10 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt khoảng 260 triệu USD, giảm 5%

10 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt khoảng 260 triệu USD, giảm 5%

Cá tra vào Mỹ sẽ gặp khó từ tháng 3/2016

(ĐTCK) Bên cạnh thuế chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Mỹ, sắp tới, các DN xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ chịu thêm hàng rào kỹ thuật, đến từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Cụ thể, từ tháng 3/2016, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng quy định mới đối với các nhà cung cấp cá tra, trong đó yêu cầu thanh kiểm tra tại trang trại và xưởng chế biến của các nhà cung cấp trong và ngoài nước Mỹ. Việc kiểm tra sẽ thực hiện tối thiểu hàng quý trong suốt 18 tháng thử nghiệm.

Trao đổi với ĐTCK, bà Ngô Vi Tâm, Phó tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), một DN có tỷ trọng lớn về xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ cho rằng, các DN thủy sản trong nước đã nắm được thông tin trên và đã có những bước chuẩn bị nhất định. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì đây là những tiêu chuẩn giúp các DN trong nước “nâng cấp” hoạt động sản xuất để phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng mặt khác, nhiều DN thủy sản trong nước sẽ phải thay đổi lớn để đáp ứng các yêu cầu về quy định đầu tư, nuôi trồng.

CTCK Maybank KimEng (MBKE) nhận định, thị trường cá tra năm 2015 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến HVG, theo đó biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp do doanh thu từ thị trường Mỹ, nơi mà giá bán cá tra luôn cao nhất, sụt giảm.

Theo bà Tâm, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm có chính sách hỗ trợ ngành hàng cá tra. Trong đó, Chính phủ ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP đưa ra các quy định cho hoạt động từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu cá tra nhằm thực hiện theo dõi sát sao, cân đối sản lượng nguồn cung cá nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc.

Tuy mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã tạo những bước đi hết sức căn bản, đảm bảo cho sự phát triển dài hạn, đối phó các vụ tranh chấp, kiện tụng chống bán phá giá, yêu cầu truy xuất nguồn gốc và Đạo luật Nông nghiệp của Mỹ. Đó là triển khai quy hoạch lại vùng nuôi, cấp mã số vùng nuôi, yêu cầu về công bố thông tin, về tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm và đăng ký hợp đồng.

Lãnh đạo VHC cho biết, 11 tháng đầu năm 2015, Công ty đạt 210 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, dự kiến cả năm đạt khoảng 240 triệu USD.

Một DN có tỷ trọng lớn về xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ khác là CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG). Đại diện công ty này cho rằng, các quy định mới của Mỹ sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các DN thủy sản Việt Nam nói chung, HVG nói riêng. Trước đó, HVG đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá tạm thời ở mức 0,36 USD/kg.

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCK Maybank KimEng (MBKE) nhận định, thị trường cá tra năm 2015 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến HVG, theo đó biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp do doanh thu từ thị trường Mỹ, nơi mà giá bán cá tra luôn cao nhất, sụt giảm.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu cá tra toàn thị trường là 1,3 tỷ USD, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt khoảng 260 triệu USD, chiếm 20% tổng kim ngạch, con số này ghi nhận mức giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

MBKE dự báo, lợi nhuận sau thuế của HVG trong năm 2015 giảm 15%, xuống 246 tỷ đồng.

Tuy gặp bất lợi từ thị trường Mỹ, nhưng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA) sẽ có tác động tích cực đối với các DN thủy sản Việt Nam. Hiện HVG đã có những bước chuẩn bị để đón cơ hội từ VCUFTA như đầu tư xây mới và mở rộng thêm 3 nhà máy chế biến cá tại Tiền Giang, Sa Đéc và Bến Tre, 2 nhà máy chế biến tôm tại Sóc Trăng và 1 kho lạnh tại Bạc Liêu.

Thực tế, với thị trường Mỹ, do mức thuế cao, cộng với những quy định khắt khe, không ít DN thủy sản Việt Nam trong thời gian qua đã tính đến việc giảm, thậm chí không xuất khẩu sang thị trường này, mà chuyển sang các thị trường lân cận. Chẳng hạn, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), nằm trong Top những DN có kim ngạch xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, nhưng kể từ tháng 4/2014 đã không còn xuất khẩu các mặt hàng cá tra sang thị trường Mỹ.

Theo ông Võ Thành Thông, Phó tổng giám đốc AGF, thị trường Mỹ có mức thuế khá cao nên AGF chuyển hướng tập trung vào thị trường châu Âu, châu Á và Trung Đông. Bên cạnh đó, một trong những thách thức đối với các DN sản xuất và xuất khẩu cá tra hiện nay là tình hình cạnh tranh của sản phẩm thay thế như cá tuyết hay cá rô phi với nguồn cung ngày càng dồi dào và giá giảm, ảnh hưởng đến thị phần tiêu thụ cá tra, vị trí của cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Thông cho biết, tính đến hết tháng 11/2015, kim ngạch xuất khẩu của AGF đạt khoảng 55 triệu USD, trong đó 9 tháng đầu năm đạt 45 triệu USD.

Tin bài liên quan