Cienco1 là một trong 2 doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông uy tín nhất Việt Nam

Cienco1 là một trong 2 doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông uy tín nhất Việt Nam

Ai đang là các ông chủ mới của Cienco?

Quá trình mua bán, sáp nhập (M&A) tại một số tổng công ty lớn từng do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ quản sẽ đi đến đích cuối cùng khi bộ này sớm thoái vốn nhà nước một cách triệt để cho đối tác chiến lược.’

Từ đối tác thành ông chủ

Khi đặt bút ký hợp đồng bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược vào giữa tháng 4/2014, ông Phạm Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco1) không thể ngờ rằng, Liên danh Yên Khánh - Hassyu lại chuyển vị thế từ đối tác thành ông chủ sớm như vậy.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại 3 tổng công ty vừa hoàn thành cổ phần hóa là: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco) 1, 4 và Tổng công ty Vận tải thủy cho các cổ đông chiến lược.

Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải xin bán toàn bộ 35% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ tại Cienco1 cho Liên danh Yên Khánh - Hassyu (đang nắm 36%); bán 35% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ tại Cienco4 cho Công ty cổ phần Đầu tư Tuấn Lộc (hiện nắm 16,5%); bán 20%/49% vốn điều lệ do Nhà nước nắm tại Tổng công ty Vận tải thủy cho Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường (hiện nắm 44,93%).

“Mức giá bán số cổ phiếu này bằng giá đấu bình quân tại phiên đấu giá lần đầu ra công chúng”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, không chỉ Cienco1 và 2 tổng công ty còn lại đều vừa mới tổ chức đại hội cổ đông lần đầu cách đây 1 - 2 tháng. Trong số này, Cienco1 và Cienco4 là hai doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông lớn và có uy tín nhất Việt Nam, trong khi Tổng công ty Vận tải thủy lại sở hữu đội tàu/sà lan vận tải sông lên tới cả ngàn chiếc cùng hàng trăm ngàn mét vuông cảng tại Hà Nội, Ninh Bình, Việt Trì, Hòa Bình.

Ngoài việc thuộc danh mục doanh nghiệp nhà nước không cần thiết phải giữ cổ phần chi phối, lý do khiến Bộ Giao thông - Vận tải quyết thoái vốn nhà nước một cách triệt để là nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh. Trước đó, Liên danh Yên Khánh - Hassyu; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc; Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường đã có tờ trình đề nghị mua phần vốn nhà nước còn lại của 3 tổng công ty.

Nếu đề xuất trên được thông qua, cả ba đối tác giữ vị trí cổ đông chiến lược không chi phối sẽ sớm chuyển thành cổ đông chi phối, thậm chí trở thành những ông chủ thực sự khi nắm trên 51% vốn điều lệ.

Được biết, hiện Cienco1 có vốn điều lệ 700 tỷ đồng; Cienco4 có vốn điều lệ 600 tỷ đồng và Tổng công ty Vận tải thủy có vốn điều lệ 327,7 tỷ đồng.

“Với quy mô vốn nói trên, các nhà đầu tư chỉ cần “rướn” thêm chút ít là sẽ hoàn thành được mục tiêu M&A”, một chuyên gia tài chính nhận định.

Không ngại lệch định hướng

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, cả 3 nhà đầu tư nói trên đều là những tên tuổi rất quen thuộc trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Cụ thể, trong tổ hợp Liên danh Yên Khánh - Hassyu, Hassyu là nhà thầu và nhà cung ứng thiết bị thi công cho nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn như Nhà ga Cảng hàng không quốc tế T2 Nội Bài, Dự án Cầu Vàm Cống, Dự án Xây dựng cầu Việt Trì theo hình thức BOT. Trong khi đó, Công ty TNHH Yên Khánh tuy là cái tên mới nổi, nhưng đang sở hữu quyền thu phí của tuyến đường bộ sinh lời nhất Việt Nam hiện nay - đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Thành lập năm 2005, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc có trụ sở tại TP.HCM từng trúng thầu thi công các công trình cầu vượt sông lớn, như cầu Sài Gòn 2, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… Đáng lưu ý là, Tuấn Lộc đang liên danh với Cienco4 đầu tư một số dự án BOT giao thông lớn, như cầu Cổ Chiên; Dự án Cao tốc Quốc lộ 3, Thái Nguyên - Bắc Cạn; ông Trần Tuấn Lộc, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc hiện là Phó chủ tịch HĐQT Cienco4.

Trong khi đó, Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường là nhà thầu tư nhân xây dựng công trình giao thông lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch Vạn Cường vừa được bầu là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy. Lãnh đạo cũ của Tổng công ty là ông Phạm Ngọc Đích đã phải nhường ghế Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cho lãnh đạo đối tác chiến lược nắm giữ 41% vốn điều lệ để xuống làm Tổng giám đốc. Ông Trần Hữu Luận, Tổng giám đốc “được” dịch chuyển xuống làm Phó tổng giám đốc.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, do có cùng ngành nghề hoạt động, nên việc thay đổi cơ cấu cổ đông sẽ không làm thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh của ba đơn vị, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ và người lao động.

Liên quan tới lo ngại về nguy cơ biến động nhân sự cấp cao tại 3 tổng công ty, ông Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cienco4 cho rằng, việc đi, ở không nên quá đặt nặng. Các cổ đông họ bỏ vốn đầu tư, giao cho mình điều hành, nếu không đáp ứng được yêu cầu, không mang lại hiệu quả, tất yếu sẽ bị đào thải và thay thế bởi người tài năng hơn. Điều đó chỉ tốt hơn cho doanh nghiệp, không có gì đáng lo ngại. “Khi các nhà đầu tư bỏ đồng tiền bát gạo đầu tư, mà “của đau con xót”, mình không làm được, thì họ sẽ thay. Điều này chỉ có lợi cho sự phát triển doanh nghiệp”, ông Hoa chia sẻ.

Tin bài liên quan