2015, ngành than sẽ giảm xuất khẩu để hạn chế… nhập khẩu

(ĐTCK) Theo số liệu kết quả sản xuất - kinh doanh 11 tháng năm 2014 vừa công bố của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), tổng sản lượng tiêu thụ than trong 11 tháng ước đạt 31,8 triệu tấn, bằng 91% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ năm 2013. 
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trong đó, xuất khẩu 5,4 triệu tấn, đạt 67% kế hoạch năm và chỉ bằng 61% so với cùng kỳ năm 2013; tiêu thụ trong nước 26,4 triệu tấn, đạt 98% kế hoạch năm và bằng 126% so với cùng kỳ năm 2013.

Cân đối bài toán xuất - nhập khẩu

Đánh giá về năng lực sản xuất của ngành than hiện nay, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV khẳng định, thông qua việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức quản lý và đổi mới công nghệ, đến nay, sản lượng sản xuất hàng năm của ngành than đã tăng gấp 7 lần so với năm 1995. Năng suất theo đó cũng tăng gấp 4 lần, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu than trong nước và vẫn có thể dành một phần hợp lý để xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành than vẫn phải tính toán kỹ bài toán nhập khẩu và xuất khẩu than để đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là cung ứng đủ cho nhu cầu sử dụng trong nước trong điều kiện ngày càng khó khi mở rộng sản xuất.

“Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm, TKV sản xuất khoảng 40 triệu tấn than sạch. Năng suất tăng lên, sản lượng khai thác cũng tăng, song cơ cấu xuất khẩu đang hướng tới giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2010, ngành than xuất khẩu đạt 18,7 triệu tấn thì đến năm nay chỉ giảm còn khoảng 6,5 triệu tấn; trong đó, TKV xuất khoảng 6 triệu tấn. Từ năm 2015 trở đi, TKV dự kiến chỉ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, tập trung xuất khẩu đối với những loại than cục, than cám tốt trong nước, chưa có nhu cầu sử dụng để mang lại nguồn giá trị gia tăng”, ông Biên cho hay.

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu than, ông Biên khẳng định, nhập khẩu than là tất yếu bởi đây là nhu cầu đã được tính toán kỹ trong quy hoạch ngành điện và quy hoạch ngành than theo cơ cấu sản lượng ngành điện sau này sẽ chuyển sang sử dụng các nhà máy nhiệt điện chạy than trên một nửa. Năm 2015, ngành than vẫn có thể đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước, chỉ phải nhập khẩu khoảng vài trăm nghìn tấn để cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, đốt lò hơi trong các nhà máy công nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở đi, theo TKV, dù ngành than có tăng năng lực sản xuất tối đa các mỏ hiện nay và tiếp tục đầu tư phát triển thêm các mỏ mới thì cũng chỉ có khả năng đáp ứng được 2/3 nhu cầu sử dụng để phát triển của ngành điện theo quy hoạch, phần còn lại vẫn phải nhập khẩu.

Theo tính toán của TKV về cân đối sản xuất - cung cấp than đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, dự kiến sản lượng than nguyên khai thực hiện so với nhu cầu dự kiến hụt từ 10 - 15 triệu tấn/năm. “Nếu các dự án điện đi vào hoạt động đúng tiến độ thì dự kiến sẽ phải nhập khẩu bình quân từ 3 - 5 triệu tấn/năm và sản lượng nhập khẩu sẽ tăng dần theo nhu cầu sản xuất tăng lên hàng năm của các nhà máy điện. Trong trường hợp dự án chậm tiến độ thì khả năng nhập khẩu sẽ ít hơn”, ông Biên cho biết. Ngoài ra, còn phải kể đến việc đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ khác như sản xuất xi măng, phân bón, giấy, hóa chất... Riêng đối với sản xuất xi măng, theo cân đối trong dự kiến cung cấp than cho các hộ sử dụng, TKV đã dự kiến nhu cầu cung ứng than cho ngành xi măng từ năm 2015 là 4 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với năm 2014 và từ năm 2016 chỉ còn 3 triệu tấn/năm. Phần còn thiếu than cho xi măng, dự kiến cũng sẽ nhập khẩu từ 3 - 5 triệu tấn/năm. 

Tăng năng lực khai thác

Thời gian tới, ngành than có thể sẽ phải đối mặt với bài toán nhu cầu than tăng cao trong khi điều kiện mở rộng khai thác sản xuất ngày càng khó khăn, do mỏ than ngày càng sâu trong lòng đất. Để đảm bảo không phụ thuộc vào nhập khẩu thì mục tiêu đặt ra là phải tập trung tăng cường sản xuất trong nước.

Thực hiện mục tiêu này, TKV mới đây đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển các mỏ than, theo đó, đề nghị cho TKV được vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu để đầu tư phát triển, đồng thời bảo lãnh cho TKV vay vốn nước ngoài để đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, TKV cũng kiến nghị Chính phủ xem xét đẩy nhanh thủ tục đầu tư, cấp phép phê duyệt thăm dò khai thác cũng như có các giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, điều chỉnh thuế phí các loại phù hợp, nhằm đẩy nhanh triển khai các dự án tăng sản lượng than theo Quy hoạch đã được duyệt. 

Về kế hoạch thăm dò và khai thác cụ thể, nhằm đảm bảo bù đắp phần than dự kiến thiếu hụt, ông Biên cho biết, TKV đang tập trung đẩy mạnh thăm dò và khai thác bể than Đông Bắc thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các mỏ than vùng nội địa, nơi có điều kiện khai thác thuận lợi hơn chất lượng than tốt và trữ lượng tài nguyên lớn. Bên cạnh đó, TKV cũng đang triển khai nghiên cứu để thử nghiệm khai thác than vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

Tin bài liên quan