Bà Zhou Qunfei

Bà Zhou Qunfei

Zhou Qunfei, nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới: Tự hào với quá khứ cơ cực

(ĐTCK) Dù là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới hiện nay, nhưng Zhou Qunfei vẫn còn là cái tên ít được biết đến. Người phụ nữ này từng phải bỏ học, làm công nhân trong nhà máy, trước khi xây dựng thành công “đế chế” Lens Technology - nhà sản xuất màn hình kính cảm ứngcho những công ty như Apple, Samsung.

Sinh năm 1970, Zhou Qunfei lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn. Mồ côi mẹ từ sớm, cha thì gần như bị mù sau một tai nạn xe, gia cảnh quá khó khăn khiến Qunfei phải sớm rời gia đình, tự bươn chải mưu sinh. Năm 15 tuổi, Qunfei nghỉ học và làm công nhân cho một nhà máy sản xuất thấu kính đồng hồ với mức lương 100 USD/tháng.

Chính công việc buồn tẻ, đơn điệu và cuộc sống quẩn quanh đã khiến cô gái nông thôn cháy lên khao khát được khẳng định mình. Qunfei quyết định viết đơn xin nghỉ việc sau 3 tháng. Sếp của bà khi đó đã vô cùng ngạc nhiên vì tưởng rằng một cô gái nông thôn ít học như Qunfei sẽ an phận, bởi không có khả năng tìm cơ hội thăng tiến.

Lá thư xin nghỉ việc của Qunfei hấp dẫn cấp trên của bà đến mức Qunfei đã được tăng cấp và ở lại với Công ty. Về sau, bà còn được bổ nhiệm làm Giám đốc bộ phận sản xuất. Có thể nói, sự gan dạ đã giúp Qunfei đặt một chân vào con đường giàu có và thành công vượt bậc sau này.

Vì khởi đầu là công nhân, nên Qunfei hiểu rất rõ từng quy trình sản xuất thấu kính trước khi thành lập công ty. Năm 1993, Qunfei rời nhà máy để mở công ty riêng chỉ với 3.000 USD tiền tiết kiệm và vay mượn từ người thân. Đây là công ty đầu tiên trong số 11 doanh nghiệp mà bà từng thành lập và hầu như cuối cùng đều thất bại.

“Tôi từng 2 lần phải bán nhà để trả lương cho nhân viên”, Qunfei nói.

Thực tế, mãi đến năm 2003, Qunfei mới có cơ hội để tạo nên công ty thành công vượt bậc như ngày nay nhờ việc thành lập Lens Technology. Một ngày, Qunfei nhận được cuộc gọi từ Motorola, hãng điện thoại đang tìm kiếm nhà sản xuất thấu kính thủy tinh chống xước cho dòng điện thoại Razr V3 mới của họ.

“Tôi nhận được cuộc gọi này và họ nói ‘chỉ cần trả lời có hay không, nếu có chúng tôi sẽ giúp cô thiết lập quy trình’ và tôi đã nói có”, Qunfei nhớ lại.

Quỹ đạo vận hành của Lens Technology chính thức được thiết lập từ thời điểm đó, với các đơn đặt hàng đến từ HTC, Nokia, Samsung. Đặc biệt, Apple đã chọn Lens Technology làm nhà cung cấp màn hình kính cho siêu phẩm iPhone ra đời năm 2007. Chính điều này đã thúc đẩy Lens Technology đến vị tri thống lĩnh thị trường Trung Quốc. Với điều đó, công ty của Qunfei đã có thể đầu tư thêm cơ sở vật chất và thuê kỹ thuật viên tốt hơn. Trong vòng 5 năm, bà đã xây dựng các nhà máy sản xuất ở 3 thành phố.

Bước lên sàn chứng khoán năm 2015, Lens Technology đã ngay lập tức khiến cho giá trị tài sản ròng của Qunfei tăng gấp 4 lần, giúp bà trở thành nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Tính đến hiện tại, Lens Technology có giá trị khoảng 11 tỷ USD và Bloomberg ước tính giá trị tài sản của nữ CEO này là 9,2 tỷ USD. Lens Technology hiện có khoảng 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau, sử dụng hơn 90.000 nhân viên.

“Bà ấy là một người rất năng động và quyết tâm. Bà ấy đã trải qua rất nhiều khó khăn thời thơ ấu và vì lý do này, Zhou đã làm việc chăm chỉ để thay đổi số mệnh của mình”, Peng Mengwu, Phó giám đốc của Lens Technology nói với tờ Australian Financial Review.

Qunfei cho biết, bà luôn tự hào về quá khứ nghèo khó, cơ cực của mình. Ngoài ra, nữ tỷ phú này còn tiết lộ, bí quyết thành công chính là luôn quan sát cuộc sống và không ngừng khát khao học hỏi.

“Ở ngôi làng tôi đã lớn lên, rất nhiều cô gái không được lựa chọn việc đi học trung học. Họ sẽ kết hôn hoặc lập gia đình và dành cả cuộc đời của họ trong ngôi làng đó. Tôi đã chọn làm kinh doanh và không hối tiếc”, Qunfei chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Times hồi năm 2015.

Tin bài liên quan