Cái “ghế” trong cổ phần hóa

Cái “ghế” trong cổ phần hóa

(ĐTCK) Cách đây hơn 10 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có tổ chức một hội thảo khoa học về cải cách mô hình của ngân hàng trung ương (NHTW).

Chuyện cũng chưa đến mức “nghiêm trọng” mà chỉ mới dừng ở mức trả lời cho câu hỏi: “Có nên đổi mới mô hình của NHNN hiện nay không?”.

Lý do đặt ra câu hỏi này là bởi, mô hình của NHNN thời điểm đó (và cả hiện tại) là cơ quan của Chính phủ, tính độc lập đương nhiên không lớn. Và cũng vì lý do này nên NHNN phải thực thi nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ “rất khó” hài hòa, chẳng hạn vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa phải kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, mô hình NHTW nhiều nước phát triển hầu hết theo hướng độc lập với Chính phủ hơn, với nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát lạm phát.

Tại hội thảo đó, nhiều mô hình và nhiều khuyến nghị đã được đề xuất, nhưng kết luận được rút ra là để thực thi… rất khó! Có những cái khó “rất đời”, không dễ trả lời, chẳng hạn như với mô hình cơ quan ngang bộ của Chính phủ thì Thống đốc NHNN sẽ mang hàm bộ trưởng, nhưng nếu tách NHNN ra độc lập thì Thống đốc sẽ mang hàm gì?

Rồi một câu chuyện khác, đó là sắp xếp lại chi nhánh NHNN thuộc các tỉnh/thành phố theo hướng chỉ còn chi nhánh cấp khu vực thay vì tỉnh nào cũng có một chi nhánh. Đề xuất này thậm chí còn khiến lãnh đạo của NHNN chủ trì hội thảo sau khi trao đổi bên lề với các phóng viên đến tác nghiệp phải “dặn dò” là: đừng vội đưa tin này vì đây mới chỉ là đề xuất. Ngoài ra, việc đưa tin như vậy có thể khiến lãnh đạo chi nhánh NHNN các tỉnh “hoang mang”.

“Nhiều người phấn đấu cả đời mới vào được vị trí này”, vị lãnh đạo NHNN chia sẻ.

Kể lại một câu chuyện cũ để thấy, yếu tố con người rất cần thiết phải đặt trọng tâm trong mọi đề án tái cấu trúc tại Việt Nam. Trong việc chậm trễ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa thì nguyên nhân con người cuối cùng cũng đã được nhắc đến.

Khi trao đổi với báo Đầu tư Chứng khoán cách đây gần 1 tháng, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã thẳng thắn chỉ ra một lý do quan trọng khiến tiến độ cổ phần hóa chậm so với kế hoạch đề ra là lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhà nước lo “mất ghế, mất quyền”.

Theo thống kê đến hết tháng 9, số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa năm 2015 đạt 94 doanh nghiệp. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm phải cổ phần hóa tới 200 doanh nghiệp, tức là trung bình 1 ngày phải thực hiện cổ phần hóa hơn 2 doanh nghiệp. Một con số không dễ triển khai.

“Mất ghế, mất quyền” là nỗi lo có thật. Trong ngành giao thông, thống kê đến giữa năm 2014, đã có ít nhất 8 chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thôi chức vì liên quan đến công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Rất nhiều doanh nghiệp lớn thay đổi nhân sự như Vinalines, TCT Xây dựng Thăng Long…

Chây ì thực hiện chỉ đạo cổ phần hóa cũng dễ bị mất chức mà làm triệt để thì cũng tương tự, ông chủ mới vào doanh nghiệp không dễ sử dụng lại bộ máy cũ. Vì vậy, làm từ từ hoặc cổ phần hóa có tính hình thức mà không thay đổi bản chất sở hữu là những giải pháp được ưu tiên lựa chọn.

Dù phát biểu có hoa mỹ tới đâu nhưng “phấn đấu cả đời” đề rồi mất quyền là điều khó được lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước chấp nhận. Cái “ghế” của cổ phần hóa nghe chừng không dễ xử!

Tin bài liên quan