trường thấy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp này thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, dễ dàng hơn.

Một kết quả đáng chú ý là hơn một nửa trong số các nhà đầu tư được hỏi trong Báo cáo khảo sát về ảnh hưởng của QTCT trong quyết định đầu tư của IFC năm 2010 cho biết họ sẵn sàng đầu tư thêm ít nhất 10% cho một công ty có QTCT tốt hơn so với một công ty có QTCT kém.

Được biết, Hội thảo sáng kiến quản trị công ty khu vực Đông Nam Á mới đây đặt trọng tâm vào việc cải tiến chất lượng QTCT tại 4 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma. Là một trong các diễn giả tại Hội thảo, xin ông chia sẻ những vấn đề về QTCT mà các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện?

Tại Hội nghị sáng kiến QTCT khu vực Đông Nam Á lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội, nhiều tham luận và chia sẻ về các vấn đề QTCT đã được đưa ra. Về tình hình QTCT tại Việt Nam, các đại biểu tham dự Hội nghị đồng ý vấn đề QTCT của Việt Nam cần nhiều nỗ lực đến từ phía cơ quan quản lý cũng như các thành viên thị trường.

Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý, UBCK và các cơ quan liên quan cần hoàn thiện khung pháp lý cập nhật tình hình thực tiễn trong nước và các thông lệ QTCT phù hợp để doanh nghiệp triển khai.

Ví dụ, đối với Thông tư 121/2012/TT-BTC, chúng ta cần có những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về thành viên Hội đồng quản trị độc lập, vai trò của kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ và tiểu ban kiểm toán, quy định về giao dịch với các bên liên quan…

Đi kèm với khung pháp lý là việc giám sát tình hình tuân thủ pháp luật trên thị trường và thực thi các quy định về công khai, minh bạch với cơ chế xử phạt hợp lý.

Để có thể thực hiện được điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều cơ quan ban ngành giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBCK và các sở GDCK.

Thứ hai, cần tăng cường thực thi và triển khai các kế hoạch liên quan đến QTCT. Nhà nước là cổ đông lớn của các doanh nghiệp tại Việt Nam, do đó, chủ sở hữu Nhà nước phải tiên phong trong việc tăng cường QTCT.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Viện QTCT hoặc một trung tâm QTCT nhằm mục đích cung cấp các khóa đào tạo có chứng chỉ cho các quản trị viên và thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá liên quan đến QTCT là rất cần thiết.

Cuối cùng là khu vực tư nhân. Đối với các doanh nghiệp cần phải nâng cao ý thức cũng như nhận thức liên quan tới việc phát triển QTCT, đặc biệt là các quản trị viên vì đây là những con người có quyền đưa ra quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến các bên có quyền lợi liên quan của doanh nghiệp.

Một khi thay đổi được nhận thức của các quản trị viên thì công tác QTCT doanh nghiệp sẽ đi vào thực chất, từ từ nâng cao chất lượng QTCT ở tầm quốc gia.

Đối với các nhà đầu tư và cổ đông, sự hiểu biết cơ bản về các vấn đề QTCT của doanh nghiệp cũng như tích hợp các tiêu chí QTCT vào tiêu chí lựa chọn cổ phiếu là điều quan trọng.

Điều này đồng nghĩa với việc họ nên hướng đến mục tiêu đầu tư dài hạn chuyên nghiệp hơn là các cơ hội đầu tư ngắn hạn trên thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến khích các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhà nước, cần tham gia nhiều hơn vào vấn đề QTCT của công ty như đánh giá, bổ nhiệm kiểm toán độc lập, yêu cầu cung cấp thông tin chất lượng tại các báo cáo của hội đồng quản trị, ban Kiểm soát…

Đồng thời, ngân hàng hay các tổ chức tín dụng cũng cần đưa vấn đề thực hiện QTCT vào danh mục xem xét kỹ lưỡng đối với các doanh nghiệp khách hàng.

Vậy để tăng cường thực thi về QTCT, có những giải pháp nào đáng quan tâm, thưa ông?

Để tăng cường thực thi về QTCT, xu thế hiện nay trên thế giới là ngoài các biện pháp thực thi truyền thống mang tính hành chính như ban hành văn bản luật, nghị định, thông tư…, còn cần có những biện pháp khác nhằm mục đích tăng cường nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện QTCT bằng cơ chế thị trường.

Những biện pháp này bao gồm việc sử dụng cơ chế “tuân thủ và/hoặc giải thích” (comply and/or explain), có nghĩa là công ty đại chúng thực hiện các nguyên tắc về QTCT, nếu không thực hiện thì phải giải thích lý do cho cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, đối với các nước trong giai đoạn đầu mới phát triển về QTCT thì cơ chế này cần bắt buộc thực hiện và giải thích thì phù hợp hơn khi các doanh nghiệp vẫn chưa tự nguyện thực thi các nguyên tắc về QTCT.

Bên cạnh đó, việc phát hành các tài liệu hướng dẫn liên quan tới QTCT hay xây dựng chỉ số QTCT, chỉ số xanh, đánh giá QTCT của các DNNY định kỳ… đều hướng tới mục đích xây dựng “văn hóa về QTCT” trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư để họ có ý thức và nhận thấy tầm quan trọng của QTCT đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh và sự tồn tại của doanh nghiệp. Đây là những biện pháp mà Việt Nam có thể học hỏi để áp dụng trong xây dựng một khuôn khổ pháp lý và hệ thống thực thi hiệu quả.

Theo chúng tôi, QTCT tốt cần một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, một hệ thống thực thi hiệu quả cộng với nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp.

Trong quá trình quản lý doanh nghiệp niêm yết trên HNX, chúng tôi ghi nhận việc một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng các thông lệ tốt về QTCT vào quá trình công bố thông tin như nộp báo cáo phát triển bền vững, báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, hay bước đầu áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế IFRS …

Tại HNX, câu chuyện về QTCT đã được nói đến từ năm 2009 và 2 năm gần đây, Sở đã chính thức tổ chức chấm điểm QTCT cho chủ điểm công bố thông tin và minh bạch. Thực tế, điểm yếu nhất của DN niêm yết hiện nay trong công tác này là gì và HNX có những khuyến nghị, nỗ lực gì để tiếp tục cải thiện tình trạng này, thưa ông?

Theo kết quả sau 2 năm triển khai chương trình đánh giá công bố thông tin và minh bạch của DNNY trên HNX, chúng tôi nhận thấy chất lượng thông tin của các doanh nghiệp này ở mức trung bình khá, thể hiện thông qua mức điểm trung bình 61,3/100 điểm. Kết quả này cao hơn kết quả đánh giá của ADB và IFC, do HNX xây dựng bộ tiêu chí dựa trên 5 nguyên tắc về QTCT của OECD, tập trung vào tính tuân thủ, trong khi ADB và IFC tập trung vào các thông lệ quốc tế.

Báo cáo đánh giá CBTT và minh bạch năm 2014 cho thấy, các DNNY đạt điểm thấp nhất trong 2 nguyên tắc: “Quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan” và “vai trò của hội đồng quản trị”.

Cụ thể, về vai trò của HĐQT, các DN niêm yết gặp khó khăn trong việc tìm kiếm quản trị viên độc lập theo quy định tại Thông tư 121/2012/TT-BTC. Một số DN vẫn tồn tại tình trạng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đồng thời, vai trò của các tiểu ban chuyên trách trong HĐQT chưa được lưu ý.

Bên cạnh đó, vai trò của ban kiểm soát trong quá trình giám sát và đánh giá hoạt động của HĐQT và kiểm toán độc lập cũng không được cải thiện.

Đối với quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan, phần lớn các doanh nghiệp chưa chú ý tới các vấn đề liên quan tới môi trường, xã hội, quản trị trong quá trình phát triển bền vững. Ban điều hành DN chưa gắn QTCT và quản trị rủi ro, gây ảnh hưởng tới quyền lợi nhà đầu tư và các bên có liên quan.

Trong khi đó, đối với nhà đầu tư, QTCT vẫn là một vấn đề mới. Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa nắm rõ ràng các quy định về QTCT, do đó, quyền của nhiều nhà đầu tư đặc biệt nhà đầu tư nhỏ lẻ còn bị xâm phạm. Nếu nhà đầu tư được trang bị đầy đủ kiến thức về QTCT cũng sẽ là giải pháp thúc đẩy DN thực hiện QTCT tốt hơn.

Cải thiện QTCT, như tôi đã đề cập ở trên, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, thì điều cần nhất là có một lộ trình rõ ràng và có các tổ chức chuyên thực thi trách nhiệm này. Khi nhận thức về QTCT được thẩm thấu sâu vào cả DN và nhà đầu tư, tự thân công tác này sẽ được cải thiện và cải thiện thực sự.

Về phía HNX, vì nhận thức được rằng QTCT không phải là một quá trình ngắn hạn, cần phải có tầm nhìn và nỗ lực lâu dài mới có thể thành công nên chúng tôi đã và sẽ dành nhiều tâm sức cho công tác này để có thể tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và thị trường chứng khoán bền vững trong tương lai.

Tin bài liên quan