Ái nữ của đại gia Lê Thanh Thản đánh giá thế nào về du lịch Việt Nam?

(ĐTCK) Xếp hàng nhiều km để đi cáp treo, khách sạn luôn trong tình trạng quá tải, khách hàng phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới nhận được phòng… những hạt sạn tưởng chừng “bé nhỏ” này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ khiến du lịch Việt lỡ nhịp với hội nhập, bà Lê Thị Hoàng Yến, Tổng giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán. 

Ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, minh chứng qua các con số như: tổng lượng khách du lịch ước đạt 4.706.324 lượt khách, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015; khách du lịch nội địa ước đạt 32,4 triệu lượt; khách lưu trú đạt 15,8 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 200.339 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tốc độ này dường như còn khoảng cách rất xa so với các thị trường cạnh trạnh trong khu vực. Bà nghĩ sao về điều này?

Những con số thống kê trên là một tín hiệu đáng mừng với ngành du lịch. Song chúng ta chưa thể vội mừng với những con số này, nếu nhìn trong mối tương quan và phân tích kỹ về tốc độ tăng trưởng của các thị trường trong khu vực. Đơn cử, năm 2010, Việt Nam đón 2,1 triệu khách quốc tế, tới năm 2015 đạt hơn 8 triệu khách, tức tăng gần 4 lần sau 6 năm. Trong khi cùng giai đoạn, Lào và Campuchia tăng gần 6 và 10 lần. Mức tăng trưởng được đánh giá là “gây bàng hoàng” một phần nhờ các quốc gia này có xuất phát điểm thấp hơn Việt Nam rất nhiều.

Mới đây, ngành du lịch Campuchia đã công bố mục tiêu thu hút gần 8 triệu khách du lịch vào năm 2020, đóng góp cho ngân sách quốc gia trên 5 tỷ USD và tạo việc làm cho trên 1 triệu người dân. Với tốc độ đó, nếu chúng ta không có giải pháp thì chẳng mấy chốc, Campuchia sẽ vượt Việt Nam về thu hút khách quốc tế. Chưa kể, lượng khách quốc tế đến Singapore, Thái Lan, Malaysia vẫn là con số trong mơ của ngành du lịch Việt Nam. 

Ở nhiều điểm du lịch hiện ghi nhận tình trạng quá tải, khiến du khách mỏi mệt, thất vọng, trong khi nhiều nơi lại rất thưa thớt. Vậy nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch này là gì?

Là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tôi cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành đều đang cố gắng để đạt được những tiêu chuẩn chuẩn mực và hoàn hảo. Nhưng du lịch là một ngành phát triển liên ngành và năng động. Đây vừa là điểm mạnh, cũng vừa là khó khăn trong quá trình cung ứng dịch vụ.

Ái nữ của đại gia Lê Thanh Thản đánh giá thế nào về du lịch Việt Nam? ảnh 1

 Bà Lê Thị Hoàng Yến, Tổng giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh

Một hệ thống liên ngành muốn phát triển mạnh cần phải có sự đồng bộ. Đồng bộ trong sự phát triển của từng doanh nghiệp, trong từng ngành nghề cấu thành ngành du lịch, trong đào tạo mỗi con người làm dịch vụ, nhận thức của người bản địa đối với việc làm du lịch và phát triển ngành du lịch.

Xét ở một khía cạnh khác, du lịch Việt Nam mới chỉ cung cấp sản phẩm đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của du khách, chưa cung cấp được dịch vụ thỏa mãn kỳ vọng ở mức cao hơn. Mặt khác, những động thái hay hoạt động xúc tiến du lịch chưa được đồng bộ dẫn đến việc khách hàng chưa nhận được đầy đủ thông tin về điểm đến.

Chúng ta cũng chưa chạm đến và làm rung cảm, hay thỏa mãn khát khao khám phá chiều sâu văn hóa, con người bản địa của du khách. Điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy và so sánh khi du lịch các quốc gia trong khu vực và thế giới. 

Bà vừa đề cập đến yếu tố năng động, đổi mới, bên cạnh tính đồng bộ, đó có phải là tiêu chí bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong ngành để nắm bắt được cơ hội?

Thực tế, sự năng động rất quan trọng đối với doanh nghiệp trong ngành này. Mỗi ngày, ngành du lịch đón nhận những vị khách mới với những sở thích, phong cách, kỳ vọng mới. Trong môi trường cạnh tranh, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ cho du lịch đòi hỏi phải có chất lượng cao, phong phú về chủng loại, phục vụ tốt nhu cầu cá nhân của từng khách hàng. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới và phát triển mỗi ngày.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh nói riêng bắt buộc phải đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tuyển chọn và sử dụng lao động có chuyên môn dịch vụ tốt, đáp ứng được nhu cầu của du khách. 

Như đã đề cập ở trên, áp lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các thị trường khu vực đang ngày một lớn. Ở góc độ một doanh nghiệp lớn trong ngành, bà có mong muốn và chia sẻ gì?

Bên cạnh việc chú trọng các đối tượng khách quốc tế, tôi cho rằng du lịch Việt Nam rất cần chú trọng đến lượng khách du lịch trong nước. Với tổng số dân hơn 90 triệu người với nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao, lượng khách du lịch nội địa sẽ trở thành một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy nền du lịch nội địa phát triển.

Người Việt ngày càng có nhiều cơ hội để ra nước ngoài, lượng khách hàng nội địa này sẽ mang đến cho nền du lịch Việt Nam những xu hướng mới, những đòi hỏi mới. Họ sẽ là những người bền bỉ nhất, kiên nhẫn nhất trong việc đòi hỏi nền du lịch nước nhà phải đổi mới và phát triển.

Tin bài liên quan