Theo tờ Thời báo Tài chính Anh, hãng chế tạo ô tô Nhật Bản Toyota Motor nổi tiếng với biệt danh “Toyota Bank” (Ngân hàng Tokyo) bởi có khoản tiền tích trữ lên tới 153 tỷ USD.
Trong khi đó, theo số liệu của Quick-FactSet, kể từ năm 2000 đến nay, các tài sản có tính thanh khoản cao mà tập đoàn Internet khổng lồ Trung Quốc Tencent Holdings nắm giữ đã tăng lên 51,8 tỷ USD.
China Mobile, hãng cung cấp mạng điện thoại di động lớn nhất thế giới, cũng có khối tài sản tích trữ lên tới 90,3 tỷ USD. Điều mà người ta gọi là hiện tượng Nhật Bản giờ đã lan ra khắp thế giới.
Hanwha Corp, một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, có số dư tiền mặt lên tới 70,6 tỷ USD, trong khi tập đoàn điện tử Samsung Electronics hiện nắm giữ trên 70 tỷ USD tiền mặt và các tài sản có tính thanh khoản cao khác.
Các công ty lớn khác ở châu Á cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng này. Từ năm 2010, số dư tài sản có tính thanh khoản cao của tập đoàn Trung Quốc Fosun International đã tăng gấp 6 lần, trong khi của tập đoàn hóa chất và dầu mỏ China Petroleum & Chemical (Sinopec) tăng 4,5 lần.
Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, trong đó GDP của Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp nhất trong một phần tư thế kỷ qua.
Xu hướng tích trữ các tài sản có tính thanh khoản cao cũng diễn ra tại các công ty phương Đông lẫn phương Tây, trong bối cảnh tìm được nơi tốt để đầu tư trong bối cảnh hiện nay không phải là điều dễ dàng. Vì lý do đó, việc cất trữ tài sản có tính thanh khoản cao dường như là xu hướng chung.
Tại Mỹ, các công ty trong lĩnh vực công nghệ cho thấy những con số tích trữ cao ngất ngưỡng. Dự trữ tiền mặt trong két của hãng Apple hiện đứng ở mức 261,5 tỷ USD, của Microsoft là 139 tỷ USD, trong khi Alphabet, công ty mẹ của Google, "ngồi" trên khối tiền mặt 101,3 tỷ USD.
Tính gộp chung, đến cuối tháng 6/2017, Apple, Facebook, Alphabet, Amazon và Microsoft nắm giữ khối tài sản có tính thanh khoản cao lên tới 560,1 tỷ USD, cao hơn cả số thu từ thuế mà Chính phủ Nhật Bản có được trong tài khóa 2016.
Phần lớn số tiền này được để ở hải ngoại để tránh mức thuế doanh nghiệp cao ngất ngưởng của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhắm tới việc đưa số tiền này trở về nước thông qua đề xuất cắt giảm thuế. Xu hướng tích trữ quá nhiều tiền như thế cũng cho thấy nhu cầu cần giải ngân đầu tư lớn của các công ty Mỹ hiện nay.
Lượng tài sản có tính thanh khoản cao mà các doanh nghiệp Mỹ nắm giữ, gồm tiền mặt, tiền gửi, chứng khoán đã tăng 50% lên 2.800 tỷ USD kể từ năm 2010. Trong cùng thời gian này, các công ty Nhật Bản hiện “ngồi” trên khối tài sản tương tự lên tới 1.900 tỷ USD, tăng 10%, và số dư tiền mặt của các công ty châu Âu hầu như không đổi ở mức 2.100 tỷ USD.
Trên toàn thế giới, tổng số dư tiền mặt của các công ty trong lĩnh vực phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán đã vượt ngưỡng 12.000 tỷ USD trong năm nay, cao hơn cả con số dự trữ ngoại tệ của thế giới đứng ở mức 11.000 tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2017.