Xuất khẩu dầu Mỹ đe dọa thỏa thuận của OPEC

Xuất khẩu dầu Mỹ đe dọa thỏa thuận của OPEC

(ĐTCK) Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh vẫn đang gắn chặt với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu nhằm hỗ trợ giá nguyên liệu này phục hồi. 

Một trong những mục tiêu để thỏa thuận chấm dứt là việc lượng dự trữ dầu trên thế giới đi xuống. Tuy nhiên, tình hình trở nên phức tạp hơn khi lượng dầu trong kho tại Mỹ có giảm, nhưng đó là bởi hoạt động xuất khẩu ngày càng được đẩy mạnh.

Việc giá dầu dần hồi phục trở lại từ năm 2017 đã cổ vũ các nhà sản xuất dầu tại Mỹ sản xuất nhiều hơn nữa để bù đắp chi phí bỏ ra bấy lâu. Hiện tại, các mỏ dầu tại Mỹ sản xuất hơn 10 triệu thùng/ngày, vượt qua cả mức kỷ lục được thiết lập vào năm 1970, nhưng đi kèm với đó là hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh, giúp lượng dầu dự trữ tại các kho hàng lớn nhất luôn ở mức “dễ chịu”.

Trong 6 tháng qua, Mỹ xuất khẩu trung bình 1,5 triệu thùng/ngày, gần gấp đôi so với giai đoạn 6 tháng trước đó, theo thông tin từ Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng (EIA). Trong bối cảnh sản lượng dầu đầu ra tại Mỹ tăng trưởng, đa phần lượng dầu xuất khẩu đều hướng tới châu Á – thị trường truyền thống của các nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông.

Số lượng dầu dự trữ giảm, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu lớn đang giúp dầu thô của Mỹ quay trở lại thời kỳ huy hoàng. Vào đầu tháng 3, lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua, giá dầu WTI tiêu chuẩn của Mỹ đã tăng lên cao hơn so với giá dầu thô Brent tiêu chuẩn vùng Trung Đông, dù chỉ cao hơn 17 cents/thùng và vị thế này cũng không kéo dài lâu.

Thực tế, giá dầu WTI Mỹ từ lâu đã luôn thấp hơn so với dầu Brent và lần gần đây nhất, giá WTI cao hơn Brent là vào tháng 12/2016, khi OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga, đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử.

Trong bối cảnh OPEC và các đồng minh đang tuân thủ thỏa thuận giảm sản lượng đầu ra, việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Mỹ giành được thị phần lớn hơn tại thị trường châu Á. Điều này có thể trở thành yếu tố khiến các thành viên OPEC cũng gia tăng sản lượng như một hành động đáp trả, Warren Patterson, chiến lược gia hàng hóa tại ING Groep NV – ngân hàng và tập đoàn tài chính đa quốc gia có trụ sở chính tại Hà Lan cho biết.

“Thỏa thuận cắt giảm sản lượng càng kéo dài, thì mọi chuyện càng dẫn tới kết cục tan rã. OPEC và các thành viên đang trao cơ hội cho Mỹ giành phần lớn thị phần”, Patterson nói.

Giá dầu thô Brent, loại dầu tiêu chuẩn phổ biến trên toàn cầu, hiện đang giao dịch quanh mức 65 USD/thùng, so với mức chỉ khoảng 45 USD/thùng vào tháng 6/2017. ING dự báo, giá dầu Brent sẽ vào khoảng 57 USD/thùng vào nửa cuối năm 2018. Trước đó, loại nguyên liệu này từng có giá 115 USD/thùng vào giữa năm 2014, trước khi tình trạng dư cung dẫn tới giá dầu sụp đổ.

Tuy nhiên, đây là dự báo giá dầu khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng không bị “hủy hoại” bởi động thái đẩy mạnh xuất khẩu từ các nhà sản xuất Mỹ. Nếu thị trường dầu mỏ có biến động mạnh như việc các thành viên OPEC cảm thấy cần hành động trước mối đe dọa từ Mỹ, kết quả là giá dầu sẽ nhanh chóng đi xuống, khi chưa đạt được mức đỉnh cần thiết.

Wood Mackenzie Ltd, nhà tư vấn công nghiệp nhận định, OPEC nhận thức rõ việc các nhà sản xuất dầu đá phiến từ Mỹ đang “đánh cắp” phần lớn các khách hàng tại thị trường châu Á, nơi đang tiêu thủ dầu mỏ nhiều hơn các khu vực khác trên thế giới. Công ty này cho rằng, xuất khẩu dầu thô từ Mỹ sẽ sớm tăng lên gần 4 triệu thùng/ngày vào giữa những năm 2020, cạnh tranh mạnh với dầu thô xuất khẩu từ Iraq và Canada.

“Châu Á là thị trường mà các nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông không muốn từ bỏ. Từ nay tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng vẫn đang có hiệu lực, nhưng một khi bước sang năm 2019, thị trường sẽ không còn chứng kiến một thỏa thuận tương tự như vậy xuất hiện”, Patterson nhận định.

Tin bài liên quan