Cần chú trọng kiểm soát, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện các đề án và chiều sâu, chất lượng của tái cơ cấu

Cần chú trọng kiểm soát, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện các đề án và chiều sâu, chất lượng của tái cơ cấu

Bài toán chiều sâu của tái cơ cấu

(ĐTCK) Hầu hết các giải pháp tái cơ cấu DNNN được triển khai theo chiều rộng, chất lượng tái cơ cấu chưa cao. Thực tế đang đòi hỏi phải đổi mới tư duy để đổi mới cách làm, đưa tái cơ cấu DNNN đi vào chiều sâu.

Các nhóm giải pháp tái cơ cấu DNNN

Hội nghị Trung ương 3 khoá XI năm 2011 chủ trương thực hiện tái cơ cấu DNNN, cùng với tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu thị trường tài chính, nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/TTg, với các nội dung: phân loại lại DNNN, thu hẹp diện DN 100% vốn nhà nước; thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tập trung vào ngành kinh doanh chính; đổi mới quản trị DN 100% vốn nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty; tái cơ cấu toàn diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (gồm mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề, chiến lược, đầu tư, thị trường, sản phẩm); hoàn thiện khung pháp lý cho tái cơ cấu; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đối với DN 100% vốn nhà nước; thúc đẩy cổ phần hóa; xử lý các vấn đề về tài chính, công nợ, đất đai, chế độ với người lao động, ngăn ngừa thất thoát tài sản; hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước.

Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như:

Bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, cơ chế, chính sách cho tái cơ cấu như: ban hành tiêu chí mới phân loại DN; quy định về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, về xử lý tài chính, công nợ, đất đai, chế độ với người lao động, minh bạch hóa thông tin, ngăn ngừa thất thoát tài sản; quy định về tập đoàn, tổng công ty, cổ phần hóa, chuyển giao DN, chuyển giao dự án, giám sát, đánh giá DN; quy định trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu và phân công, phân cấp thực hiện; xây dựng, hoàn thiện quy chế quản trị nội bộ.

Xây dựng, phê duyệt các đề án tái cơ cấu DNNN ở 3 cấp: bộ, ngành, địa phương; tập đoàn, tổng công ty; các DN.

Triển khai thực hiện các giải pháp theo các đề án được phê duyệt; trọng tâm là sắp xếp lại DN, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế…; triển khai thực hiện các thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp lý mới ban hành.

Sau hơn 3 năm thực hiện, nhiều DN, tập đoàn, tổng công ty đã được sắp xếp, cơ cấu lại; các cơ chế, chính sách được ban hành; khung pháp lý được sửa đổi, bổ sung; một số vấn đề phát sinh trước tái cơ cấu được triển khai xử lý như đầu tư dàn trải, nợ xấu... Điều đó cho thấy, tái cơ cấu DNNN đã có kết quả với những bước tiến triển mới. 

Một số tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, nhìn vào kỳ vọng và khả năng đạt được mục tiêu tái cơ cấu DNNN do Hội nghị Trung ương 3 đề ra, có thể thấy một số tồn tại, hạn chế về chiều sâu của tái cơ cấu và tác động của nó tới chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thứ nhất, cách thức tiến hành tái cơ cấu DNNN gần như vẫn theo cách cũ, đó là phân loại, sắp xếp các nhóm DN theo mức độ sở hữu nhà nước; xây dựng, phê duyệt đề án tổng thể và các đề án cụ thể để áp dụng các biện pháp cổ phần hóa, đa dạng hóa cùng với các cơ chế chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung.

Thứ hai, hầu hết các giải pháp được triển khai theo chiều rộng, nghĩa là chú trọng vào thu hẹp số lượng DNNN và quy mô, mức độ nắm giữ sở hữu nhà nước tại DN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn nhà nước ở các DN cổ phần hóa; dành quá nhiều thời gian cho các thủ tục phê duyệt, ban hành, trong khi chưa chú trọng kiểm soát, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện các đề án và chiều sâu, chất lượng của tái cơ cấu.

Thứ ba, chưa có nhiều biện pháp cùng các nỗ lực để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN đi vào chiều sâu, như cải thiện quản trị DN, đổi mới nhân sự, tạo sức ép thị trường lên DN, tạo động lực và trách nhiệm trong kinh doanh. Vì vậy, khó tạo ra những DNNN hiện đại (kể cả DN có vốn nhà nước chi phối), có sức cạnh tranh mạnh theo luật chơi của thị trường và hội nhập.

Thứ tư, chưa có những đột phá về cơ chế trách nhiệm ở cả cấp DN, tập đoàn, tổng công ty, cũng như ở cấp chủ sở hữu; còn lẫn lộn giữa nhiệm vụ kinh doanh và công ích, kinh doanh và quản lý nhà nước, quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. 

Đổi mới tư duy để đổi mới cách làm

Thực tế tái cơ cấu DNNN đang đòi hỏi phải đổi mới tư duy để đổi mới cách làm - chuyển mạnh về cách nghĩ và thay đổi cách làm, đưa tái cơ cấu DNNN đi vào chiều sâu.

Một là, thay đổi cách tiếp cận tái cơ cấu: tái cơ cấu ở cả cấp DNNN và ở cấp quản lý DNNN; tách bạch và phân biệt rạch ròi chức năng, quyền, trách nhiệm của 3 bên: một bên là DNNN và hai bên khác là cơ quan nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Hai là, đối với các DNNN, cần có các biện pháp xây dựng các DN này thành các DN hiện đại, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Giải pháp này áp dụng cho cả DNNN còn giữ 100% vốn nhà nước và DN tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa.

Ba là, tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện công khai, minh bạch; sử dụng hiệu quả thông tin từ công khai, minh bạch tại các DNNN cho cải thiện quản trị DN, đặc biệt là các DNNN cung cấp hàng hóa, dịch vụ công. Đây là công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng tái cơ cấu DNNN. Triển khai các biện pháp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tại các DNNN; mở rộng đối tượng giám sát, đánh giá công khai, minh bạch tại các DNNN, bao gồm cả các cơ quan có chức năng nghiên cứu, đánh giá về DNNN.

Bốn là, rà soát, xác định những DNNN đang song hành 2 chức năng: chức năng kinh doanh và chức năng quản lý nhà nước (như xây dựng chiến lược ngành, định giá sản phẩm, dịch vụ độc quyền…); tách chuyển chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh tại các DN này để xóa bỏ tình trạng bao cấp về chính sách, độc quyền nhà nước thành độc quyền DN.

Năm là, có cơ chế, chính sách và cách thức quản lý riêng đối với DNNN độc quyền, DNNN cung cấp sản phẩm, dịch vụ chưa có thị trường cạnh tranh (như trường hợp của EVN và một số DN khác). Chính sách và cách thức quản lý đối tượng này cần khác biệt với các DNNN cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Đối tượng DN này không được quyền quyết định giá sản phẩm, dịch vụ, mà cần có cơ chế xác định giá, giám sát giá (và chi phí) với sự tham gia của các đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ cùng với Nhà nước.

Sáu là, thực hiện cơ chế giám sát, đánh giá khách quan, độc lập đối với DNNN thay cho cơ chế giám sát, đánh giá hiện hành chỉ do cơ quan nhà nước thực hiện; sử dụng thêm các chuyên gia, nhà khoa học độc lập tham gia vào giám sát, đánh giá DNNN cùng với cơ quan nhà nước.

Bảy là, thực hiện chính sách thoái vốn đầu tư ngoài ngành và chính sách thoái vốn cổ phần nhà nước căn cứ vào thực trạng hiệu quả kinh doanh của DN. Với DN có vốn đầu tư ngoài ngành, DN đã cổ phần hóa đang kinh doanh có hiệu quả, tài chính lành mạnh, có tiềm lực tài chính, có triển vọng phát triển thì không bắt buộc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, hoặc thoái vốn cổ phần nhà nước ngay. Sự tồn tại của những DN này do thị trường quyết định.

Tám là, rà soát các loại, các kiểu bao cấp còn tồn tại với DNNN; kiên quyết thực hiện các biện pháp tạo sức ép buộc các DNNN phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh để tồn tại.

Chín là, xóa bỏ sự trùng lặp về chức năng chủ sở hữu nhà nước (kinh doanh thu lợi) với chức năng quản lý nhà nước (ban hành chính sách chung, tạo bình đẳng với mọi DN) của các bộ, ủy ban nhân dân để tách các DNNN ra khỏi môi trường dựa dẫm, xin ưu đãi và bảo hộ, buộc DNNN phải trở nên cạnh tranh hơn. Khẩn trương xây dựng, hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu để tổ chức này chuyên tâm, chuyên nghiệp thực hiện vai trò chủ sở hữu nhà nước, giúp Nhà nước trở thành nhà đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp hơn như tại các khu vực kinh tế khác.

Tin bài liên quan