Bán lẻ là một trong 2 ngành được Vietnam Report đánh giá là “miền đất hứa” thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Bán lẻ là một trong 2 ngành được Vietnam Report đánh giá là “miền đất hứa” thu hút đầu tư trong thời gian tới.

5 lĩnh vực kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm tới

(ĐTCK) Khảo sát mới đây của Vietnam Report trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng FAST500 2018 đối với các doanh nghiệp tăng trưởng liên tục trong 8 năm cho thấy, các doanh nghiệp khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới 

Doanh nghiệp lạc quan

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, giai đoạn 2013 - 2017, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trung bình của FAST500 đạt 46,4%, tăng lên so với 42,4% của giai đoạn trước cho thấy doanh nghiệp tăng trưởng khá ổn định và vững vàng. Đây là tín hiệu đáng mừng, đem đến kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn kế tiếp.

Xét về loại hình doanh nghiệp, điểm nổi bật của tăng trưởng trong giai đoạn này là CAGR trung bình của cả ba khối doanh nghiệp đều tăng ở mức cao và ổn định, đặc biệt khối doanh nghiệp nhà nước có chỉ số tăng trưởng CAGR bình quân tăng đạt mức 38,7%, tăng lên 5% so với giai đoạn 2012 – 2016, cho thấy những cải thiện rõ rệt trong hiệu quả hoạt động kinh doanh, là những chỉ dấu tích cực đối với tiến trình cổ phần hóa.

Khảo sát các doanh nghiệp tăng trưởng FAST500 cho thấy, phần lớn doanh nghiệp thể hiện sự lạc quan trước kết quả kinh doanh năm 2017.

Những con số đã phác họa phần nào bức tranh thị trường hiện nay với tiềm năng tăng trưởng đến từ các ngành nổi bật như bất động sản và bán lẻ - những lĩnh vực được dự đoán sẽ trở thành “miền đất hứa” thu hút đầu tư mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước

- Vietnam Report

Trong đó, 62,9% đánh giá doanh thu năm 2017 tăng lên so với năm 2016 và hơn 60% nhận định lợi nhuận sau thuế tăng lên). Về kế hoạch dự kiến trong năm 2018, hơn 70% doanh nghiệp phản hồi sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong năm nay.

Mặt khác, các doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực là yếu tố đóng góp nhiều nhất đến tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm từ 2013 đến 2017.

Các doanh nghiệp FAST500 cho rằng chính tiềm năng phát triển của thị trường trong nước, thị trường khu vực cùng với những cải thiện từ môi trường đầu tư, kinh doanh và thủ tục chính sách đã tạo nên thuận lợi cho tăng trưởng của doanh nghiệp trong vài năm gần đây.

Ngoài ra, việc mở rộng thị trường hiện có, phát triển các dòng sản phẩm mới và phát triển các phân khúc thị trường mới cũng là những yếu tố được doanh nghiệp chú trọng và đã đạt hiệu quả đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Bất động sản và bán lẻ là những "miền đất hứa"

Theo kết quả khảo sát, đánh giá của phần lớn các doah nghiệp Fast 500 về những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong 3 năm tiếp theo cho thấy, Top 5 ngành triển vọng nhất là nông nghiệp sạch, công nghệ thông tin, công nghệ sạch, bán lẻ, du lịch - khách sạn.

Điều này cũng thể hiện xu thế phát triển trong tương lai khi doanh nghiệp dần đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tích hợp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cùng định hướng phát triển du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.

Phân tích về tiềm năng tăng trưởng theo kết quả khảo sát cho thấy, những năm gần đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ngành bán lẻ.

Ngay trong Bảng xếp hạng FAST500 năm nay, đây cũng chính là ngành có tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 3 năm từ 2013 - 2016 với mức tăng gần 30% so với giai đoạn 2012 - 2015, nằm trong Top 3 ngành có chỉ số tăng trưởng doanh thu kép cao nhất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, viễn thông, tin học, công nghệ thông tin và cơ khí vẫn giữ vững vị thế tăng trưởng với CAGR bình quân ở mức cao trên 50%.

Tiếp tục dẫn đầu thị trường với số doanh nghiệp đông nhất toàn bảng năm nay là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản - chiếm 29% tổng số doanh nghiệp.

“Những con số trên đã phác họa phần nào bức tranh thị trường hiện nay với tiềm năng tăng trưởng đến từ các ngành nổi bật như bất động sản và bán lẻ - những lĩnh vực được dự đoán sẽ trở thành “miền đất hứa” thu hút đầu tư mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước”, báo cáo phân tích của Vietnam Report nhấn mạnh.

3 thách thức lớn

Năm 2018, các doanh nghiệp nhận định 3 rào cản bên ngoài lớn nhất ảnh hưởng đến tăng trưởng là chi phí đầu vào tăng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh và vấn đề thủ tục hành chính.

Trong đó, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến vấn đề chi phí đầu vào, chủ yếu do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và cạnh tranh ngày càng gia tăng trong các ngành kinh doanh (với tỷ lệ lựa chọn tương ứng là 60,5% và 52,6%).

Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2018 là năm sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt đối hàng loạt ngành nghề do dư địa thị trường hấp dẫn, mở rộng nhiều chính sách ưu đãi trong nước thu hút các doanh nghiệp ngoại.

Đồng thời, xu hướng trong thời gian tới sẽ là sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn nhằm tạo nên giá trị cộng hưởng. Chính vì vậy, theo nhận định của các doanh nghiệp FAST500, hai nhóm đối thủ cạnh tranh lớn nhất phải “kiêng dè” trong năm nay là các doanh nghiệp nội địa lớn đứng đầu (50% phản hồi) và các tập đoàn đa quốc gia từ các nước phát triển đang tích cực gia nhập thị trường Việt Nam (41,2% phản hồi).

Trước tình hình thách thức, cạnh tranh đan xen, 83,8% doanh nghiệp cho biết sẽ ưu tiên tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận trên những thị trường hiên tại, Kế đến là tăng năng suất và mở rộng sang các thị trường mới với lần lượt số doanh nghiệp lựa chọn là 59,5% và 51,4%.

Đối với mục tiêu cải thiện triển vọng tăng trưởng, 73% doanh nghiệp xác định chất lượng sản phẩm và dịch vụ là yếu tố cần tập trung hàng đầu trong thời gian tới.

Tin bài liên quan