Warren Buffett: Đầu tư vì môi trường hay lợi nhuận?

Warren Buffett: Đầu tư vì môi trường hay lợi nhuận?

(ĐTCK) Theo Warren Buffett: “Là một công dân, vấn đề thay đổi khí hậu có thể khiến bạn thao thức suốt đêm. Là một chủ nhà tại khu vực thấp hơn mực nước biển, bạn có thể kỳ vọng những biến đổi này chấm dứt. Nhưng khi bạn là cổ đông của một công ty đầu tư lớn, biến đổi khí hậu không nằm trong danh sách những điều bạn nên lo lắng”.

Phát ngôn này của tỷ phú, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã làm dấy lên tranh cãi trong một thời gian dài, đồng thời khiến các thành viên thị trường trở nên bối rối trong việc nhận định: chiến lược đầu tư của ông thiên về môi trường hay lợi nhuận? 

Vai trò định hướng

Mỗi năm, giới đầu tư trên toàn cầu đều chờ đợi thư gửi cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway do Chủ tịch Công ty là tỷ phú Warren Buffett thực hiện.

Đây là bức thư được đón nhận nồng nhiệt, bởi dưới sự lãnh đạo của Buffett, mức tăng trưởng trung bình hàng năm của Berkshire từ năm 1965 tới 2012 là 20,8%, vượt xa con số trung bình 9,7% của các công ty thuộc chỉ số S&P 500. Năm 2016, bức thư từ Buffett thể hiện sự tập trung và tầm nhìn của nhà đầu tư danh tiếng này vào một vấn đề rộng lớn hơn: sự thay đổi khí hậu, một mặt đe dọa hành tinh này, mặt khác đưa tới những cơ hội kinh doanh cho Berkshire Hathawway.

Là một trong những nhà đầu tư quyền lực nhất thế giới, mỗi quyết định đầu tư của Buffett có thể gây chấn động trên thị trường tài chính. Khối tài sản của Berksire Hathaway trong năm 2015 đạt 552 tỷ USD, tương đương GDP của Phần Lan. Do vậy, Buffett có thể thay đổi xu hướng đầu tư với mức độ ảnh hưởng rộng lớn nếu nhắm mục tiêu vào môi trường, không chỉ vì lợi nhuận.

“Nếu Buffet quyết định rằng, đầu tư vào nguyên liệu hóa thạch không còn đáng giá và tập trung vào năng lượng tái tạo hay các dạng đầu tư carbon thấp khác, điều này sẽ tạo nên cú sốc lớn trên thị trường, bởi mọi nhà đầu tư tài chính đều chú ý tới nơi mà Buffett đầu tư”, Max Messervy, Giám đốc Chương trình bảo hiểm tại Ceres cho biết. 

Giàu có nhờ năng lượng hóa thạch

Berkshire Hathaway Energy là một trong những nhà sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, 70% năng lượng mà công ty này sản xuất là năng lượng hóa thạch. 62 công ty con của Berkshire Hathaway hiện diện tại hầu hết các lĩnh vực chính của nền kinh tế.

Tập đoàn này cũng sở hữu cổ phần của gần 50 công ty khác, bao gồm cả các “đại gia” như Kraft Heinz, Coca Cola, AT&T và Walmart. Trong đó, nổi bật là 4 công ty lớn (xem ảnh), nắm vai trò chi phối trong lĩnh vực năng lượng, đều là năng lượng hóa thạch, với giá trị cổ phần sở hữu vào khoảng 6,7 tỷ USD.

Warren Buffett: Đầu tư vì môi trường hay lợi nhuận? ảnh 1

Sự hiện diện của Berkshire Hathaway ở khắp mọi nơi. Riêng lĩnh vực năng lượng, 1/10 các gia đình Mỹ sử dụng than đá được cung cấp bởi BNSF, công ty mà Bershire đã mua năm 2010. Riêng ngành đường sắt đóng góp 22% doanh thu của hãng trong năm 2015. Trong khi báo cáo phát triển bền vững của BNSF “hấp dẫn” người đọc bởi các giải thưởng vì môi trường, bao gồm cả sự ghi nhận về nỗ lực giảm thiểu khí nhà kính, tuy nhiên trong đó lại “quên” mất một vấn đề quan trọng, đó là tác động tới môi trường khi số than đá mà BNSF cung cấp ra thị trường được sử dụng.

Thông qua việc nắm giữ cổ phần, Berkshire Hathaway cũng đầu tư khoảng 6,7 tỷ USD vào các công ty năng lượng hóa thạch, bao gồm nhà chế xuất dầu mỏ Phillips 66 và công ty nhựa đường Suncor Energy Inc. Trong vài năm qua, Buffett đã nâng cổ phần sở hữu tại Phillips 66 lên 5,3 tỷ USD và tại Suncor lên 850 triệu USD. Công ty đường sắt của Buffett mang tên BNSF, trong năm ngoái có doanh thu tăng 4,6 tỷ USD nhờ giá than đá giảm mạnh.

Berkshire đồng thời sở hữu một số công ty dầu và khí đốt, bao gồm cả hoạt động mua lại các khu chế xuất, hoạt động sản xuất khí hóa lỏng của Weatherford International. Berkshire Hathaway Energy bao gồm 4 công ty lớn phục vụ 4,7 triệu khách hàng và 2 đường ống dẫn khí đốt tự nhiên qua biên giới, cũng như cung cấp dịch vụ phân phối tại Anh và Canada.

“Đế chế của Buffett là một thực thể với cấu trúc phức tạp. Nó tham gia vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, khiến chúng ta khó có thể nhận biết rõ ràng điều mà Warren Buffett nghĩ và muốn làm trong việc nhấn mạnh rủi ro về biến đổi khí hậu và xây dựng những nguồn năng lượng tái tạo sạch”, Bill Corcoran, Giám đốc Sierra Club cho biết.

Warren Buffett: Đầu tư vì môi trường hay lợi nhuận? ảnh 2

Hành động đầy mâu thuẫn

Mặc dù lợi nhuận hiện tại của Buffett chủ yếu tới từ việc nắm giữ cổ phần tại các công ty khai thác nguyên liệu hóa thạch, song Buffett vẫn thoát khỏi sự chỉ trích của các nhà hoạt động môi trường, đồng thời chưa từng nhận cáo buộc về việc tạo mối nguy cơ về biến đổi khí hậu như các nhà đầu tư nổi tiếng khác, điển hình là Charles và David Koch.

Trong khi anh em nhà Koch thường hoạt động trong các chiến dịch khoa học về môi trường, thay đổi quy định bảo vệ mội trường và phát triển năng lượng sạch, Buffett chưa từng có nỗ lực nào để tham gia vào các tổ chức chính trị/chính sách thông thường về vấn đề năng lượng.

Thay vào đó, nhà đầu tư 85 tuổi này đầu tư hàng tỷ USD vào năng lượng gió hay mặt trời. Công ty của ông sở hữu hệ thống nhà máy điện chiếm 7% toàn bộ nguồn cung năng lượng gió và 6% nguồn cung năng lượng mặt trời tại Mỹ. Trong tháng 6/2016, MidAmerican Energy, một công ty thành viên của Berkshire, thông báo kế hoạch dành 3,6 tỷ USD đến năm 2019 cho lĩnh lực năng lượng gió, đánh dấu bước tiến lớn của Công ty trong mục tiêu cung cấp 100% năng lượng sạch tại bang Iowa.

Tuy nhiên, năm 2014, Buffett từng trả lời phỏng vấn tờ Fortune rằng, việc tạo năng lượng gió “chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc được giảm thuế”, do chính sách ưu đãi tại lĩnh vực này. Báo cáo thường niên của Berkshire cũng ghi rõ những lợi ích quan trọng từ việc giảm thuế khi đầu tư vào năng lượng gió.

Những phát ngôn và hành động mang đầy tính mâu thuẫn này khiến nhiều người hồ nghi về chiến lược đầu tư thực sự của Warren Buffett. Liệu vấn đề đầu tư vì môi trường có thực sự đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của tỷ phú này?

Trong tháng 7/2016, khi tham gia Hội nghị Cam kết hành động vì khí hậu của các doanh nghiệp Mỹ do Nhà trắng tổ chức, Berkshire cho biết, Công ty đã dành khoảng 15 tỷ USD vào các nguồn năng lượng tái tạo và cam kết đầu tư thêm 15 tỷ USD nữa. Bên cạnh đó, tới năm 2019, Công ty sẽ rút hơn 75% hoạt động tại lĩnh vực than đá ở Nevada. Berkshire Hathaway Energy hiện đang sở hữu hơn 5.500 megawatts năng lượng gió, đứng thứ hai trong ngành năng lượng này, theo Hiệp hội Năng lượng gió Hoa Kỳ.

Trước đó, tháng 2/2016, Buffett cho biết: “Nếu cần phải xây dựng con thuyền của Noah để có thể sống sót, việc xây dựng nó nên bắt đầu tư hôm nay, cho dù hiện tại bầu trời có trong xanh thế nào đi nữa”. Tuy nhiên, ông nhận định, những thay đổi khí hậu hiện tại vẫn chưa tạo nên các thảm họa thời tiết có thể đe dọa tới lợi nhuận của Berkshire Hathaway.

Sau phát biểu này, rất nhiều tổ chức hoạt động vì môi trường đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Theo Ceres, các bên liên quan đã yêu cầu Berkshire ít nhất 3 lần từ năm 2011 về việc thiết lập mục tiêu giảm lượng phát thải. Tuy nhiên, mỗi lần đối diện với Buffett, các nhà hoạt động này này chưa bao giờ nhận quá 10,1% sự ủng hộ của cổ đông, bởi lợi nhuận mà Warren Buffett mang lại cho họ là quá lớn, khiến các cổ đông luôn nghe theo chiến lược của vị tỷ phú này.

Tin bài liên quan