Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Yellen lại khiến giới đầu tư lo sợ

(ĐTCK) Phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Janet Yellen về khả năng tăng lãi suất trong tháng 12 đã khiến USD tăng lên mức cao nhất 3 tháng, trong khi cả chứng khoán, giá vàng và giá dầu đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Tư.

Trong lần phát biểu công khai đầu tiên sau cuộc họp tháng 10 của Fed, Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen cho biết, tỷ lệ thất nghiệp thấp, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và niềm tin vào sự trở lại sắp tới của lạm phát có nghĩa là kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho mức lãi suất cao hơn. Do đó, có khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất trong tháng 12, nhưng mức tăng sẽ chậm để nuôi dưỡng sự phục hồi của nền kinh tế.

Sau phát biểu của bà Yellen, đồng USD đã tăng vọt lên mức cao nhất 3 tháng, đẩy các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh như vàng, dầu giảm mạnh.

Trong phiên giao dịch thứ Ba, phố Wall được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng, cùng công nghệ nên đã duy trì đà tăng tốt, tuy nhiên trong phiên thứ Tư, với việc giá dầu giảm mạnh, nhóm cổ phiếu năng lượng cũng giảm theo, khiến chứng khoán Mỹ không còn chỗ bấu víu.

Ngoài ra, phát biểu của Chủ tịch Fed về việc tăng lãi suất cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chứng khoán, khiến phố Wall đảo chiều giảm điểm trở lại trong phiên thứ Tư.

Theo dữ liệu kinh tế vừa công bố, chỉ số ISM trong lĩnh vực phi sản xuất của Mỹ trong tháng 10 lạc quan, trong khi bảng lương trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ trong tháng 10 có thêm 182.000 việc làm, phù hợp với dự báo. Giới đầu tư đang chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu tới với dự báo sẽ có thêm 185.000 việc làm tạo mới, tăng hơn so với con số 142.000 việc làm trong tháng 9.

Kết thúc phiên 4/11, chỉ số Dow Jones giảm 50,57 điểm (-0,28%), xuống 17.867,58 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,48 điểm (-0,35%), xuống 2.102,31 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,65 điểm (-0,05%), xuống 5.142,48 điểm.

Chứng khoán châu Âu dù có mức tăng khá tốt nhưng về cuối phiên đã đảo hạ nhiệt do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ phát biểu của Chủ tịch Fed. Trong khi đó, vụ bê bối của Volkswagen lan rộng đã khiến chứng khoán Đức giảm mạnh trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 4/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 29,27 điểm (+0,46%), lên 6.412,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 105,91 điểm (-0,97%), xuống 10.845,24 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 12,11 điểm (+0,25%), lên 4.948,29 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á lại có phiên giao dịch khởi sắc nhờ 3 vụ IPO thành công của Japan Post Holdings, gồm công ty mẹ Japan Post và 2 đơn vị tài chính trực thuộc, giúp lan tỏa sự hứng khởi ra cả thị trường Nhật Bản.  

Ngoài ra, chứng khoán khu vực còn nhận được sự hỗ trợ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra bình luận tích cực và kế hoạch phát triển khả quan của nền kinh tế Trung Quốc khi cho rằng, kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng khoảng 7%/năm.

Các thông tin trên giúp chứng khoán khu vực tăng mạnh, trong đó Nikkei 225 tăng 1,3%, trong khi chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng mạnh nhất 1 tháng và chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng tới hơn 4,3%.

Kết thúc phiên 4/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 243,67 điểm (+1,3%), lên 18.926,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 485,14 điểm (+2,15%), lên 23.053,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 142,94 điểm (+4,31%), lên 3.459,64 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này tiếp tục có phiên giảm thứ 6 liên tiếp sau khi những nỗ lực phục hồi trong phiên Á, Âu bị dập tắt với phát biểu của Chủ tịch Fed và các báo cáo kinh tế khả quan.

Kết thúc phiên 4/11, giá vàng giao ngay giảm 9,7 USD (-0,87%), xuống 1.107,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 7,9 USD (-0,71%), xuống 1.106,2 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, ngoài chịu tác động tiêu cực từ việc đồng USD tăng mạnh sau phát biểu của Chủ tịch Fed, giá dầu thô còn chịu các thông tin không khả quan khác như OPEC dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ yếu hơn trong các năm tới, trong khi Ả Rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC lại gia tăng sản lượng để giữ thị phần. Trong khi đó, kho dữ trữ dầu của Mỹ tăng thêm 2,85 triệu thùng trong tuần trước, theo Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA), phù hợp với dự báo trước đó.

Chịu các thông tin tác động tiêu cực dồn dập, giá dầu thô đã trả lại hết toàn bộ những gì có được trong phiên trước đó.

Kết thúc phiên 4/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,58 USD/thùng (-3,41%), xuống 46,32 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,96 USD (-4,03%), xuống 48,58 USD/thùng.

Tin bài liên quan