Các công ty nông lâm nghiệp lỗ nghìn tỷ, ăn mòn vào vốn

Các công ty nông lâm nghiệp lỗ nghìn tỷ, ăn mòn vào vốn

Tuy có tỷ trọng tài sản cao hơn, song các doanh nghiệp nông nghiệp lại đang có kết quả kinh doanh và tình hình nợ nần u ám hơn so với khối lâm nghiệp.

Câu chuyện làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Hà Công Tuấn nêu lên tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015–2016; nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020, diễn ra sang 14/7.

Báo cáo của cơ quan quản lý cho thấy cả nước hiện có 254 công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118, trong đó có 120 công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 134 công ty lâm nghiệp.

Tính tới cuối tháng 12/2015, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty này là trên 40.500 tỷ đồng. Bình quân lợi nhuận trước thuế 3 năm (2012 – 2014) đạt gần 2.800 tỷ đồng, trong đó khối các công ty nông nghiệp chiếm tỷ trọng tài sản và lợi nhuận cao hơn khối lâm nghiệp.

Nhưng con số khiến Thứ trưởng Tuấn băn khoăn là hiện tổng số lỗ luỹ kế của các công ty nông, lâm nghiệp lên tới gần 1.100 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu. "Các công ty nông, lâm nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do sản xuất cầm chừng, thậm chí nhiều công ty trong số này đã dừng hoạt động...", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhận xét.

Lỗ luỹ kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp, với nhiều đơn vị lỗ trên 20 tỷ đồng như: Công ty TNHH MTV các phê Ia Châm lỗ 52 tỷ; Công ty TNHH MTV cà phê Ea Tul 40 tỷ; Công ty TNHH MTV cà phê Chư Quynh 33 tỷ; Công ty THNN MTV cao su Mang Yang 39 tỷ… Trường hợp cá biệt là Tổng công ty 15 – Bộ Quốc phòng lỗ luỹ kế lên tới 334 tỷ.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay, những công ty có số lỗ luỹ kế vượt quá 3/4 vốn chủ sở hữu sẽ đều thực hiện giải thể. Đến nay đã có 8 công ty nông nghiệp và 2 công ty lâm nghiệp tiến hành giải thể.

Không chỉ lỗ "ăn mòn" vào vốn, tình hình công nợ của số doanh nghiệp này cũng không mấy sáng sủa. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ vay của các công ty nông, lâm nghiệp tại 96 tổ chức tín dụng đã lên tới gần 6.500 tỷ đồng (tính tới cuối tháng 3/2016), chủ yếu là dư nợ vay trung, dài hạn. Riêng dư nợ vay của các công ty nông nghiệp trên 5.400 tỷ đồng.

Nợ xấu của nhóm này là gần 39 tỷ đồng, trong đó nợ xấu của các công ty nông nghiệp chiếm gần hết, tới 38,2 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và hạch toán ngoại bảng đối với khoản dư nợ gần 340 tỷ đồng tại 23 công ty nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc thu nợ của nhóm này gặp nhiều khó khăn do các công ty chỉ hoạt động cầm chừng, tình hình tài chính mất cân đối và không có nguồn trả nợ ngân hàng.

“Lợi nhuận của các công ty nông, lâm nghiệp không cao, thậm chí thua lỗ triền miên, mất vốn… nhưng hằng năm vẫn phải trả tiền thuê đất theo quy định, vì thế càng thêm khốn khó”, ông Tuấn lý giải.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp là một chủ trương đúng đắn, nhưng thực tế triển khai lại chậm, chưa đạt yêu cầu.

Về việc vướng kinh phí cho hoạt động đo vẽ, cấp giấy chứng nhận, Phó thủ tướng cho rằng, Nghị quyết của Chính phủ đã có, trong khi ngân sách trung ương chưa bố trí được thì các tỉnh nên chủ động bố trí ngân sách địa phương để ứng trước. “Trung ương không bao giờ nợ đâu, địa phương cứ ứng trước tài chính để triển khai, tránh chậm trễ như hiện nay”, Phó thủ tướng nói.

Băn khoăn nữa cũng được Phó thủ tướng nêu lên là một số đơn vị thua lỗ lớn do mất vốn Nhà nước, chậm chuyển đổi hoặc chưa chuyển đổi mô hình hoạt động… cũng là vướng mắc khiến quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp 2 năm qua còn chậm.

Đến 30/6/2016, Bộ NNPTNT đã tổ chức thẩm định mô hình sắp xếp, đổi mới cho 251 công ty (117 công ty nông nghiệp, 134 công ty lâm nghiệp). Thủ tướng đã phê duyệt cho 243 công ty (114 công ty nông  nghiệp, 129 công ty lâm nghiệp). Có 14 công ty nông, lâm nghiệp chưa xây dựng phương án hoặc phải xây dựng phương án bổ sung chưa được Thủ tướng phê duyệt.

Thể hiện quyết tâm phải hoàn thành mục tiêu đổi mới, sắp xếp lại số công ty này vào quý II/2017, Thứ trưởng Hà Công Tuấn kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đưa ra cơ chế tài chính đặc thù để gỡ vướng mắc về vốn đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

Tin bài liên quan