Thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng đang xấu đi, trong đó có các mặt hàng nông nghiệp

Thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng đang xấu đi, trong đó có các mặt hàng nông nghiệp

Bức tranh kinh tế đang kém sắc

(ĐTCK) Không tô hồng thực trạng còn nhiều khó khăn của nền kinh tế sau những gì đã diễn ra từ đầu năm đến nay là quan điểm chung của cả nhà quản lý và giới chuyên gia kinh tế. Thách thức còn nhiều ở phía trước, đòi hỏi sự nhận thức và cả những kịch bản chủ động ứng phó của các doanh nghiệp.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh về tình hình kinh tế vĩ mô tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này được giới doanh nghiệp và đầu tư chú ý. Trong đó có những thông điệp khá cụ thể về tình hình xuất khẩu, vốn là một trong những điểm mạnh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt nổi trội trong năm 2014. Đến năm 2015, lĩnh vực này tiếp tục đà tăng trưởng như chúng ta kỳ vọng đã không diễn ra.

Bộ trưởng Vinh cho biết, hai tháng gần đây thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng đang xấu đi, nhiều mặt hàng nông nghiệp đều không tiêu thụ được sản phẩm. Đơn cử như mặt hàng gạo, thị trường lớn là Trung Quốc đang hạn chế khiến xe chở gạo đứng trước nguy cơ ùn ứ tại Lào Cai. “Trung Quốc đặt ra yêu cầu là doanh nghiệp nào của họ muốn có quota nhập 1.000 tấn gạo thì phải tiêu thụ 1 ngàn tấn trong nước”, Bộ trưởng nêu ví dụ. Không chỉ có gạo, dưa hấu, nhiều mặt hàng của Việt Nam cũng đang ở thế khó khăn.

Báo cáo mới nhất được Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) công bố cho thấy, thủy sản đang tụt lùi rất mạnh. Trong đó, quý I, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 798 triệu USD, giảm 28,1% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất sang hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh như sang Mỹ giảm 55,8%, sang Nhật Bản giảm 27,6%.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất nước chia sẻ rằng, thủy sản Việt Nam đang rất khó khăn bởi bị cạnh tranh dữ dội về giá. Ở các nước như Ấn Độ, Thái Lan, những đối thủ chính của thủy sản Việt Nam, khi đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ khác, họ đã điều chỉnh tỷ giá với mức độ biến động tương ứng (hơn 10%) khiến giá sản phẩm của họ rẻ đi tương ứng. Trong khi đó, tại Việt Nam, chúng ta đang thực hiện  việc neo tỷ giá theo đồng USD. Quyết định tăng 1% tỷ giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước hầu như chỉ có tác động nhỏ vì trên thế giới, mức độ biến động của các đồng tiền rất lớn.

Khi lựa chọn nhiều hơn, các nhà nhập khẩu có khả năng ép giá. Giá tôm chỉ còn chưa đầy 10 USD, giảm khoảng 20-25% so với cuối năm ngoái.

Đề cập đến biến động tỷ giá gần đây, chuyên gia Trần Đình Thiên chia sẻ quan điểm rằng, Việt Nam theo đuổi chế độ neo tỷ giá theo USD. Mặc dù điều này giúp làm giảm chi phí và rủi ro giao dịch nhưng đối với thị trường tài chính chưa hoàn thiện của Việt Nam nó lại tiềm ẩn những rủi ro tiềm tàng. Đồng Việt Nam bị đánh giá cao, gây áp lực lên tỷ giá, có thể dẫn đến đầu cơ. Mặt khác, đồng Việt Nam bị đánh giá cao không hỗ trợ xuất khẩu, ảnh hưởng đến kinh tế…

Những khó khăn vượt ngoài dự đoán của các doanh nghiệp cũng được thể hiện rất rõ qua số liệu về tình hình phát triển doanh nghiệp. Cụ thể,  trong quý I/2015 có 19.049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 2.565 doanh nghiệp giải thể, 16.175 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

Tuy những doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đa phần là doanh nghiệp nhỏ, song con số trên cho thấy nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2015 còn rất nhiều thách thức. Bộ trưởng Vinh cho rằng, nếu không tháo gỡ được mạnh mẽ các khó khăn thì tăng trưởng cả năm khó có thể đạt cao, mục tiêu 6,5% tăng trưởng GDP hoàn toàn không đơn giản.

Cho đến thời điểm này, giới chuyên gia cũng đồng tình rằng, kinh tế 2015 sẽ có nhiều khó khăn phía trước. Ngay như việc xử lý cục máu đông nợ xấu để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đang vô cùng phức tạp. “ Việc xử lý nợ xấu của VAMC là một thách thức vì hiện tổ chức này đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá, đã tổ chức 3 lần đấu giá nhưng đều thất bại”, ông Trần Đình Thiên dẫn chứng.

Trong khi đó, những biến động trên thị trường gần đây như giá  xăng tăng mạnh, tăng giá điện, tăng tỷ giá… khiến tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng đáng kể. Vào cuối năm 2014, khi kinh tế vĩ mô có nhiều số liệu lạc quan, Báo cáo chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Nielsen vẫn cho thấy người tiêu dùng đang phòng thủ. Ít nhất 8/10 người tiêu dùng của Việt Nam (86%) đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của họ trong hơn 12 tháng vừa qua để nỗ lực hạn chế chi tiêu cho gia đình bởi họ nghĩ rằng nền kinh tế vẫn đang rơi vào tình trạng suy thoái.  

Tin bài liên quan