“Bẻ lái” vào thực phẩm chức năng, Digiworld tin, nhiều người đang già đi và giàu lên...

Vượt qua Thế giới di động, FPT Shop, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) đã gia nhập vào mảng thực phẩm chức năng, thuốc không kê toa. Có vẻ Digiworld đang đi lại con đường đến với thị trường điện thoại 10 năm trước, nhưng cũng không dễ nói trước mục tiêu doanh nghiệp tỷ USD trong 10 năm tới.

Đá tảng chặn đường

Cho dù thế nào, Digiworld đã quyết làm kẻ ngoại đạo tiên phong trong lĩnh vực dược phẩm, như cách họ đã làm để trở thành nhà phân phối đầu tiên trong mảng công nghệ thông tin tại Việt Nam.

“Bẻ lái” vào thực phẩm chức năng, Digiworld tin, nhiều người đang già đi và giàu lên... ảnh 1

 Với doanh số khoảng 4,7 tỷ USD năm 2016, ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp nhắm tới. Ảnh: Lê Toàn

Trước đó, Chủ tịch HĐQT của Thế giới di động đã công bố tiến hành M&A các chuỗi dược phẩm với mục tiêu đến năm 2019 mảng này sẽ đạt con số hàng trăm cửa hàng trên toàn quốc. FPT Shop cũng sẽ tham gia vào lĩnh vực này trong thời gian tới trong kế hoạch phát triển đã dự liệu.

Ngoài ra, có thể kể tới một số tên tuổi đang đứng đầu thị trường, dù chiếm chưa đến 5% tổng thị phần, như Phano, Pharmacity, Phúc An Khang, Sapharco, Vistar, Mỹ Châu... Trong số này, chưa có chuỗi nào vượt 100 cửa hàng.

Nghĩa là, Digiworld là đang nhanh chân nhảy vào thị trường này, dù so với kế hoạch định trước đã trễ 2 tháng.

Cụ thể, Digiworld công bố sẽ tham gia vào mảng thực phẩm chức năng và thuốc không kê toa (OTC) với mức đầu tư 40 tỷ đồng và kỳ vọng đạt doanh thu 80 tỷ đồng năm nay và cán mốc 1.000 tỷ đồng hai năm tới.

Chủ tịch Digiworld đưa ra 2 lý do chính để tham gia vào mảng thực phẩm chức năng thông qua nền tảng dịch vụ phát triển thị trường (MES) đã hình thành nhiều năm qua.

Thứ nhất, tốc độ già hóa dân số nhanh khi đến năm 2030, số người cao tuổi Việt Nam có thể lên tới 18% tổng dân số và năm 2050 là 26%.

Thứ hai, Digiworld đặt kỳ vọng vào tầng lớp trung lưu. Đây là nhóm khách hàng mục tiêu của rất nhiều sản phẩm, dịch vụ, trong đó có thực phẩm chức năng. Thậm chí, mức tăng trưởng được dự báo ít nhất 10%/năm, đạt khoảng 33 triệu người đến năm 2020.

“Những gia đình trung lưu Việt Nam đang có ít nhất một loại thực phẩm chức năng trong nhà. Thị trường này còn phân mảnh, nên Digiworld muốn tập trung vào, chứ không phải vì có biên lợi nhuận cao. Chúng tôi tin, nhiều người đang già đi và giàu lên, khi đó thị trường sẽ nở ra rất nhanh”, ông Việt nói.

Tất nhiên, người ngoại đạo tiên phong đang nhìn thấy nhiều tảng đá gồ ghề trên đường. 

Nhiều người dùng vẫn thường áp đặt thực phẩm chức năng không đáng tin bởi cách kinh doanh đa cấp. Digiworld cần giải bài toán niềm tin trước tiên. “Thực phẩm chức năng không xấu, nhưng kênh bán hàng đa cấp làm cho sản phẩm trở nên xấu và người tiêu dùng không tin”, ông Việt thừa nhận.

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng (VAFF), thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2000, mới có khoảng 60 sản phẩm của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, đến nay cả nước có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán thực phẩm chức năng.

Digiworld còn cho rằng, ở các nước phát triển, thực phẩm chức năng chiếm 60% ngành dược phẩm, còn ở Việt Nam mới chỉ khoảng 20-25%, nghĩa là dư địa thị trường còn, nhưng phân mảnh khiến những người ngoại đạo như Digiworld sẽ gặp khó khăn trong một thời gian dài, từ 10-15 năm nữa.

Digiworld định làm gì?

Trong một “rừng” doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, Digiworld chọn Công ty cổ phần Dược phẩm Vinamedic để đi cùng, bằng việc thành lập công ty liên doanh, áp dụng MES cho sản phẩm Kingsmen.

Thực ra, Kingsmen đã ra mắt từ 2 năm trước, nhưng được bán chủ yếu qua kênh... truyền miệng tại thị trường miền Bắc. Theo lý giải của Digiworld, họ chọn Kingsmen bởi đây là sản phẩm tốt, có tiềm năng, nhưng chưa được khai thác.

“Sản phẩm tốt là phải đáp ứng nhu cầu sức khỏe của người dùng”, ông Đoàn Hồng Việt giải thích khái niệm “tốt” của mình.

Thực tế, Digiworld và Vinamedic đã cùng lên kế hoạch từ quý IV/2016 và tiến hành 2 kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Lần kiểm nghiệm đầu tiên để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và các thành phần hoạt chất, có đúng liều lượng công bố và có đáp ứng chức năng sức khỏe cho nam giới không. Kiểm nghiệm thứ hai là kết quả lâm sàng trên người sử dụng thì phải chờ đến tháng 11/2017 mới có kết quả.

Hiện tại, Kingsmen qua Digiworld đã hiện diện trên kệ của khoảng 1.000 cửa hàng thuốc lớn, nhỏ trên cả nước, dự kiến sẽ nâng lên 5.000 cửa hàng vào cuối năm.

Có 2 dạng chuỗi đang cung ứng thuốc trên thị trường. Thứ nhất là những chuỗi nhà thuốc chuyên sâu về dược theo kiểu Pháp như Mỹ Châu, Phúc An Khang… với doanh số chủ yếu là thuốc. Thứ hai, các chuỗi Medicare, Guardian... với các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe là chủ yếu.

Những gia đình trung lưu Việt Nam đang có ít nhất một loại thực phẩm chức năng trong nhà. Thị trường này còn phân mảnh, nên Digiworld muốn tập trung vào, chứ không phải vì có biên lợi nhuận cao.   

Ông Đoàn Hồng Việt cho biết, người tiêu dùng vẫn có thói quen mua thuốc tại chuỗi kinh doanh dược kiểu Pháp nhiều hơn. Nhưng, Digiworld vẫn sẽ phân phối trên cả hai kênh trên. Thêm vào đó, các điểm bán thuốc đơn lẻ đang phân phối khoảng 60% lượng thuốc cũng sẽ được chú ý trong ba kênh phân phối chính là bệnh viện, nhà thuốc và phòng mạch tư nhân.

Phân tích kỹ, cách Digiworld đang làm với thực phẩm chức năng không khác mấy những gì thương hiệu này đã làm với các thiết bị công nghệ, nghĩa là, bám vào dịch vụ MES từ phân tích thị trường, marketing, hậu cần, phân phối đến hậu mãi. Số tiền 40 tỷ đồng để đầu tư vào mảng này được dành chủ yếu cho các chi phí nghiên cứu, kho bãi và marketing.

Cửa hàng phân phối sẽ được gì khi liên kết với Digiworld?

“Chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh giữa Kingsmen với các thực phẩm chức năng có sẵn trong nhà thuốc. Sở trường của Digiworld là giải quyết vấn đề này, như hỗ trợ hàng gần hết hạn, đặt biển quảng cáo, nhân viên tiếp thị tại cửa hàng... Chúng tôi hiểu nhà bán lẻ muốn một lợi nhuận hợp lý, doanh số đều chứ không cần những sản phẩm có chiết khấu khủng, tới 40% chẳng hạn...”, ông Đoàn Hồng Việt chia sẻ.

Đại diện Digiworld ước tính, một sản phẩm đạt ngưỡng bão hòa trung bình khoảng 15 năm, còn hiện nay, thị trường thực phẩm chức năng mới bắt đầu. Nghĩa là, ít nhất cũng cần một nửa thời gian trên để thói quen người tiêu dùng thành hình.

Chủ tịch HĐQT Digiworld còn phủ nhận thông tin, biên lợi nhuận gộp thực phẩm chức năng trong giai đoạn cuối năm ước tính khoảng 65%, gấp 10 lần mảng ICT. “Nó không cao đến vậy, bởi giá trên một đơn vị sản phẩm thấp”, ông Việt khẳng định.

Cũng bởi ra mắt trễ hơn dự định nên kế hoạch năm nay, doanh thu 80 tỷ đồng vẫn được đảm bảo song mục tiêu lãi của thực phẩm chức năng sẽ khó thành hiện thực. Các kết quả này phải đợi đến giữa năm 2018 mới biết được.

Phần khác, đối thủ lớn nhất có mô hình tương đồng với Digiworld sẽ là DKSH. Theo công bố của DKSH, năm 2016, Công ty này đạt doanh thu 10,5 tỷ Franc Thụy Sĩ (CHF) (khoảng 11,1 tỷ USD) từ 4 ngành hàng, trong đó, ngành chăm sóc sức khỏe chiếm một nửa tổng doanh thu, với 5,5 tỷ CHF. Nhưng, theo ông Việt, DKSH không quan tâm đến thị trường châu Á, dù Bloomberg có nhắc tới việc DKSH tỏ ý muốn trở thành Amazon của ngành dược phẩm tại châu Á trong 50 năm tới với các dịch vụ từ đăng ký, marketing, phân phối và bán thuốc. Đại diện DKSH từ chối trả lời các câu hỏi liên quan bởi mảng kinh doanh này đang được Tập đoàn tái cơ cấu. 

“Chúng tôi tự tin là thấu hiểu nhu cầu, cảm xúc của người Việt Nam hơn họ”, ông Việt nói với phóng viên Báo Đầu tư.

Digiworld cũng sẽ tham gia vào mảng thuốc không kê toa, nhưng ít nhất phải đến năm 2018 mới thực hiện kế hoạch này và không đặt nhiều kỳ vọng bởi thị trường đã có quá nhiều đơn vị làm tốt như Phano, Phúc An Khang, Pharmacity...

Một báo cáo gần đây của Nhà tư vấn chiến lược Roland Berger cho biết, lượng tiêu thụ các loại thuốc không kê toa ở khu vực châu Á dự kiến sẽ tăng trung bình 6,2% mỗi năm từ năm 2016 cho đến năm 2021. Trong số các thị trường được nghiên cứu, Việt Nam cho thấy sự tăng trưởng cao nhất với 9,3%, tiếp theo là Malaysia (5,1%) và Đài Loan (3,6%).

Thêm vào đó, Digiworld còn bỏ ra gần 100 tỷ đồng để M&A một công ty đang phân phối các mặt hàng FMCG cao cấp, với tỷ lệ sở hữu từ 51-100%. Ông Việt cho rằng, Unilever và P&G đang nắm khoảng 60% thị phần FMCG tại Việt Nam, còn lại thuộc về những công ty như Mesa, Tập đoàn Phú Thái, Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến...

Công ty mà Digiworld nhắm đến hiện đã có cửa hàng bán lẻ với đa số sản phẩm cho thị trường ngách, hướng đến các hộ gia đình thu nhập cao.

“Họ là đơn vị có những lợi thế về logistics, thương hiệu với đối tác còn Digiworld sẽ là marketing và bán vào Co.opmart, Big C, cửa hàng tạp hóa,...”, ông Việt nói.

Digiworld là công ty niêm yết từ năm 2015 với giá niêm yết 28.300 đồng/cổ phiếu (sau khi chia tách trả cổ tức), nhưng kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9/2017, chỉ còn 16.000 đồng/cổ phiếu. Năm nay, kế hoạch doanh thu của Digiworld dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 4,5%, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 55 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2016.

Ông Đoàn Hồng Việt thừa nhận, tình hình sức khỏe cổ phiếu Digiworld đang đi xuống nếu dựa trên các con số trên báo cáo tài chính. Hiện, Digiworld cũng không có nhà đầu tư chiến lược, bởi theo quan điểm của lãnh đạo này, họ không có nhu cầu vì không cần đến know-how (bí quyết công nghệ) gì của đối tác. Còn bí quyết của Công ty là xây dựng thương hiệu, hiểu rõ người Việt thì điều này cũng không liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài.

“Chúng tôi đã sử dụng ERP 10 năm nay, nên khoảng cách về công nghệ với nhà đầu tư nước ngoài không khác biệt nhiều”, ông Việt tự tin.

Có thể Digiworld sẽ làm được điều gì đó, như là vẽ lại thị trường thực phẩm chức năng trị giá tỷ đô, nhưng đang manh mún, nhiều điều tiếng, song chắc phải chờ thêm ít nhất một thập kỷ nữa để nói về điều này.

Tin bài liên quan