Công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng, bảo hiểm… là những lĩnh vực vẫn còn tồn tại một số khó khăn và đang phải tiến hành tái cơ cấu

Công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng, bảo hiểm… là những lĩnh vực vẫn còn tồn tại một số khó khăn và đang phải tiến hành tái cơ cấu

Bức tranh doanh nghiệp vẫn chưa sáng

(ĐTCK) Báo cáo Thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2014 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây đã cho thấy, có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm đối với hoạt động và sự tồn tại, phát triển của DN trong năm 2014.

Theo nhận định của Báo cáo, năm 2014 vẫn tiếp tục là năm khó khăn đối với hoạt động của DN. Điều này thể hiện qua tỷ lệ DN thành lập vẫn tiếp tục giảm sút cũng như số lượng DN giải thể vẫn tăng lên. Cụ thể, năm 2014, cả nước có 74.842 DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 432.286 tỷ đồng, giảm 2,7% về số DN và tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm 2013.

Số DN khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể của cả nước là 67.823 DN, tăng 11,7% so với 2013. Một điều đáng chú ý từ bức tranh DN năm 2014 là xét về quy mô vốn, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 DN trong năm 2014 đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013. Theo đánh giá của báo cáo, mặc dù chưa thoát khỏi khó khăn song xét trên khía cạnh quy mô vốn, DN thành lập mới đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013 và điều này cho thấy, môi trường kinh doanh đã được cải thiên, tạo niềm tin cho cộng đồng DN.

Về tình trạng DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, một xu hướng rõ ràng trong năm 2014 là số lượng tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm 2011 - 2013, đặc biệt là trong quý IV, cho thấy, DN vẫn gặp nhiều khó khăn dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện. Số lượng DN tạm ngừng hoặc giải thể phần lớn là DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93,6% tổng số DN trong nhóm và chiếm khoảng 18,4% tổng số DN đang hoạt động trong toàn bộ nền kinh tế. Điều này thể hiện các DN có quy mô vốn nhỏ là đối tượng chịu sự tổn thương nhiều nhất từ các biến động kinh tế, do đó rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ đối với nhóm này.

Một điểm đáng quan tâm từ báo cáo năm nay là sự phát triển của các DN có sự khác biệt theo lĩnh vực hoạt động. Theo kết quả khảo sát, năm 2014, hai lĩnh vực có xu hướng hoạt động tốt lên rõ rệt là kinh doanh bất động sản và hoạt động dịch vụ khác.

Theo TS. Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI, đại diện nhóm thực hiện báo cáo, đây là những lĩnh vực có số DN đăng ký thành lập mới tăng, trong khi số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng không đáng kể so với năm 2013. Theo lý giải của nhóm khảo sát, sự phục hồi trở lại của các DN trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản một phần nhờ vào các biện pháp của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Bên cạnh 2 ngành này, năm 2014 cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh về số DN thành lập mới trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi giải trí với tỷ lệ tới 75,2%; DN trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với tỷ lệ 33,8%. Đây là hai lĩnh vực có sự gia tăng mạnh nhất về số lượng DN thành lập mới, nhưng cũng là ngành có tỷ lệ DN phải ngừng hoạt động và giải thể thuộc nhóm cao nhất, lần lượt là 31,35% và 24,96%. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, theo đánh giá của báo cáo, tỷ lệ DN đăng ký thành lập tăng mạnh năm 2014, đặc biệt là xu hướng đầu tư ngày càng nhiều của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước cho thấy, có sự phục hồi trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, một số lĩnh vực cũng có sự gia tăng cả về tỷ lệ DN thành lập cũng như tỷ lệ DN phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, bao gồm công nghiệp chế biến chế tạo, giáo dục và đào tạo, sản xuất và phân phối điện, nước, gas, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, thông tin và truyền thông, vận tải kho bãi, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, theo kết luận tại báo cáo, thực trạng các DN phải ngừng hoạt động tăng cao hơn so với tỷ lệ thành lập mới cho thấy, những lĩnh vực này vẫn còn tồn tại một số khó khăn và đang phải tiến hành tái cơ cấu.

Cũng theo báo cáo, năm 2014, những lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với năm 2013 thể hiện ở số DN thành lập mới giảm trong khi tỷ lệ giải thể và ngừng hoạt động gia tăng mạnh, bao gồm bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy, xây dựng, khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kể, quảng cáo, khai khoáng. Theo khuyến nghị của nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo, đây chính là những lĩnh vực mà Chính phủ sẽ cần lưu ý để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các năm tiếp theo để thúc đẩy sự phát triển của các DN hoạt động trong lĩnh vực này.

Tin bài liên quan