Bộ Tài chính đã đưa vào Thông tư 200 một số quy định trong chuẩn mực kế toán mới của quốc tế

Bộ Tài chính đã đưa vào Thông tư 200 một số quy định trong chuẩn mực kế toán mới của quốc tế

Bộ Tài chính kiên quyết thực thi Thông tư 200

(ĐTCK) Dù dời địa điểm tổ chức sang một nơi rộng hơn, nhưng theo Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, đơn vị đứng ra kết nối cho buổi đối thoại trực tiếp giữa Bộ Tài chính với các DN về thực hiện Thông tư 200/2014 tại Hà Nội hôm 28/7, vẫn chưa đáp ứng hết số đơn đăng ký tham dự sự kiện của các DN. 

Còn rất nhiều băn khoăn, vướng mắc từ phía các DN về chế độ kế toán DN mới trước thời điểm bắt buộc phải áp dụng, từ kỳ lập báo cáo tài chính (BCTC) năm 2015.  

Chưa thực thi, DN đã kiến nghị sửa

Hàng trăm kiểm toán viên, kế toán trưởng, nhân viên kế toán đã tới dự buổi đối thoại và đặt câu hỏi, nêu kiến nghị với đại diện Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính.

Thông tư 200 được ban hành ngày 22/12/2014, có hiệu lực sau 45 ngày từ ngày ký ban hành, nghĩa là phải áp dụng từ kỳ lập BCTC bán niên 2015. Trước đề xuất của nhiều DN về việc thời gian có hiệu lực của Thông tư quá gấp, khiến DN không có đủ thời gian chuẩn bị cho việc áp dụng từ kỳ lập BCTC bán niên 2015 nên Bộ Tài chính đã quyết định lùi thời hạn áp dụng (ban hành theo Thông tư 75/2015). Theo đó, Bộ Tài chính cho phép các DN được áp dụng chế độ kế toán cũ (ban hành theo Quyết định 15) trong kỳ lập BCTC bán niên 2015, nhưng bắt buộc phải áp dụng Thông tư 200 từ kỳ BCTC năm 2015. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, đề xuất hoãn thời hạn thực hiện Thông tư 200 tiếp tục được đại diện một số doanh nghiệp nêu ra.

Theo phó phòng kế toán một tổng công ty lớn, việc cập nhật hệ thống phần mềm kế toán ở những doanh nghiệp lớn, áp dụng hệ thống quản trị như EPR, Oracle… không chỉ tốn kém tiền tỷ, mà tốn khá nhiều thời gian. Thời gian cập nhật không phải tính bằng vài tháng, mà mất tới cả năm. Do vậy, nếu đến cuối năm 2015, tất cả các DN phải thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư 200 sẽ gây khó cho DN.

“Nên chăng, Bộ Tài chính nới thêm thời gian để DN chuẩn bị các công việc: bồi dưỡng, tập huấn, trang bị kiến thức cho các cán bộ kế; bóc tách, tính toán lại, chuyển đổi số dư”, vị này kiến nghị.

Nhiều thắc mắc về những quy định mới tại Thông tư 200 từ các DN là khách hàng của các công ty kiểm toán cũng được các  kiểm toán viên hành nghề chuyển tới đại diện Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán; trong đó tập trung chủ yếu vào những quy định về theo dõi và ghi nhận các khoản mục có gốc ngoại tệ; đánh giá lại giá trị của bất động sản đầu tư. 

Theo bà Nguyễn Minh Hiền, Công ty Kiểm toán Deloitte, quy định kế toán phải theo dõi chi tiết tiền theo nguyên tệ gây nhiều khó khăn cho DN. Chẳng hạn, Vietnam Airlines có nguồn thu từ 157 ngoại tệ, việc phải theo dõi biến động của 157 ngoại tệ này khiến DN rất vất vả.               

Bộ Tài chính: Thông tư 200 hướng tới mục tiêu dài hơi

Ghi nhận những thắc mắc, kiến nghị của kiểm toán viên, kế toán viên, ông Trịnh Đức Vinh, Trưởng phòng Kế toán doanh nghiệp, Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính khẳng định, Thông tư 200 được xây dựng trên nguyên tắc hướng tới tuân thủ những chuẩn mực, thông lệ kế toán quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng thông tin kế toán và vì mục tiêu dài hạn. Bộ Tài chính đã tham khảo và đưa vào một số quy định trong chuẩn mực kế toán mới của quốc tế. Do vậy, việc áp dụng Thông tư 200 có thể chưa trơn tru ngay lập tức.

“Nếu để phù hợp với điều kiện, bối cảnh hiện tại thì đời sống của Thông tư sẽ rất ngắn ngủi”, ông Vinh nói.

Với thắc mắc của kế toán viên về việc đánh giá tổn thất bất động sản đầu tư là áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý là “Thông tư đi trước cả Luật” (dự thảo Luật Kế toán sửa đổi đưa ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp vừa qua có bổ sung nguyên tắc giá thị trường - giá trị hợp lý, PV), ông Vinh khẳng định, hoàn toàn không có chuyện này. Việc đánh giá tổn thất giá trị bất động sản đầu tư, theo ông Vinh, cũng tương tự như việc trích lập hàng tồn kho bất động sản và DN hoàn toàn có cơ sở để thực hiện điều này.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng nhấn mạnh, DN cần hiểu rằng, Thông tư hướng tới khuôn khổ pháp lý chung, áp dụng cho đại đa số DN. Nếu DN nào có vướng mắc có thể gửi công văn đến Bộ Tài chính, Bộ sẽ có hướng dẫn và điều chỉnh riêng sao cho phù hợp với đặc thù của DN.

Thông tư 200 của Bộ Tài chính được nhiều chuyên gia trong ngành cũng như kế toán trưởng đánh giá là có nhiều quy định mới, tiệm cận hơn với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, giúp thông tin kế toán phù hợp hơn với bản chất tài chính, nhưng gần đến ngày thực hiện, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.

Câu chuyện với Thông tư 200 cũng gợi liên tưởng đến Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước. Khi Thông tư 36 mới được ban hành, có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến nhìn nhận, Thông tư sẽ gây ra những tác dụng phụ rất lớn với TTCK. Nhưng nhìn sang TTCK Trung Quốc, trong rất nhiều nguyên nhân gây nên suy giảm mạnh của thị trường này trong thời gian qua, có một nguyên nhân là dòng vốn cho vay margin quá lớn trong vòng 1 năm trở lại đây nên khi margin bị siết đột ngột khiến bong bóng chứng khoán xẹp nhanh.

Bài học thận trọng, kiểm soát van tín dụng với TTCK lại được các chuyên gia kinh tế đặt ra với TTCK Việt Nam và Thông tư 36 được đánh giá là bước đi cần thiết và đúng đắn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững cho TTCK. Với cơ quan quản lý Nhà nước, như TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng phát biểu, cũng cần có bản lĩnh trước sức ép của dư luận, của DN.

Tin bài liên quan