Các doanh nghiệp cần tự hỏi mình: Họ nhìn nhận bản thân ra sao?

Đổi mới trong kinh doanh ngày nay diễn ra dưới muôn hình vạn trạng. Charles Darwin đã từng nói, những loài sinh vật sống sót qua quá trình tiến hóa không phải vì chúng mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là do khả năng thích nghi tốt nhất với sự thay đổi. Nhận định này rất phù hợp với những doanh nghiệp ASEAN trong thời điểm hiện tại khi môi trường kinh doanh đang biến động một cách chóng mặt.

Thời điểm chín muồi để doanh nghiệp chuyển mình

Cơ cấu tiêu dùng thay đổi, công nghệ ngày một đột phá cùng với sự giàu lên nhanh chóng trong khu vực ASEAN là những yếu tố đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi.

Các doanh nghiệp cần tự hỏi mình: Họ nhìn nhận bản thân ra sao? ảnh 1

 Ông Sundara Raj, Giám đốc điều hành Dịch vụ tư vấn hoạt động tại Đông Nam Á của PwC

Một động lực khiến các doanh nghiệp ASEAN phải thay đổi là do trải nghiệm của người tiêu dùng ngày nay không còn bó buộc trong những sản phẩm hay dịch vụ thuộc một ngành nghề cụ thể. Ví dụ, khi khách hàng đã có trải nghiệm tốt với một tổng đài chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực viễn thông, họ sẽ kỳ vọng có được dịch vụ tốt tương tự từ trung tâm chăm sóc khách hàng của ngân hàng hay công ty bảo hiểm.

Những trải nghiệm này đang trở nên phổ quát và không bị giới hạn bởi ranh giới địa lý. Điều này tạo ra nhu cầu cấp thiết để thay đổi không chỉ về dịch vụ khách hàng, mà còn về toàn bộ quy trình hoạt động trong nội bộ.

Nhu cầu đổi mới này cũng đến từ quá trình đô thị hóa tăng nhanh và xu hướng xây dựng các thành phố thông minh, sự bao phủ của các thiết bị kết nối thông minh và yêu cầu được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục. Quan trọng hơn cả, chuyển biến tại thị trường thương mại điện tử, quá trình tự động hóa thông minh và những bước tiến lớn trong thanh toán sử dụng công nghệ blockchain là những yếu tố chính buộc doanh nghiệp phải đổi mới.

Lợi thế cạnh tranh từ công nghệ

Môi trường năng động tại khu vực ASEAN đang tạo nhiều cơ hội giúp doanh nghiệp trở nên khác biệt. Mặc dù các doanh nghiệp trong khu vực ở các mức độ trưởng thành khác nhau, họ đều đang tìm cách để tăng trưởng nhanh hơn, cải thiện năng suất và đáp ứng với thay đổi của người tiêu dùng.

Lấy ví dụ ở những định chế tài chính hiện đại trong khu vực, các đơn vị này đều có những mục tiêu khá tương đồng, đó là tạo được nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ để nắm bắt được nhóm khách hàng và nguồn doanh thu mới.

Tuy nhiên, cách thức để họ đạt được mục tiêu có thể hoàn toàn khác nhau, tùy thuộc vào “độ chín” của hạ tầng, nhân lực và quy trình hiện có.

Tại PwC, chúng tôi sử dụng phương pháp BXT để thẩm định và thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số từ 3 khía cạnh tương quan mật thiết với nhau, bao gồm: B - Chiến lược kinh doanh (Business Strategy), X - Trải nghiệm người dùng (User Experience) và T - Công nghệ đột phá (Emerging Technology).

Điểm cốt lõi của phương pháp này là, việc chuyển đổi kỹ thuật số không diễn ra đơn lẻ. Chúng tôi hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đánh giá những thử thách của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số một cách toàn diện từ 3 góc độ trên. 

Triết lý BXT của PwC cũng có thể vận dụng cho các doanh nghiệp đang phát triển và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Ví dụ, một doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tận dụng Chiến lược kinh doanh (B) lấy khách hàng làm trọng tâm để tạo ra Trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng (X) với Công nghệ đột phá (T) cùng mức chi phí thấp. Điều này giúp họ trở nên khác biệt.

Cần có sự chuyển hóa nhân lực

Khi công nghệ mới và tự động hóa ngày càng trở nên phổ biến, lực lượng lao động cần có sự thay đổi tương thích.

Theo kết quả nghiên cứu từ Khảo sát Lãnh đạo doanh nghiệp APEC năm 2017 của PwC, những vị thuyền trưởng này cho biết, họ đã nhận thức rõ yêu cầu đó.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát cảm thấy rằng, họ cần phải đi đầu trong việc đào tạo và nâng cao tay nghề người lao động. Ngoài ra, họ cũng tin rằng, đầu tư vào đào tạo liên tục sẽ giúp lực lượng lao động sẵn sàng hơn với thế giới kỹ thuật số. Hình thức đào tạo này bao gồm nhiều khía cạnh, bắt đầu từ các khóa đào tạo và học nghề tại công ty đến mở rộng các chính sách đãi ngộ để khuyến khích nâng cao kỹ năng của người lao động.

Các doanh nghiệp cần tự hỏi mình: Họ nhìn nhận bản thân ra sao? Họ đang hoạt động như thế nào trên thị trường? Mục đích hoạt động của doanh nghiệp là gì trong bối cảnh kinh doanh ngày càng phức tạp và luôn thay đổi? 

Sẽ có nhiều nghề nghiệp trong tương lai chưa xuất hiện ở thời điểm hiện tại và những công việc hiện tại có thể sẽ mất đi chỗ đứng trong tương lai gần. Như vậy, các công ty trong khu vực ASEAN sẽ cần phải thích nghi với sự thay đổi và xác định được những kỹ năng cơ bản giúp họ tồn tại được trong tương lai.

Theo Khảo sát Lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lần thứ 20 của PwC, đa số những kĩ năng được cho là sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai gần là những kỹ năng không thể thực hiện bằng máy móc, bao gồm tư duy chiến lược, khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề, lãnh đạo, sáng tạo, đổi mới và trí tuệ cảm xúc.

Thêm vào đó, thời đại của phân tích dự báo (predictive analytics) hiện đại đã đến và các doanh nghiệp cũng cần có sự đổi mới trong cách xử lý dữ liệu nhằm hiểu rõ hơn nhu cầu của người dùng để chủ động hơn khi xu hướng tiêu dùng thay đổi.

Các doanh nghiệp ASEAN nên đẩy nhanh quá trình phát triển nhân lực để khai thác tối đa lợi ích của dữ liệu, qua đó tăng tính cạnh tranh và năng suất kinh doanh.

Mục tiêu đổi mới rõ ràng

Các doanh nghiệp thường lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi không biết bắt đầu từ đâu. Ban đầu, các doanh nghiệp cần tự hỏi mình: Họ nhìn nhận bản thân ra sao? Họ đang hoạt động như thế nào trên thị trường? Mục đích hoạt động của doanh nghiệp là gì trong bối cảnh kinh doanh ngày càng phức tạp và luôn thay đổi?

Nếu trả lời được các câu hỏi trên, doanh nghiệp sẽ tìm ra được mục tiêu cuối cùng và lộ trình thay đổi rõ ràng. Chúng tôi tin rằng, các doanh nghiệp ASEAN đã sẵn sàng để tăng trưởng và đổi thay
Tin bài liên quan