Ảnh Internet

Ảnh Internet

9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 120,7 tỷ USD

(ĐTCK) Điểm sáng nhất của nền kinh tế là kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với 17,15 tỷ USD vốn mới đăng ký và điều chỉnh tăng vốn, tăng hơn 53% so với cùng kỳ. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 9 và 9 tháng đầu năm, ngày 25/9 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tương ứng năm 2013 tăng 5,3%; năm 2014 tăng 6,7%). Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của 4 ngành quan trọng đều tăng tốt.

Cụ thể, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,7%; công nghiệp khai khoáng tăng 8,2%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải; nước thải tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Thực tế cho thấy, sản xuất của ngành chế biến, chế tạo tăng cao đã trở thành yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, ngành sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, nổi bật là ngành chế biến chế tạo, đây là điểm tích cực thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp phát triển. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2015, sản lượng tivi các loại tăng 45,5%; ô tô tăng 53,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành cơ khí, lắp ráp thiết bị điện tử.

Ngành dầu khí, cũng là một trong những ngành có kết quả khả quan. 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng khai thác dầu quy đổi trong nước ước đạt 20,3 triệu tấn; trong đó, dầu mỏ thô khai thác trong nước đạt 12,5 triệu tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2014; khí đốt thiên thiên dạng khí đạt 7,77 tỷ m3, tăng 1,8%...

Về chế biến dầu khí, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau hoạt động tương đối ổn định theo kế hoạch năm. Sản lượng xăng dầu các loại ước đạt 5,1 triệu tấn, tăng 25,7% so với cùng kỳ.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, nguồn khí PM3 vận hành không ổn định ảnh hưởng đến cung ứng điện khu vực Tây Nam bộ; tình hình hạn hán ở miền Trung - Tây Nguyên; hệ thống điện Bắc - Nam luôn trong tình tình trạng truyền tải cao để cấp điện miền Nam. Ước đạt 9 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014, điện sản xuất và mua ước đạt 118,5 tỷ Kwh, tăng 11,8%; trong đó điện mua Trung quốc ước đạt 1,3 triệu kwh, giảm 17,5%.

Tuy nhiên, bên cạnh những ngành sản xuất đạt mức tăng trưởng khá, một số ngành vẫn còn gặp khó khăn như ngành thép, xi măng, 9 tháng đầu năm 2015, sản lượng sắt, thép thô ước đạt 2,77 triệu tấn, bằng 99,8% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả khá khiêm tốn do một số sản phẩm quan trọng như nông, thủy sản và dầu thô suy giảm kim ngạch, dưới ảnh hưởng trên thị trường thế giới. Kim ngạch nhập khẩu đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Do đó, mức nhập siêu là 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất khẩu.

Cùng thời gian trên, số vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã ký kết đạt 2,729 tỷ USD, bằng 75,5% so với cùng kỳ trong khi mức giải ngân ODA đạt 3,3 tỷ USD, bằng 80,5% mức cùng kỳ.

Điểm sáng nhất của nền kinh tế là kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với 17,15 tỷ USD vốn mới đăng ký và điều chỉnh tăng vốn, tăng hơn 53% so với cùng kỳ. Như vậy, Việt Nam vẫn là điểm đến đầy tiềm năng của giới đầu tư quốc tế.

 Cần thực sự làm tốt....

Thảo luận về giải pháp phát triển kinh tế những tháng cuối năm, đại diện TP. HCM cho rằng, cần kích thích thị trường bằng các chương trình kích cầu bình ổn giá kết nối nông dân với siêu thị và với các tỉnh. Để tăng trưởng kinh tế cần chú trọng đến chính sách kích thích tăng tổng cung, nhưng phải trên cơ sở tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp chứ không phải từ tăng đầu tư.

Muốn vậy, trong điều hành nền kinh tế cần thực sự làm tốt các giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh…

Một số giải pháp Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra là tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao năng suất lao động. Dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn sẽ huy động khoảng hơn 600.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đề xuất cần tập trung các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh.       

Theo đánh giá chung, về tổng thể, nền kinh tế vẫn duy trì được sự ổn định vĩ mô, trên đà hồi phục. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ còn gặp nhiều bất lợi, sức cạnh tranh thấp và ngày càng yếu kém, bị động trong hội nhập…

Tin bài liên quan