6 tháng, Việt Nam chi gần 4 tỷ USD để nhập khẩu thép

Lượng thép nhập khẩu tăng đột biến gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
6 tháng, Việt Nam chi gần 4 tỷ USD để nhập khẩu thép
Ngành thép hiện đã đáp ứng được nhu cầu trong nước về các sản phẩm thép xây dựng, phôi thép, tôn mạ màu kim loại, cuộn cán nguội… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu những mặt hàng này.

Chi gần 4 tỷ USD để nhập thép

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thép trong tháng 6 đạt 1,84 triệu tấn, trị giá 820 triệu USD, tăng 8,3% về lượng so với tháng 5 và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, nhập khẩu thép đã vọt lên 9,66 triệu tấn, trị giá 3,8 tỷ USD, tăng 43,9% về lượng và 3,3% về trị giá. Như vậy, chỉ trong 6 tháng, lượng thép nhập khẩu về Việt Nam đã gần bằng 2/3 tổng lượng thép nhập khẩu trong năm 2015 (15,098 triệu tấn), đây là con số rất đáng phải suy nghĩ.

Trên thực tế, cơ cấu thép nhập khẩu chia làm 2 loại: Thép cần nhập khẩu (thép cuộn cán nóng, thép hợp kim) và không cần nhập khẩu (phôi thép, thép xây dựng, tôn mạ các loại). Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, để có đánh giá cụ thể về tác động của thép nhập khẩu đến thị trường trong nước như thế nào thì cần phải có sự bóc tách số liệu cụ thể từng mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu về.

Theo số liệu của Tổ điều hành thị trường trong nước, chỉ riêng tháng 6 phôi thép nhập khẩu đạt 128.000 tấn, tăng tới 81,6%, ước 6 tháng đạt 894.000 tấn, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so sánh với lượng phôi NK năm 2015 (2 triệu tấn) thì con số này đã chiếm gần 50% tổng lượng phôi nhập khẩuK của năm 2015, chiếm trên 28% thị phần phôi trong nước. Không chỉ phôi thép, các mặt hàng khác như thép dài, thép phế, tôn mạ màu… cũng đều có sự gia tăng về số lượng.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, thời gian qua, các sản phẩm thép và phôi thép nhập khẩu tăng đột biến, đe dọa nghiêm trong cho ngành sản xuất thép trong nước là do các DN đang nghe ngóng thông tin về việc Nhà nước có thể sẽ áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với một số mặt hàng phôi thép, thép dài và tôn mạ. Do đó, các DN nhập khẩu dự trữ hàng hóa để tranh thủ đầu cơ khi cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép nhập khẩu.

Một điểm đáng chú ý nữa là cơ cấu thị trường nhập khẩu thép vẫn không có gì biến chuyển và đi theo xu hướng xấu. Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 60% tổng lượng nhập khẩu. Tiếp đến là Nhật Bản chiếm 16%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 9,5%, Hàn Quốc chiếm 9,6%, Nga chiếm 4,5%. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách đẩy mạnh nhập khẩu thép ra nước ngoài do nhu cầu tiêu thụ nội địa suy giảm. “Vì vậy, ngành công nghiệp thép các nước đối mặt với nguy cơ sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt, trong đó có Việt Nam”, ông Dũng nhìn nhận.

Trông vào thuế tự vệ?

Còn nhớ, hồi năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2 triệu tấn phôi thép, trong đó có khoảng 75.000 tấn phôi "đội lốt" phôi thép hợp kim (chứa nguyên tố Crom)- loại thép mà Việt Nam cần nhập khẩu. Mặt hàng thép dài cũng vậy, số lượng thép cuộn và thép thanh (thép hợp kim và không hợp kim) nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 1,8 triệu tấn nhưng phần lớn là thép nhập khẩu “đội lốt” thép hợp kim chứa nguyên tốt Bo, Cr. Chính tình trạng thép “đội lốt” đã khiến cho các DN trong nước điêu đứng. Theo đó, thủ thuật của phôi thép chứa Cr là dùng công thức pha trộn một lượng rất nhỏ Cr (khoảng 3%) trong phôi thép, không khác biệt so với phôi thép thông thường và vẫn chỉ sử dụng để cán thép xây dựng nhưng được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0%, mà lẽ ra là 9% như phôi thép thông thường. Không có gì lạ khi tình trạng này hiện vẫn tiếp diễn sẽ tác động mạnh đến sản xuất trong nước. Ví dụ như, lượng phôi thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc đã đe dọa các nhà máy luyện thép trong nước, nhiều nhà máy buộc phải cắt giảm sản xuất, chỉ có khoảng 50% số nhà máy luyện kim còn hoạt động.

Theo dự báo của VSA, với tình hình dư thừa nguồn cung từ phía Trung Quốc, dự kiến thép giá rẻ từ nước này sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam vào cuối năm, khi bước vào mùa xây dựng. Sức tiêu thụ của thị trường trong nước là có giới hạn. Nếu Việt Nam không có các biện pháp tự vệ, phòng vệ, thép Trung Quốc giá rẻ sẽ khiến DN thép trong nước tiếp tục gặp khó và rơi vào tình trạng giảm công suất, thậm chí phá sản...

Đã nhiều lần, VSA cũng như DN thép “kêu cứu” lên Bộ Công Thương kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Cho đến nay, Bộ Công Thương đã 4 lần ban hành quyết định điều tra (gồm cả biện pháp chống bán phá giá và tự vệ) đối với các mặt hàng thép gồm: Thép không gỉ cán nguội (inox); thép dài và phôi thép (Bộ Công Thương ngày 18-7 có Quyết định áp dụng thuế tự vệ với 2 mặt hàng này, Quyết định có hiệu lực từ ngày 2-8 ); thép mạ (tôn mạ) và thép mạ kẽm phủ sơn (tôn mạ màu).

Dù vậy, theo bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), biện pháp phòng vệ thương mại không bao giờ đạt được sự hài lòng giữa các bên. Khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, người tiêu dùng ít nhiều chịu thiệt hại. Nhưng về lâu dài, nếu không có sự bảo vệ nào thì với “đại công trường” Trung Quốc sẽ không có ngành công nghiệp nào của Việt Nam có thể trụ vững. Do vậy, trong lúc nhập khẩu thép ngày càng tăng chóng mặt thì việc sử dụng van an toàn cuối cùng- biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước là cần thiết.

Tuy vậy, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, nhằm đối phó hữu hiệu các loại thép hợp kim trá hình, VSA kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật như xây dựng các quy định, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn nhập khẩu thép hợp kim nhưng chỉ sử dụng vào các mục đích thông thường, trong đó, phôi thép hợp kim. Một số DN đã đề xuất Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu phôi thép dưới dạng có phân bổ hạn ngạch (quota).

Tin bài liên quan