Trong tháng 3/2015, Tổ hợp công nghệ cao LG có quy mô vốn đầu tư 1,5 tỷ USD đã khánh thành nhà máy tại KCN Tràng Duệ (Hải Phòng)

Trong tháng 3/2015, Tổ hợp công nghệ cao LG có quy mô vốn đầu tư 1,5 tỷ USD đã khánh thành nhà máy tại KCN Tràng Duệ (Hải Phòng)

Cải thiện môi trường kinh doanh để đón dòng vốn mới

(ĐTCK) Tháng 3 ghi nhận sự chuyển biến đáng kể của dòng vốn đầu tư với sự kiện Tổ hợp công nghệ cao LG có quy mô vốn đầu tư 1,5 tỷ USD khánh thành nhà máy tại KCN Tràng Duệ (Hải Phòng); dự án Samsung Display quy mô vốn 1 tỷ USD chuyên sản xuất các loại màn hình có độ phân giải cao dùng cho điện thoại di động chính thức đi vào hoạt động tại Bắc Ninh. 

Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra lực hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.

Giành lại niềm tin

Mặc dù kết quả thu hút vốn đầu tư quý I giảm, song giải ngân lại tăng khá ổn định cho thấy niềm tin đã được cải thiện từ phía cộng đồng DN cũng như NĐT trong việc lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong năm 2015. Đặc biệt, DN đánh giá cao việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó có các thủ tục về hải quan nhằm tạo thuận lợi cho công tác xuất nhập khẩu.

Ông Lee Soon Sub, Tổng giám đốc Công ty TNHH BK Vina, 100% vốn Hàn Quốc, chuyên về sản xuất đồ dùng thiết bị nhà bếp có trụ sở tại Bình Dương chia sẻ, ông rất ấn tượng với môi trường đầu tư ở Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng cũng như những cải cách của Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh gần đây.

“Chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa hỗ trợ DN. Chúng tôi rất quan tâm tới sự thay đổi luật pháp, về thuế, thủ tục hải quan, cán bộ hải quan đã hướng dẫn nhiệt tình và có văn bản bằng tiếng Hàn để DN nắm bắt được thông tin một cách nhanh nhất, cụ thể. Sự thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện và hỗ trợ DN của các sở ban ngành đã tạo nên một môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn”, ông Lee Soon Sub nhận xét.

Không chỉ DN Hàn Quốc hài lòng, các DN Nhật Bản cũng là những ứng viên chung thủy và “nặng ký” nhất thể hiện quyết tâm làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Kết quả khảo sát năm 2014 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, có 66% DN nước này đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng hoạt động của mình trong vòng 1-2 năm tới. Đây là tỷ lệ khá lớn, thể hiện ưu tiên lựa chọn Việt Nam trong chiến lược sản xuất - kinh doanh trên phạm vi toàn cầu của giới công thương Nhật Bản. Tỷ lệ này cũng cao hơn hẳn mức độ uy tín của một số quốc gia vốn được cho là đối thủ trong cạnh tranh thu hút đầu tư với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Phillippines… 

Song cần mạnh mẽ hơn nữa 

Dù đã có những bước tiến đáng kể trong cải thiện môi trường kinh doanh, song theo đánh giá của các DN và NĐT, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để xóa bỏ những quan ngại về rủi ro mà họ có thể gặp phải. Trước hết là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện cũng như quá trình thực thi có nhiều khó khăn, thậm chí có thể nảy sinh tiêu cực hoặc thiếu minh bạch. Hiện có khoảng 50% DN Nhật Bản tỏ ra lo lắng về sự phức tạp của cơ chế, thủ tục thuế, hải quan bên cạnh tình trạng nội dung văn bản thiếu rõ ràng, nhiều thủ tục phải đăng ký, sự chậm trễ trong hướng dẫn… Một thực trạng kéo dài và chưa được cải thiện là việc mỗi DN phải đáp ứng, cung cấp rất nhiều tài liệu theo yêu cầu từ phía các cơ quan quản lý, liên quan đến nhiều lĩnh vực như: an toàn sản xuất, phòng chống cháy nổ, vệ sinh và bảo vệ môi trường, các loại hóa đơn chứng từ… Trong khi các cơ quan quản lý lại thiếu cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin và không công nhận kết quả kiểm tra của nhau. Điều này khiến DN mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, chuẩn bị nội dung trình bày với các đoàn kiểm tra…

Khẳng định quyết tâm cải cách để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2015, cơ quan chức năng phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, có dấu ấn trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN hoạt động hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Với việc 2 bộ luật quan trọng là Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 1/7 tới, cũng như một loạt bộ luật khác đi vào cuộc sống như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý vốn Nhà nước…, có thể kỳ vọng vào những chuyển biến mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh, khi tạo ra nhiều không gian mới, tạo ra sự chủ động cho NĐT.

“Với tư tưởng thông thoáng, cố gắng minh bạch nhất và động lực khuyến khích đầu tư kinh doanh một cách cởi mở nhất, tôi tin rằng sau khi 2 luật có hiệu lực, với Nghị định và Thông tư hướng dẫn làm tốt chắc chắn tạo ra môi trường tốt cho NĐT và DN. Từ môi trường này làm sao để các DN có làn sóng đầu tư mới phụ thuộc vào một loạt chính sách khác như: tín dụng, giải quyết nợ xấu, sửa đổi các bộ luật khác…”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Tin bài liên quan