Cải cách thể chế, cần sự đồng hành của cả doanh nghiệp

Cải cách thể chế, cần sự đồng hành của cả doanh nghiệp

(ĐTCK) Cải thiện môi trường kinh doanh đang là nhiệm vụ mà Việt Nam phải gấp rút thực hiện để tiến tới hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong năm 2015. Trong đó, không chỉ cần sự nỗ lực từ cơ quan quản lý, mà cần cả sự đồng hành của các chủ thể thực thi chính sách.

“Chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập”

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Khi nhận chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 19, chúng tôi thấy là thách thức lớn, nhưng quan trọng là muốn cải cách thực thì phải đồng hành cùng DN, lắng nghe và hiểu được DN gặp khó khăn gì; nhìn thế giới xem họ làm thế nào và ta quyết làm ra sao. Trên tinh thần này, hàng năm, chúng tôi đều cùng VCCI tổ chức đối thoại với DN, mục đích nhằm hiểu được phần nào khó khăn của DN không chỉ về thủ tục hành chính, mà còn để nắm bắt những vướng mắc thực tiễn xuất phát từ thể chế quy trình, thủ tục và sự công tâm của bộ phận công chức phục vụ.

Bộ Tài chính đang cùng các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc kết nối thực hiện chính sách một cửa, sử dụng chứng từ điện tử và áp dụng trong năm 2015 để sẵn sàng cho việc hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đồng thời hoàn thiện việc sửa đổi chính sách theo hướng rút ngắn quy trình, thủ tục để giảm thời gian thông quan cho hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong hoạt động.

“Tiêu chí đánh giá cần hướng tới cả khu vực kinh tế tư nhân”

Bà Đặng Phương Dung,  Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Nghị quyết 19/NĐ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh đã có những chỉ tiêu cụ thể. Đứng ở góc độ người dân, DN, chúng tôi muốn biết những cải thiện của Nhà nước có giúp sự phát triển của người dân, DN một cách cụ thể, thể hiện không chỉ ở việc ban hành chính sách, mà quan trọng là việc triển khai thực thi các chính sách trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiêu chí đánh giá của thế giới như các bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, hoặc các tiêu chí đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, cũng rất cần thiết khi hội nhập. Các bộ tiêu chí này đã được kiểm chứng ở nhiều nước, khi hội nhập, nếu không sử dụng các bộ chỉ số đánh giá chung, sẽ thiệt thòi cho không chỉ môi trường kinh doanh của Việt nam, mà cả đối với DN Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng vào các điểm mới này, trên cơ sở đó, các bộ, ban, ngành cần xoay quanh các tiêu chí để đạt được chỉ số này.

Ngoài ra, cần xác định hội nhập trong tiêu chí đánh giá là không chỉ phục vụ DN, tập đoàn lớn, mà cả vì sự phát triển của các DN vừa và nhỏ, khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, việc xây dựng, hoạch định cũng như triển khai thực thi các chính sách cũng cần tính tới các yếu tố thực tiễn của các khu vực kinh tế.

“Cần sự đồng thuận giữa cơ quan hoạch định và chủ thể thực thi chính sách”

Ông Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Các cải cách được thực thi trong thời gian qua, đặc biệt là các cải cách kinh tế đã góp phần hình thành thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, những cải cách đó đang đứng trước nhiều thách thức, khi bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi, do đó đổi mới thể chế kinh tế đang được đặt ra như một yêu cầu hết sức cấp bách.

Quốc hội khóa XIII đặt trọng tâm là thay đổi căn bản hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế theo hướng tự do hóa tối đa quyền tự do kinh doanh. Theo đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi công dân và DN được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ cải cách thể chế không chỉ là ban hành văn bản, mà là việc thực hiện văn bản đó như thế nào trên thực tiễn. Việc làm luật cũng không phải chỉ có luật, mà cần phải thay đổi môi trường theo hướng tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Là cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân, chúng tôi quan tâm đến việc thi hành pháp luật thế nào. Việc đó phụ thuộc vào Chính phủ, cơ quan chính phủ, DN và ngay chính người dân.

Là một chủ thể rất năng động và tích cực trong nền kinh tế, doanh nhân cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc tham gia vào cải cách. DN phải tạo lập niềm tin cho cơ quan quản lý nhà nước, để cơ quan quản lý nhà nước yên tâm tạo ra những khuôn khổ thông thoáng hơn, đồng thời cung cấp cho các cơ quan các thông tin thực tiễn để cơ quan nhà nước quyết tâm hơn trong cải cách thể chế. Bởi nếu không có niềm tin, cơ quan hoạch định chính sách sẽ thu hẹp các quy định, từ đó tác động không thuận tới hoạt động của DN.

Tin bài liên quan