Chi phí cho hãng tàu hiện đang là khoản chi phí nặng nhất đối với DN xuất nhập khẩu

Chi phí cho hãng tàu hiện đang là khoản chi phí nặng nhất đối với DN xuất nhập khẩu

Các loại phí vẫn “đè” doanh nghiệp

(ĐTCK) DN vẫn khổ vì đủ các loại phí, cả chính thức và không chính thức, đang đè nặng. Đặc biệt, đối với các DN kinh doanh xuất nhập khẩu, tình trạng “loạn thu phí” có chiều hướng gia tăng một cách đáng lo ngại.

Thực trạng nhức nhối này tiếp tục được các chuyên gia và DN bức xúc đề cập tại Hội nghị thực hiện Nghị quyết 19/NĐ-CP/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng cường toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID (GIG) vừa tổ chức tại Hà Nội. 

Cửa nào cũng phải có “một tí”

Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan, hiện là chuyên gia tư vấn Dự án GIG, đã chỉ ra nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến phí và thủ tục nộp phí đang ngày ngày lộng hành, làm khổ các DN.

Đơn cử, tờ khai hải quan mới yêu cầu là không quá 50 dòng, nhưng 1 lô hàng nhập khẩu của DN gồm hàng trăm mặt hàng, nếu tuân thủ đúng quy định thì DN phải làm thành hàng chục, thậm chí cả trăm tờ khai. Nhìn trên hải quan điện tử, lượng tờ khai này tuy không thành vấn đề, nhưng theo sau nó là cả tập tờ giấy nộp tiền mà DN phải hoàn thành, khiến phía ngân hàng cũng lúng túng.

Theo ông Bình, việc áp dụng triển khai thủ tục hải quan điện tử về cơ bản đã giảm được thủ tục giấy tờ, nhưng DN lại gặp khó vì khâu giám sát hải quan, nhiều trường hợp giấy tờ không giảm, mà còn phải nộp những khoản không chính thức.

“Không thể không nhắc đến hiện tượng đi qua cửa nào vẫn phải có chút gì đó. Với cửa khẩu có hàng nghìn lô hàng/ngày, mỗi lô cứ có ‘một tí’ là mỗi ngày có hàng tỷ đồng DN phải bỏ ra”, ông Bình bức xúc nói. 

Quy định thu theo mẫu, thực tế thu theo lô

Ở trường hợp khác, ông Bình thẳng thắn nêu lên thực trạng thu phí không minh bạch, rõ ràng trong xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ hiện nay. Ông Bình cho biết, theo quy định hiện hành thì việc thu phí tính theo mẫu kiểm dịch. Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu dăm gỗ ở miền Trung có văn bản phản ánh, mức thu phí kiểm dịch hiện nay không thu theo mẫu kiểm dịch, mà thu theo lô. Theo đó, một lô hàng 500 tấn là 1 lô kiểm dịch. Một tàu 40.000 tấn dăm gỗ xuất khẩu được chia ra làm 80 lô. Với mức thu phí kiểm dịch 544.000 đồng/lô, phí kiểm dịch cho 1 tàu hàng là 43,2 triệu đồng. Đối với dăm gỗ tươi thì DN phải nộp phí cao hơn nhiều, vì dăm gỗ tươi nặng gấp đôi dăm gỗ khô.

“Tôi đã cố gắng đi tìm ai đưa ra quy định thu phí này, nhưng khi xem tờ khai nộp phí của DN thì chỉ được nhìn thấy biểu phí phía sau, phần đầu quy định không thấy ghi rõ tên cơ quan, tổ chức nên không biết quy định này ở đâu, mà theo quy định, chỉ Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành về phí”, ông Bình cho hay. Đã vậy, nước nhập khẩu dăm gỗ không yêu cầu dăm gỗ phải kiểm dịch, nhưng cơ quan kiểm dịch thực vẫn yêu cầu và phí thì tính theo trọng lượng, nên 1 lô hàng phải chia làm nhiều lô kiểm dịch để tính phí. Đây là điều rất không minh bạch, khiến DN vừa tốn kém chi phí, vừa mất thời gian thực hiện thêm thủ tục.

Phải có giấy xác nhận, dù Luật không yêu cầu

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng chỉ ra tình trạng “phí đang làm DN rối loạn” trong vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm, cho dù cùng một luật quy định. Nơi thì tính phí theo trọng lượng, nơi thì tính theo mẫu, nơi thì tính theo trị giá. Liên quan đến việc thu nộp phí, Luật Hóa chất quy định, DN phải khai báo hóa chất, nhưng không quy định cơ quan nhà nước phải xác nhận. Tuy nhiên, có Thông tư của Bộ Công thương quy định thủ tục xác nhận khai báo hóa chất, theo đó một mặt yêu cầu DN phải khai báo hóa chất, một mặt yêu cầu DN phải có giấy xác nhận do cơ quan quản lý nhà nước cấp và DN phải trả phí là 200.000 đồng cho 1 xác nhận đó.

“Tôi cho rằng, việc đưa ra thủ tục xác nhận là không phù hợp, Luật không quy định phải có xác nhận, song Bộ lại yêu cầu vừa phải khai báo, vừa có xác nhận, mà còn đòi thu phí xác nhận, đó là điều không hợp lý. Thực tế nghe có vẻ đơn giản, 200.000 đồng/xác nhận thì không lớn, nhưng đối với 50.000 tờ khai hóa chất một năm, thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác”, ông Bình nhận xét. 

“Một cổ, hai tròng”

Cùng tình trạng bị khổ vì các loại phí đè nặng, nhiều DN xuất khẩu hàng dệt may bức xúc cho biết, họ còn khổ vì tình trạng “một cổ, hai tròng”, vừa phải chịu các loại phí từ cơ quan nhà nước, đồng thời phải chịu phí do các hãng tàu tự đặt ra.

Thực tế nhức nhối này trước đó đã được chỉ ra tại báo cáo kết quả khảo sát đánh giá tình hình thực hiện thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong khuôn khổ Dự án GIG. Theo đó, các số liệu khảo sát được công bố cho thấy, phần lớn các chi phí để nhận hàng nhập khẩu và hoàn thành thủ tục cho hàng xuất khẩu là chi phí cho hãng tàu và cước phí vận chuyển nội địa. Cũng theo báo cáo này, chi phí cho hãng tàu hiện đang là khoản chi phí nặng nhất đối với DN xuất nhập khẩu hàng hoá. Trong gần 10 loại phụ phí mà DN xuất nhập khẩu phải trả, có những khoản phí đa số các DN cho là bất hợp lý và chưa minh bạch như: phí xếp dỡ THC (96 USD/con’t 20’ thường, 140 USD/con’t 20’lạnh); phí mất cân bằng vỏ con’t CIC (55 USD/con’t); phí vệ sinh (8 USD/ con’t 20’ thường, 15 USD/con’t 20’lạnh); phí sửa chữa con’t.

Ngoài các khoản phí trên, chủ hàng là các DN nhập khẩu còn phải đóng thêm các khoản phí như phí thủ tục, phí hóa đơn... Đặc biệt, có những khoản phí lẽ ra đơn vị kinh doanh cảng thu như phí xếp dỡ THC, nhưng các hãng tàu vẫn thu với mức cao như trên và chỉ trả lại cho đơn vị kinh doanh cảng từ 30% đến 40% số phí đã thu.

Bên cạnh đó, nhiều DN phản ánh, năm 2014 còn phát sinh loại “phí tắc nghẽn cảng” do các hãng tàu tự đặt ra khi có hiện tượng tắc nghẽn hàng hoá nhất thời.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai doanh kinh doanh khó khăn hiện nay, việc gia tăng các loại phí và phụ phí lên hàng hóa nhập khẩu đang trở thành gánh nặng chi chí cho DN xuất nhập khẩu, làm giảm đáng kể hiệu quả kinh doanh của DN và làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ có vậy, ngoài các loại phí do cơ quan nhà nước ban hành và thu, tình trạng các hãng tàu tuỳ tiện đặt ra nhiều loại phụ phí còn gây thiệt hại cho DN xuất nhập khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam ở cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Vậy nhưng, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm, có thẩm quyền chưa có hành động rõ rệt nào để kiểm soát, chấn chỉnh.

Nhiều loại phí và phụ phí rất vô lý

Các loại phí vẫn “đè” doanh nghiệp ảnh 1

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
 

Sau khi đi khảo sát thực tế, tôi có cảm giác ở các nước đặt ra hàng rào kỹ thuật là để ngăn chặn hàng nhập khẩu vào, còn ở Việt Nam, tại một số nơi đặt ra hàng rào hình như là để chặn hàng xuất khẩu ra. Đây là điều cần phải xem xét vì đang làm khó cho xuất khẩu, thay vì khuyến khích DN đẩy mạnh xuất khẩu như chủ trương của Chính phủ. Nhức nhối khác là câu chuyện phí. Hình như cứ có cơ quan nhà nước xuất hiện là phí cũng xuất hiện, nhiều loại phí và phụ phí rất vô lý làm DN không thể “thở” được. Thu phí 43 triệu đồng/lô hàng thì còn đâu là lợi nhuận cho DN. Quả thật là rất khó khăn cho DN xuất nhập khẩu trong tình hình này.

Doanh nghiệp kêu mãi vẫn không được giải quyết

Các loại phí vẫn “đè” doanh nghiệp ảnh 2

Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
 

 Các loại phí và phụ phí chỉ có tăng, mà không có giảm, khiến DN “khóc dở, mếu dở”. Thời buổi kinh tế khó khăn, lợi nhuận rất ít ỏi, các DN chỉ cố gắng làm sao không bị lỗ để duy trì hoạt động kinh doanh, nhưng xem ra khó quá. Các loại phí và phụ phí ngày càng tăng làm DN đã khó lại càng thêm khổ. Nhiều loại phí bất hợp lý vẫn đang tồn tại, đè nặng DN mà không biết kêu ai để giải quyết, trong đó có cả phí từ cơ quan nhà nước và cả phí dịch vụ từ các hãng tàu. Mức phí dịch vụ từ các hãng tàu nhiều khi đặt ra một cách rất tùy tiện, không được kiểm soát, họ muốn thu thế nào thì thu. Hồi ách tắc container ở một số cảng lớn, phía cảng thu 1 thì họ thu 3. Giá xăng dầu thế giới từ năm ngoái giảm rất mạnh, nhưng họ vẫn “đè” DN ra mà thu phụ phí xăng dầu. DN “kêu” mãi mà tình trạng trên vẫn không được giải quyết. Tại sao ở một đất nước có luật pháp đầy đủ mà mãi vẫn không giải quyết được tình trạng này?
Tin bài liên quan