Bàn về mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Qua mấy kỳ Đại hội, Đảng ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy những tiêu chí chủ yếu của “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” là gì? Việt Nam đang ở mức nào?

Việc tăng cường năng lực khoa học và công nghệ để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học và công nghệ mới nhất của thế giới cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới

Việc tăng cường năng lực khoa học và công nghệ để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học và công nghệ mới nhất của thế giới cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới

Những tiêu chí cơ bản

Có 3 nhóm tiêu chí phản ánh nội dung của 3 cụm từ “nước công nghiệp”, “cơ bản”, “theo hướng hiện đại”.

Thứ nhất là cụm từ chính “nước công nghiệp”, theo nghĩa đơn giản là nước có tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt đến một ngưỡng nhất định, nhưng cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn, gồm một số tiêu chí cơ bản.

(1) GDP bình quân đầu người tính bằng USD, đạt đến một ngưỡng nhất định. Nước công nghiệp phải là nước có thu nhập cao, nhưng nước có thu nhập cao chưa chắc đã là nước công nghiệp nếu như thu nhập cao nhờ khai thác tài nguyên, tỷ trọng công nghệ cao, nhưng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo thấp... Theo đó, nước công nghiệp có GDP bình quân đầu người đạt 5.000 USD trở lên.

(2) Tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản trong GDP từ 10% trở xuống (tiêu chí cũ là dưới 20%), hay tỷ trọng của 2 nhóm ngành còn lại (công nghiệp - xây dựng và dịch vụ) trong GDP từ gần 90% trở lên (tiêu chí cũ là trên 80%).

(3) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo 40% trở lên.

(4) Tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản trong tổng số lao động đang làm việc chiếm dưới 30%; hay là tỷ trọng lao động đang làm việc trong 2 nhóm ngành còn lại là từ 70% trở lên.

Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; chỉ số phát triển con người (HDI) tương đương với nhóm nước có thu nhập cao; tuổi thọ bình quân đạt tương đương nước phát triển...

Thứ hai, cụm từ “cơ bản” được xét theo 2 mặt: mức độ đạt được của từng chỉ tiêu - như 80% trở lên chẳng hạn; và xét chỉ tiêu quan trọng nhất, như GDP bình quân đầu người, hay tỷ trọng trong GDP trong tổng số lao động...

Thứ ba, cụm từ “theo hướng hiện đại” thể hiện trình độ phát triển, tùy theo điểm xuất phát của mỗi nước. Đối với các nước phát triển, thì hiện đại là gắn với kinh tếtri thức; đối với các nước đang phát triển, trong thời gian đầu là trùng với công nghiệp hóa, với tỷ trọng hàng công nghệ cao trong hàng công nghiệp chế biến, chế tạo.

Việt Nam đang ở mức nào?

Tại Việt Nam, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 2014 đạt 2.052 USD/người. Dự báo năm 2015, GDP tính theo giá so sánh tăng với tốc độ 6,4%. Với chỉ số giảm phát GDP khoảng 4% (năm trước 3,67%), thì GDP tính theo giá thực tế sẽ tăng khoảng 10,66% (năm trước là 9,87%).

Với tốc độ tăng dân số khoảng 1,07%, GDP bình quân đầu người tính bằng VND theo giá thực tế sẽ tăng 9,5%. Với giá USD bình quân tăng khoảng 3%, thì GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 2015 sẽ tăng 6,31% so với năm 2014 và đạt khoảng 2.181 USD/người. Nếu tốc độ tăng bình quân 5 năm tới bằng tốc độ tăng 9,5%/năm của thời kỳ 2012 - 2015, thì năm 2020 sẽ tăng 43,8% so với 2015, đạt 3.136 USD/người.

Mức bình quân trên bằng 62,7% so với mức bình quân theo tiêu chí của nước công nghiệp. Nói cách khác, dù có cụm từ “cơ bản”, theo tính toán sơ bộ trên, thì đến năm 2020 vẫn chưa thể đạt mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp”.

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng đưa ra dự báo thu nhập bình quân 3.200 - 3.500 USD/người, cao hơn con số trên, nhưng thấp xa với tiêu chí và đưa ra định hướng mới là “sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, mấu chốt là một số vấn đề, cũng là giải pháp sau: phục hồi tốc độ tăng trưởng GDP theo giá so sánh (đạt trên 7%); không nên kiềm chế lạm phát ở mức thấp quá như năm 2014 (tăng 1,84%) và 8 tháng đầu năm nay (tăng 0,61%), mà kiểm soát theo mục tiêu (5%).

Bên cạnh đó, cần ổn định tốc độ tăng của tỷ giá ở mức như bình quân thời kỳ 2011-2014 (tăng 2,05%/năm), hoặc cao hơn một chút (bằng tốc độ tăng của thời kỳ 2011-2015 - 2,24%/năm) - tương đương tốc độ tăng CPI của Hoa Kỳ. Muốn vậy, một mặt cần bảo đảm cán cân thương mại, tăng thu hút lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn; mặt khác tiếp tục khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa...

Tỷ trọng nông, lâm nghiệp - thủy sản trong GDP năm 2014 ở mức 17,70%. Tỷ trọng này, dù đã giảm so với năm 2010 (18,38%), nhưng so với tiêu chí nước công nghiệp thì còn xa. Đáng lưu ý là, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP mấy năm nay vừa thấp, vừa giảm. Với tiến độ này, việc đạt tiêu chí của nước công nghiệp là rất khó.

Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản đã giảm liên tục từ mấy năm nay, nhưng mức giảm bình quân mỗi năm chưa được 1%. Với tiến độ này, đến năm 2020, tỷ trọng trên vẫn ở mức trên 40% - còn cao hơn nhiều tiêu chí của nước công nghiệp.

Điều này khiến năng suất lao động của Việt Nam, dù đã tăng lên, nhưng chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các nhóm ngành và có sự đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, cần đưa vốn về nông thôn để thu hút lao động ở ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản sang làm công nghiệp, dịch vụ.

Tỷ lệ đô thị hóa tăng liên tục từ nhiều năm qua và năm 2014 đạt 33,1%, khả năng năm 2015 đạt dưới 35% - thuộc loại thấp trong khu vực và trên thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ này của Việt Nam đứng thứ 6. Với tiến độ như thời gian qua, đến năm 2020 cũng chưa đạt được tiêu chí nước công nghiệp.

Các chỉ tiêu còn lại của Việt Nam có tiến bộ, nhưng cũng còn hạn chế và đến năm 2020 vẫn thấp so với 6 nước trong khu vực. Về tính hiện đại còn thấp hơn, khi nông nghiệp chủ yếu là “lấy công làm lãi”; công nghiệp còn mang nặng tính “gia công lắp ráp”; dịch vụ còn thiếu chuyên nghiệp.

Nhìn tổng quát, dù đã có nhiều cố gắng và đạt những kết quả tích cực, nhưng đến năm 2020, Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng  hiện đại”.

Tin bài liên quan