WhatsApp vs châu Á: Cuộc chiến mới bắt đầu

WhatsApp vs châu Á: Cuộc chiến mới bắt đầu

(ĐTCK) Dù có tới 450 triệu người dùng, nhưng WhatsApp, ứng dụng tin nhắn vừa được Facebook mua với giá kỷ lục, vẫn chưa dành được nhiều lãnh địa ở châu Á, nơi đang có sự hiện diện của nhiều đối thủ đáng gờm khác.

Kỷ nguyên của những ứng dụng tin nhắn, trò chuyện miễn phí ngày nay đang dần áp đảo lối nhắn tin mất phí hàng tháng thông thường, góp phần nâng vị trí của các tập đoàn mạng toàn cầu lên tầm cao mới.

Cuộc chiến giữa các công ty mạng cũng vì thế trở nên căng thẳng hơn. 5 ngày trước thời điểm thương vụ thế kỷ 19 tỷ USD giữa Facebook và WhatsApp ra đời, Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản Rakuten cũng đồng ý thu nạp phần mềm dịch vụ tin nhắn nổi tiếng Viber với số tiền bỏ ra 900 triệu USD.

Trong khi đó, Tập đoàn viễn thông Nhật Bản SoftBank cũng đang tìm kiếm cơ hội “chiếm đoạt” ứng dụng nhắn tin di động Line.

Hoặc thậm chí, “ông hoàng một thời” BlackBerry cũng tuyên bố sẵn sàng chuyển nhượng quyền sở hữu phần mềm nhắn tin BBM với hơn 85 triệu người dùng hiện nay, nếu xuất hiện nhà đầu tư xứng đáng.

“Bất cứ ai trong ngành công nghiệp kỹ thuật sở hữu một sản phẩm trụ cột trong lĩnh vực truyền thông và có khả năng kết nối mọi người hoàn toàn có thể trở thành người mua tiềm năng”, Brian Blau, chuyên gia phân tích khía cạnh phương tiện truyền thông xã hội ở Gartner nói.

Quả thật, thông qua việc mua lại một trong những ứng dụng nhắn tin miễn phí là cách nhanh nhất để tiếp cận với hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cùng với số tiền được “bày sẵn trên bàn” là áp lực không hề nhỏ khi công cuộc mở rộng quy mô khách hàng trở nên rất khó khăn.

Mặc dù sở hữu 450 triệu người dùng toàn cầu nhưng thị trường ăn khách của WhatsApp chủ yếu nằm ở khu vực Hoa Kỳ và châu Âu, trong khi ở những nơi tập trung đông dân số như Trung Quốc, Ấn Độ… vẫn ít được “ngó ngàng” tới.

95% người dân Trung Quốc vẫn có thói quen sử dụng Wechat để nhắn tin, trò chuyện miễn phí. Ở Hàn Quốc, phần mềm Kakaotalk đang chiếm lĩnh hơn 93% thị phần trong số 36 triệu điện thoại thông minh được sử dụng hiện nay. Một số ứng dụng nổi tiếng khác như Viber, Line… đều đang sở hữu trung bình 360 triệu khách hàng trung thành ở Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan với đà phát triển mạnh.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Facebook đang chiếm lĩnh lợi thế ở những thị trường mới nổi như Brazil hay Indonesia và là rào cản lớn đối với KakaoTalk cũng như Line trong việc khuếch trương quyền lực tại đây. Bởi nếu không đáp ứng được những yếu tố cải tiến và mới mẻ, Kakaotalk hoặc Line đều sẽ thua cuộc trước WhatsApp.

Không dừng tại đó, vào ngày 24/2 vừa qua, WhatsApp tuyên bố sẽ cung cấp dịch vụ cuộc gọi video miễn phí, như phát súng thách thức cuộc chiến với các ứng cử viên đến từ châu Á.

Tin bài liên quan