Bước đột phá tư duy thứ hai sẽ thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp

Bước đột phá tư duy thứ hai sẽ thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp

(ĐTCK) Liên tiếp những tin vui từ con số thống kê về hoạt động của khu vực DN trong thời khắc chuyển giao từ năm 2015 sang năm mới 2016, với nhiều kỳ vọng về một làn sóng kinh doanh đã được khởi tạo từ những bước tiến được coi là cuộc đột phá thể chế lần hai.


Liên tiếp những tin vui từ con số thống kê về hoạt động của khu vực DN trong thời khắc chuyển giao từ năm 2015 sang năm mới 2016, với nhiều kỳ vọng về một làn sóng kinh doanh đã được khởi tạo từ những bước tiến được coi là cuộc đột phá thể chế lần hai.

Những con số ấn tượng

Theo thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau 5 tháng triển khai thi hành Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi (tính từ 1/7 đến đầu tháng 12/2015), đã có 41.400 DN đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký là 311.800 tỷ đồng, tăng 36,2% về số DN và 94,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, trong tháng 8/2015, số DN đăng ký mới tăng 84%, trong khi số vốn đăng ký tăng gấp đôi so với tháng 8/2014.

Cũng trong 5 tháng qua, đã có 447 DN FDI đăng ký thành lập DN trên Hệ thống Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, với tổng số vốn đăng ký là 9.322 tỷ đồng, đạt trung bình 20,8 tỷ đồng/DN. Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, kết quả này cùng với số lượng DN thành lập mới trong các tháng vừa qua liên tục tăng so với cùng kỳ năm 2014 là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, thể hiện tác động của luật đã có bắt đầu có hiệu ứng tích cực. 

Không chỉ có vậy, số liệu của Cục Đăng ký Kinh doanh cho thấy, số lượng mẫu dấu công khai trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký DN tính đến cuối tháng 11/2015 là gần 52.000 mẫu dấu. Theo bà Minh, đây là kết quả bước đầu tích cực khi người dân, DN đã thể hiện sự tự chủ trong các quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu.

Một con số ấn tượng khác được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh công bố tại cuộc họp Chính phủ với địa phương trong những ngày cuối  năm 2015 đó là, trong năm qua, cả nước có 94.754 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 601.519 tỷ đồng, tăng 26,6% về số DN và tăng 39,1% về số vốn đãng ký so với năm 2014. Vốn đăng ký bình quân/DN đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9%. Có 21.506 DN gặp khó khăn, ngừng hoạt động nay đã quay lại hoạt động, tăng 39,5%.

Dù vẫn còn DN trong tình trạng giải thể, tạm ngừng đóng cửa do khó khăn, song kết quả này cũng đã nói lên những chuyển biến tích cực trong hoạt động của cộng đồng DN kể từ khi 2 văn bản luật trên được đưa vào thực thi. 

Cuộc đổi mới tư duy, tạo đột phá thể chế

Bước đột phá thể chế lần hai, đó là cách mà nhiều người nói về công cuộc đổi mới tư duy tạo nên những bước ngoặt lớn trong tiến trình cải cách thế chế luật pháp được nhiều người dân và cộng đồng DN chờ đợi, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014 đã được ban hành và đưa vào thực thi với nhiều điểm mới tích cực. Những quy định đầy tư tưởng đổi mới đã thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của DN. Theo đó, những gì luật pháp không cấm thì người dân, DN được tự do đầu tư, kinh doanh.

Tinh thần này, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đã được thể hiện rất rõ ở sự thay đổi mang tính cách mạng từ phương pháp tiếp cận “chọn - cho” sang “chọn - bỏ” trong 2 bộ luật nền tảng cho hệ thống pháp luật về kinh tế và hoạt động của DN. Với tư tưởng và cách thức tiếp cận này, tất cả mọi hoạt động liên quan đến đều minh bạch, rõ ràng, loại bỏ được những sách nhiễu, tiêu cực của cơ chế "xin - cho". Đây được coi là cốt lõi trong công cuộc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ xã hội của bộ máy nhà nước mà Việt Nam đang tích cực hướng tới.

Tuy nhiên, đổi mới về tư duy mới chỉ là tiền đề tạo bước đột phá khởi đầu cho công cuộc cải cách thế chế. Một vấn đề lớn đặt ra hiện nay là làm sao duy trì được tinh thần đổi mới xuyên suốt trong cuộc cách mạng lần thứ hai này, để tư duy đổi mới ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, công chức bộ máy quản lý nhà nước và tạo ra bước đột phá thực sự trong thực tiễn thực thi. Đây cũng là lý do mà Bộ trưởng Vinh trăn trở với quá trình thực thi, nhằm biến nhưng tư tưởng đổi mới từ luật pháp thành hiện thực.

“Cải cách thể chế đã nói nhiều, xây dựng công phu để có được luật tốt, nhưng tư tưởng luật này đi vào cuộc sống e rằng vẫn còn hạn chế, vì thực thi pháp luật ở Việt Nam chưa tốt. Khi thực thi ở cấp cơ sở, người thực hiện đã xa tư tưởng người làm luật, nên chưa thống nhất. Quan trọng nhất là chất lượng của bộ máy cán bộ, nếu họ toàn tâm toàn ý với DN và người dân thì mới có thể đưa tư tưởng của luật tốt vào cuộc sống thực tiễn. Chỉ có như vậy, tư tưởng đổi mới về tư duy mới có thể làm nên cái kết có hậu cho công cuộc đổi mới không kém phần cam go phức tạp này”, Bộ trưởng nói.        

Tin bài liên quan