Big Data là gì mà nhà nhà lao vào đầu tư?

Việc áp dụng công nghệ Big Data vào hệ thống kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam “cất cánh”, mang lại lợi nhuận khủng và tạo được lợi thế cạnh tranh vượt trội so với đối thủ.
Big Data là gì mà nhà nhà lao vào đầu tư?

Big Data đang “lên ngôi”

Báo cáo mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường IDC cho thấy, doanh thu đến từ thị trường Big Data sẽ tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2014 và sẽ tiếp tục tăng trưởng kép với tốc độ 27% và đạt đến 32,4 tỷ USD vào năm 2017. Nghiên cứu mới nhất từ IDC chỉ ra rằng, tại châu Á - Thái Bình Dương, nếu các doanh nghiệp tiếp cận dữ liệu một cách toàn diện thông qua điện toán đám mây, họ có thể tăng thêm 60% lợi nhuận từ tài sản dữ liệu, tương đương 278 tỷ USD.

“Dữ liệu chính là tiền bạc của doanh nghiệp hiện nay. IDC ước tính, các doanh nghiệp toàn cầu có thể có thêm 1.600 tỷ USD ‘cổ tức dữ liệu’. Nguồn thu này có được từ dữ liệu doanh nghiệp, tính theo doanh thu phụ trội, giảm chi phí và cải thiện năng suất trong 4 năm tới”, ông Dan Vessen, Phó chủ tịch Chương trình Siêu dữ liệu và các phân tích kinh doanh của IDC nói và cho rằng, những doanh nghiệp có cách tiếp cận dữ liệu toàn diện, sẽ kiếm được cổ tức dữ liệu cao hơn hẳn so với những doanh nghiệp tiếp cận một cách đơn lẻ.

Tại “Tọa đàm cấp cao các CIO - Khai phá sức mạnh dữ liệu” vừa diễn ra, ông Phạm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia đánh giá, các quốc gia, các doanh nghiệp và cộng đồng đang sống trong một thế giới mà di động luôn đi đầu, điện toán luôn đi đầu, bao phủ bởi những công nghệ kết nối ngày càng gia tăng. Trong thế giới đó, dữ liệu chính là nhiên liệu cho các hệ thống và dịch vụ thông minh. Với các mô hình điện toán thông minh, các tổ chức và doanh nghiệp sẽ có thể khai thác lượng dữ liệu đồ sộ hiện có, tối ưu hóa những dữ liệu này để vận hành tốt hơn.

Đại gia công nghệ chạy đua đầu tư Big Data

Việt Nam đang trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin là “đích ngắm” của nhiều nhà cung cấp giải pháp Big Data và phân tích kinh doanh dày dạn kinh nghiệm như Microsoft, IBM, Oracle, HP, Amazon… Hay cả những “tân binh” như Facebook và Google, cũng đang rất coi trọng khai thác và kiếm bộn tiền từ nguồn dữ liệu khổng lồ này, để đem lại lợi ích lớn nhất cho các doanh nghiệp khi tiếp cận người tiêu dùng.

Nhờ Big Data, năm 2013, Amazon đạt doanh thu tới 74 tỷ USD, IBM đạt hơn 16 tỷ USD. Big Data là nhu cầu đang tăng trưởng lớn đến nỗi từ năm 2010, Software AG, Oracle, IBM, Microsoft, SAP, EMC, HP và Dell đã chi hơn 15 tỷ USD cho các công ty chuyên về quản lý và phân tích dữ liệu.

Còn tại Việt Nam, FPT cho biết, doanh thu năm 2013 từ S.M.A.C (Mạng xã hội/ Bảo mật), Mobility (Công nghệ di động), Analytics Big Data (Phân tích dữ liệu lớn), Cloud (Điện toán đám mây) đạt 95 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, đến năm 2016, doanh thu từ S.M.A.C của FPT sẽ đạt trên 800 tỷ đồng, chiếm 10% doanh thu toàn cầu của Tập đoàn FPT.

Ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM Việt Nam cho biết, Big Data và các giải pháp phân tích kinh doanh đang trở thành trung tâm trong quá trình “chuyển mình” của IBM. Theo ông Tan Jee Toon,  mỗi ngày, nền kinh tế thế giới tạo ra 2.5 exabyte dữ liệu (tương đương dữ liệu chứa trên 625 triệu đĩa DVD). 80% lượng dữ liệu này là “phi cấu trúc”, chứa đựng nhiều tiềm năng, nhưng lại hầu như chưa được khai thác. Big Data và các công nghệ phân tích có khả năng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các ngành kinh tế và các nghề nghiệp. Vì vậy, những mô hình kinh doanh mới dựa trên Big Data đang được hình thành để giúp các tổ chức, doanh nghiệp tận dụng dữ liệu. Đây cũng là xu thế tất yếu trong tương lai không xa với doanh nghiệp Việt Nam.

Tin bài liên quan