Kết quả đánh giá thực tế ghi nhận thời gian nộp thuế giảm khoảng 110 giờ

Kết quả đánh giá thực tế ghi nhận thời gian nộp thuế giảm khoảng 110 giờ

Cải thiện môi trường kinh doanh: “chênh vênh” số báo cáo

(ĐTCK) Theo số liệu của Bộ Tài chính, thời gian nộp thuế đã giảm tổng cộng 420 giờ tính từ đầu năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, kết quả đánh giá thực tế từ DN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện chỉ ghi nhận 20% thời gian giảm nói trên.

Số liệu báo cáo “vênh” với thực tế?

Tại Hội thảo “Đánh giá tình hình 6 tháng thực thi Nghị quyết số 19/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh” do CIEM phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức, CIEM cùng USAID GIG đã đưa ra những đánh giá về kết quả 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19.

Cụ thể, về cải cách thủ tục hành chính thuế, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian nộp thuế đã giảm 370 giờ trong năm 2014, 50 giờ trong năm 2015. Tổng thời gian giảm đến nay là 420 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm (tương đương giảm được 78% số giờ thực tế), vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết. Tính đến ngày 23/9, có 98% DN thực hiện khai thuế điện tử ổn định. Mặc dù vậy, theo kết quả đánh giá thực tế từ DN do CIEM thực hiện, chỉ ghi nhận giảm khoảng 20% thời gian mà Bộ Tài chính đưa ra, tương đương khoảng 110 giờ.

Khảo sát cũng chỉ ra nhiều vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính thuế như thời gian xem xét hồ sơ hoàn thuế vượt quá quy định; chậm hoàn thuế; thiếu cơ chế liên thông phối hợp về đăng ký và nộp thuế giữa các cơ quan; DN không giải thể được do cơ quan thuế không quyết toán thuế…

Đối với cải cách hành chính về bảo hiểm xã hội, với nhiều giải pháp được triển khai, thời gian nộp bảo hiểm xã hội tuy giảm nhiều, song vẫn chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 49,5 giờ như yêu cầu.

Một số chỉ tiêu khác như cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; về tiếp cận điện năng; đăng ký sở hữu tài sản; cấp phép xây dựng; giải quyết tranh chấp hợp đồng; giải quyết phá sản DN… đều chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Nhận định chung về tình hình 6 tháng thực thi Nghị quyết 19, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu đều chưa có sự cải thiện đáng kể nào. Theo ông Cung, giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước dường như nói hai ngôn ngữ khác nhau. DN phản ánh nhưng cơ quan nhà nước chưa có những thay đổi phù hợp.

Sự phối hợp giữa các bộ ngành cũng đang có vấn đề. Những chỉ tiêu liên quan đến một bộ như khởi sự kinh doanh, bảo vệ NĐT, nộp thuế, nộp bảo hiểm thì việc triển khai khá dễ dàng, còn đối với những chỉ tiêu liên quan đến nhiều bộ, ngành như giấy phép xây dựng, đăng ký tài sản, thông quan…, việc triển khai khá ì ạch, gần như dậm chân tại chỗ. 

Nguyên nhân

Trước các ý kiến, phản ánh được đưa ra theo khảo sát của cơ quan tư vấn, đại diện một số bộ, cơ quan đã có những giải trình đáng lưu tâm.

Về vấn đề chậm ban hành các văn bản hướng dẫn cho Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, nguyên nhân là do quy trình lấy ý kiến phê duyệt gặp vướng mắc. Cụ thể, khi Văn phòng Chính phủ gửi ý kiến đến các bộ, ở đây là các thành viên chính phủ, để biểu quyết thông qua các quy định pháp luật, văn bản hướng dẫn luật thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi lại Bộ để nghiên cứu tiếp thu, dẫn đến mất thời gian, nên chính sách có phần chậm trễ.

Liên quan đến các ý kiến cho rằng, mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam quá cao so với các nước (tỷ lệ 32,5%), gây trở ngại cho DN nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam, đại diện Bảo hiểm xã hội đề cập đến bài toán liên quan tới mức hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó, mức đóng bảo hiểm gắn chặt với mức hưởng, mặt khác, Nhà nước muốn nâng cao chế độ an sinh xã hội nên nếu giảm thì cần phải nghiên cứu thêm và việc quyết định thuộc về Quốc hội.

Đối với các cải cách hành chính thuế, ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng Cục trưởng, Tổng cục Thuế cũng đã phản biện một số nội dung của khảo sát đánh giá. Về việc một số DN chưa tin tưởng vào cải cách nên vẫn thực hiện các thủ tục đã được cắt bỏ, ông Tuấn cho rằng, đây là vấn đề thuộc về nhu cầu kiểm soát nội bộ của DN, không do cơ quan thuế tác động.

“Tổng cục Thuế đã thực hiện công khai các thủ tục hành chính, quy trình trên website chính thức của cơ quan thuế, tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế tại các cấp. Tăng cường hỗ trợ truyền thông cho người dân, thường xuyên tổ chức đối thoại lấy ý kiến góp ý chính sách”, ông Tuấn cho biết.                                       

Tin bài liên quan