Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Vượt qua nỗi sợ, chứng khoán hồi phục trở lại

(ĐTCK) Sau phiên giảm mạnh đầu tuần, phố Wall đã hồi phục trở lại khi nỗi lo Hy Lạp vơi dần, trong khi chứng khoán Trung Quốc tránh được thảm họa nhờ các biện pháp can thiệp kịp thời của Bắc Kinh.

Ngày 30/6 là hạn để Hy Lạp thanh toán khoản nợ 1,8 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong khi cuộc đàm phán về gói cứu trợ cho Athens chưa đạt được thỏa thuận nào, Hy Lạp muốn các chủ nợ cơ cấu lại nợ vay trong nỗ lực tránh bị vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng euro.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, sẽ không có thêm cuộc đàm phán nào với Hy Lạp cho đến sau cuộc trưng cầu dân ý.

Vấn đề Hy Lạp không mấy tác động tới Mỹ vì rất ít công ty Mỹ có làm ăn với Hy Lạp, nhưng giới đầu tư trên phố Wall vẫn thận trọng bởi lo sợ nó sẽ lây lan sang các quốc gia khác.

Dù vậy, trong phiên thứ Ba, chứng khoán Mỹ đã có bước nảy trở lại sau phiên giảm mạnh đầu tuần nhờ lực cầu bắt đáy và giới đầu tư bớt lo lắng với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Dow Jones tăng 23,16 điểm (+0,13%), lên 17.619,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,47 điểm (+0,27%), lên 2.063,11 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,40 điểm (+0,57%), lên 4.986,87 điểm.

Trong khi chứng khoán Mỹ và châu Á hồi phục trở lại, thì chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Ba do tình hình Hy Lạp vẫn đang ám ảnh giới đầu tư.

Kết thúc phiên 30/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 99,50 điểm (-1,50%), xuống 6.520,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 138,23 điểm (-1,25%), xuống 10.944,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 79,62 điểm (-1,63%), xuống 4.790,20 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các biện pháp mà Bắc Kinh đưa ra để trấn an nhà đầu tư, tránh thảm họa xảy ra với thị trường chứng khoán sau khi chứng khoán nước này mất 20% so với mức đỉnh giữa tháng 6 đã phát huy tác dụng. Trong phiên đầu tuần, chứng khoán Trung Quốc có lúc lao dốc hơn 7%, nhưng sau đó đã hồi nhẹ, chỉ còn mức giảm 3,3% . Trong phiên thứ Ba, chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục mạnh trở lại với mức tăng hơn 5,5%.

Đà hồi phục của chứng khoán đại lục cũng giúp chứng khoán Hồng Kông tăng trở lại sau phiên lao dốc đầu tuần.

Tương tự, chứng khoán Nhật Bản cũng hồi phục trở lại sau phiên lao dốc đầu tuần, tuy nhiên mức hồi phục của chứng khoán Nhật Bản nhẹ hơn chứng khoán Hồng Kông, Trung Quốc do giới đầu tư còn thận trọng về tình hình Hy Lạp.

Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 125,78 điểm (+0,63%), lên 20.235,73  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 283,05 điểm (+1,09%), lên 26.250,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 224,19 điểm (+5,53%), lên 4.277,22 điểm.

Bất chấp tình hình Hy Lạp đang làm giới đầu tư chứng khoán lo sợ, nhưng vai trò trú ẩn của vàng lại không được nâng lên. Đây là điều làm giới phân tích ngạc nhiên. Sau khi tăng nhẹ phiên đầu tuần, giá vàng đã giảm khá mạnh trở lại trong phiên thứ Ba, xuống mức thấp nhất 3 tuần.

Kết thúc phiên 30/6, giá vàng giao ngay giảm 7,5 USD (-0,64%), xuống 1.172,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 7,2 USD/ounce (-0,61%), xuống 1.171,8 USD/ounce.

Cũng giống chứng khoán, dầu thô cũng đã hồi trở lại, lấy hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 30/6, giá dầu thô Mỹ tăng 1,14 USD/thùng (+1,92%), lên 59,47 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,58 USD (+2,48%), lên 63,59 USD/thùng.

Tin bài liên quan