Hàng tiêu dùng duy trì tăng trưởng 2 con số
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2017, giá trị tiêu dùng cuối cùng đạt mức tăng ấn tượng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016, tích lũy tài sản cũng tăng 9,8%.
Dựa trên phân tích dòng chu chuyển vĩ mô, giới phân tích cho rằng, mức chi tiêu hộ gia đình cùng cầu tiêu dùng thị trường nội địa gia tăng mạnh trong thời gian qua là dấu hiệu tích cực cho thấy xu hướng tăng trưởng rất nhanh của các ngành hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống.
Dẫn báo cáo thị trường của Nielsen Việt Nam gần đây, nghiên cứu mới nhất về xu hướng tăng trưởng lợi nhuận của Vietnam Report cho thấy, nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh mà ngành hàng tiêu dùng nhanh trong các quý đầu năm 2017 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 3 năm qua, diễn ra ở tất cả 6 ngành hàng lớn, bao gồm nước uống, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá. Trong đó, các ngành hàng thực phẩm, sản phẩm chăm sóc gia đình và sản phẩm chăm sóc cá nhân đạt mức tăng trưởng kỷ lục, từ 12-14%.
Phân tích của các chuyên gia thị trường ngành tiêu dùng cũng chỉ ra rằng, sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) thuộc nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống còn thể hiện qua mức vốn hóa lớn của các DN này.
Theo Vietnam Report, tính đến cuối quý III/2017, tổng vốn hóa thị trường ngành này đạt khoảng 2,74 triệu tỷ đồng, tương đương 120,4 tỷ USD. Trong số các DN niêm yết có vốn hóa lớn nhất hiện nay, có 3 đại diện thuộc ngành thực phẩm đồ uống là Vinamilk, Sabeco và Masan, chỉ riêng 3 DN này đã chiếm gần 16,2% tổng vốn hóa toàn ngành.
“Trong bối cảnh thu nhập của người dân đang tiếp tục tăng nhanh, tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh, vốn FDI ghi nhận sự tăng vọt trong năm nay, cùng với triển vọng tăng trưởng ‘kép’ của ngành hàng tiêu dùng cho thấy một bức tranh rất sáng về xu hướng tăng trưởng lợi nhuận của ngành này năm 2018”, TS. Lê Thanh Tùng, thuộc Đại học Tôn Đức Thắng nhận định.
Công ty Nghiên cứu thị trường BMI Research dự báo, với kết quả tích cực trong năm qua, ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2018-2019, vào khoảng 10,9%/năm.
Cũng theo dự báo của hãng nghiên cứu này, ngành sữa dự kiến tăng trưởng 10% và nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung tăng mạnh ở nhóm hàng thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu, từ đó biên lợi nhuận sẽ duy trì mức tăng đều và mạnh, nhất là với các DN lớn.
Bất động sản-xây dựng, tài chính-ngân hàng tiếp tục sáng
Đối với bất động sản, giới chuyên gia cho rằng, ngành này sẽ vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” trong năm 2018. Thực tế cho thấy, sức mua tăng cao là lý do chính giúp lợi nhuận của các DN ngành này tăng đột biến trong quý III/2017.
Nhiều DN niêm yết công bố mức tăng trưởng lợi nhuận rất khả quan so với cùng kỳ, chẳng hạn: CTCP Bất động sản Phát Đạt tăng 252%, CTCP Địa ốc Đất Xanh tăng 219,1%, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức tăng 87%...
Lĩnh vực xây dựng cũng được dự báo sẽ có tốc độ phát triển cao nhờ mối liên quan chặt chẽ với sự phát triển của thị trường bất động sản. Dẫn phân tích của một số công ty phân tích thị trường uy tín trong khu vực, Nhóm Nghiên cứu thị trường thuộc Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, trong bối cảnh thị trường địa ốc đang hồi phục mạnh mẽ, cùng với sự ổn định tăng trưởng chung của nền kinh tế, lĩnh vực xây dựng sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2018 và có thể duy trì mức tăng đều từ nay đến 2025.
Trong top ngành tiên phong tăng trưởng được giới phân tích đánh giá cao về biên lợi nhuận là ngành tài chính-ngân hàng. Trong báo cáo của Vietnam Report, dẫn nhận định chung của đối tượng khảo sát gồm các chuyên gia, doanh nghiệp niêm yết và giới đầu tư cho thấy, hơn 45% đối tượng được hỏi đánh giá cao nhóm cổ phiếu tài chính-ngân hàng với lý do chính là có nhiều cổ phiếu tăng trưởng và có khả năng sinh lời tốt nhất trên thị trường chứng khoán trong năm 2018.
Lĩnh vực ngân hàng được giới phân tích đánh giá đã trở nên vững mạnh hơn sau quãng thời gian tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vừa qua. Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN được áp dụng sẽ bổ sung đáng kể nguồn vốn cho các ngân hàng trong cho vay trung-dài hạn, giúp các ngân hàng thu được tỷ lệ lãi cận biên (NIM) cao hơn hiện tại. Cùng với đó, xu hướng phát triển mạnh mẽ của mảng tài chính tiêu dùng cũng sẽ đóng góp khả quan vào mức tăng trưởng chung của ngành tài chính-ngân hàng.