Các cửa hàng tiện lợi và siêu thị vẫn tiếp tục đà tăng trưởng mạnh

Các cửa hàng tiện lợi và siêu thị vẫn tiếp tục đà tăng trưởng mạnh

Các “đại gia” bán lẻ thực phẩm đua tốc độ

(ĐTCK) Đang có một cuộc đua mới trên thị trường bán lẻ thực phẩm, mà ở đó các ông lớn như Vinmart, Co.op Food, Bách hóa xanh... đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng điểm bán, nhằm gia tăng thị phần.

Tham vọng của những “ông lớn”

Sớm nhìn ra bán lẻ thực phẩm là thị trường ngách rất màu mỡ, Saigon Co.op đã nhanh chân xây dựng thương hiệu riêng Co.op Food và chinh phục được khách hàng. Kể từ khi thành lập vào tháng 12/2008 đến tháng 12/2017, hệ thống này đã có 181 cửa hàng, trung bình mỗi năm có hơn 20 cửa hàng Co.op Food ra đời.

Tham vọng vươn xa hơn, Saigon Co.op đưa ra kế hoạch năm 2018 sẽ mở thêm 170 cửa hàng Co.op Food, cạnh tranh trực tiếp với Bách hóa xanh và nâng cao thị phần tại mảng vốn được cho là thế mạnh của mình suốt 10 năm qua.

Trước đó, sự xuất hiện và tiềm năng phát triển của Co.op Food thể hiện khả năng điều chỉnh tốt của Saigon Co.op trong bối cảnh cạnh tranh và nhu cầu khách hàng ngày càng cao. Bên cạnh đó, Co.op Food “sống khỏe” một phần cũng nhờ vai trò bà đỡ của Saigon Co.op - hiện sở hữu hơn 80 siêu thị trên cả nước.

Nếu như Co.op Food có kế hoạch phủ sóng thương hiệu trong năm 2018, mở rộng mạng lưới ở nhiều tỉnh thành thì Bách Hóa Xanh vẫn đang dừng chân tại TP.HCM. Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, hiện Bách Hóa Xanh có 361 siêu thị tại TP.HCM, đang phục vụ 252.700 khách hàng.

Dù các sản phẩm của Bách hóa xanh đang có biên lợi nhuận từ 15 - 30%, trong đó rau, quả, trái cây có biên lợi nhuận cao, khoảng 30%, còn đồ khô, gia vị, sữa… rơi vào khoảng 15 - 20%, nhưng chính CEO của Thế giới di động, ông Trần Kinh Doanh cũng thừa nhận, không thể đi nhanh trong mảng bán lẻ thực phẩm. Bởi muốn Bách Hóa Xanh có được tốc độ tăng trưởng tốt cần phải mất 1 - 2 năm để khách hàng quen với hệ thống, đến mua sắm thường xuyên.

Năm 2018, Thế giới di động cũng đặt ra kế hoạch tăng tốc cho Bách Hóa Xanh, dự kiến sẽ sở hữu 1.500 cửa hàng Bách hóa xanh trên thị trường với doanh thu từ 500 triệu đồng - 1,8 tỷ đồng/tháng. Ngay trên trang web của Bách Hóa Xanh, nhiều khách hàng đã bày tỏ nguyện vọng được trở thành đối tác, phối hợp mở siêu thị Bách hóa xanh tại các địa phương, mở ra khả năng bùng nổ số lượng cửa hàng trong thời gian không xa.

Tiếp đà tăng trưởng mạnh

Theo nhận định của CBRE, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị vẫn tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với sự mở rộng của các đơn vị hiện diện trên thị trường như Circle K, Vinmart... Tiềm năng của ngành hàng này vẫn còn rộng mở với xu hướng tiêu dùng hiện đại nhấn mạnh hơn đến yếu tố tiện lợi, trong khi nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu là không thể thay thế.

Trong khi đó, theo JLL, cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục phát triển với sự mở rộng của các nhà bán lẻ có thương hiệu. Tính đến quý I/2018, tổng diện tích mặt sàn loại hình cửa hàng tiện lợi đạt trên 62.000 m2, phần lớn tập trung ở các quận ngoại thành. Tỷ lệ lấp đầy toàn thị trường tăng 0,7% so với quý trước, với gần 6.900m2 diện tích sàn bán lẻ được thuê mới trong quý.

Một trong những yếu tố trở thành động lực tăng trưởng cho ngành bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ thực phẩm là sự hình thành và phát triển của các dự án nhà ở tại các khu vực mới, mở rộng các khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó, các tiện ích phụ trợ này cũng có tác động tích cực đến các dự án nhà ở và đối với dân cư sinh sống trong khu vực.

Không chỉ các ông lớn có tên tuổi trên thị trường bán lẻ đẩy nhanh cuộc đua mà ngay các chủ đầu tư cũng bắt đầu lấn sân vào miếng bánh bán lẻ 160 tỷ USD này. CBRE đưa ra thông tin,  một số chủ đầu tư trong nước cũng bước đầu tham gia thị trường bán lẻ thực phẩm thông qua nhiều hình thức như kết hợp với nhãn hàng nước ngoài hay tự kinh doanh vận hành.

Có thể kể tên sự hợp tác của Sơn Kim Land với nhà bán lẻ Hàn Quốc GS Retail, hay sự ra mắt của Qmart và Qmart+ của T&T, chuỗi siêu thị F-mart của FLC. Sự nhập cuộc ấy sẽ đem lại bức tranh sôi động, cạnh tranh khốc liệt hơn ở thị trường bán lẻ. 

Theo báo cáo “Ngành bán lẻ Việt Nam năm 2016” của Euromonitor, thị trường bán lẻ truyền thống chiếm 94% tổng doanh thu, trong khi thị trường bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 6%. Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng rằng ngành bán lẻ thực phẩm hiện đại sẽ chiếm khoảng 20% doanh thu tại Việt Nam vào năm 2025.

Tốc độ đô thị hoá dự kiến sẽ đạt 38% với 870 đô thị và 45% với 940 đô thị vào năm 2015 và 2020. Quá trình đô thị hoá nhanh chóng ở Việt Nam đã đem đến nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ hiện đại. Người tiêu dùng sống ở các thành phố cấp 1 và cấp 2 có thu nhập cao hơn và dễ tính hơn với các sản phẩm mới và chất lượng sản phẩm so với khách hàng ở nông thôn.

Tin bài liên quan